Tân Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan trước kia được ít người biết đến. Phải đến khi ông là Bộtrưởng Y tế năm 1996 mới là chínhkhách nổi tiếng với việc phanh phui trách nhiệm của Chính phủ đến sản phẩm máu nhiễm HIV.
|
Tân Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan
|
Sau sự ra đi bất ngờ và đáng buồn của Thủ tướng Yukio Hatoyama, Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản đã quyết định bầu chọn Bộ trưởng Tài chính Naoto Kan làm người kế nhiệm. Ông Kan sẽ là thủ tướng thứ 5 của Nhật Bản chỉ trong vòng 4 năm qua. Người ta hy vọng, tân Thủ tướng Kan sẽ không “dính” phải cái “dớp” đen đủi của 4 người tiền nhiệm. Các nhà lãnh đạo này đều phải kết thúc sự nghiệp khi cầm quyền chưa đầy một năm.
Tân Thủ tướng Kan sinh ra ở Thành phố Ube, quận Yamaguchi, phía tây nam Nhật Bản. Ông đã tốt nghiệp ngành Vật lý, Viện Công nghệ Tokyo năm 1970 trước khi mở văn phòng cấp bằng sáng chế vào năm 1974.
Từ khi còn là một thanh niên trẻ, ông Kan đã tích cực tham gia vào nhiều phong trào dân sự. Tuy nhiên, ông đã phải chịu thất bại liên tiếp trong 3 cuộc bầu cử trước khi giành được một ghế trong Hạ viện năm 1980 với tư cách là thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Thống nhất (USDP) - một đảng nhỏ hiện đã giải thể.
Dù đã trở thành một nghị sĩ nhưng cái tên Kan vẫn được rất ít người biết đến trên chính trường Nhật Bản. Phải đến tận năm 1996, tức 16 năm sau, ông Kan mới thực sự là một chính khách nổi tiếng. Tiếng tăm của ông đã nổi như cồn khi với tư cách là Bộ trưởng Y tế, ông đã phanh phui ra trách nhiệm của chính phủ trong vụ scandal liên quan đến các sản phẩm máu nhiễm virus HIV.
Tại thời điểm đó, ông đang là thành viên của một đảng liên minh nhỏ dưới cái ô quyền lực của Đảng Dân chủ tự do (LDP).
Trong thời đại của nền chính trị quan liêu và những thỏa thuận ngầm sau hậu trường, phong cách làm chính trị minh bạch của ông Kan hoàn toàn khác thường và tính cách thật thà đã giúp ông ghi điểm trong mắt công chúng và giới báo chí ở đất nước mặt trời mọc. Người ta không ngớt lời khen ngợi chính trị gia Kan.
Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông Kan không hề suôn sẻ. Năm 1998, ông Kan đã thú nhận không nộp tiền bảo hiểm lương hưu trong suốt 10 tháng. Mặc dù số tiền đó rất nhỏ nhưng ông Kan đã buộc phải rút lui để tránh làm ảnh hưởng đến đảng của mình. Hơn nữa, hình ảnh của chính trị gia Kan lúc đó còn bị bôi đen bởi vụ scandal tình ái của ông với một phát thanh viên truyền hình bị phơi bày.
Để chuộc lỗi cho bản thân mình và cho đảng, ông Kan đã cạo trọc đầu, mặc bộ quần áo tu hành truyền thống của Đạo phật và thực hiện một chuyến hành hương đến 88 ngôi đền thờ cổ trên khắp đất nước Nhật Bản.
Sau khi ông Yukio Hatoyama từ chức lãnh đạo Đảng Dân chủ (DPJ), ông Kan đã tiếp nhận vị trí của ông Hatoyam và vào tháng 7 năm 2003, đảng DPJ và Đảng Tự do do ông Ichiro Ozawa lãnh đạo đã nhất trí thành lập một đảng đối lập thống nhất để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử.
Trong chiến dịch tranh cử sôi động năm 2003, chính trị gia Kan đã được lựa chọn là ứng cử viên sáng giá tranh cử chức Thủ tướng Nhật. Khuôn mặt của ông Kan được sử dụng như là một thương hiệu uy tín cho chiến dịch tranh cử chống lại đảng LDP và ông được nhiều người xem là một nhà lãnh đạo đáng tin cậy. Tuy vậy, ông Kan đã thất bại trước đối thủ của đảng LDP và người được bầu làm Thủ tướng lúc đó là ông Junichiro Koizumi.
Thất bại nối tiếp thất bại. Năm 2004, ông Kan lại vướng vào một vụ scandal liên quan đến tài chính và buộc phải từ chức lãnh đạo đảng DPJ mặc dù ông khẳng định ông chỉ mắc sai sót rất nhỏ trong vụ việc này. Vào ngày 10-5-2004, ông Kan chính thức tuyên bố từ chức để cứu vãn danh tiếng của đảng. Nhưng bất chấp những sai lầm, ông vẫn được xem là đối thủ có uy tín duy nhất của đảng DPJ có thể cạnh tranh với đảng cầm quyền LDP lúc đó và cũng là người có thể thực sự cải cách chính quyền cũng như nền kinh tế Nhật Bản.
Giữa tháng 10 năm 2005, ông Kan đã đề xuất thành lập một đảng chính trị mới có tên gọi là "Dankai”, có nghĩa là bùng nổ dân số. Mục tiêu của đảng này là giải quyết chỗ ăn ở, sinh hoạt cho khoảng 2,7 triệu người Nhật Bản được sinh ra vào giai đoạn bùng nổ dân số mà đa số những người này sẽ nghỉ hưu vào năm 2007.
6-1-2010 ông Kan được Thủ tướng Yukio Hatoyama bổ nhiệm vào cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Và sự nghiệp chính trị của ông Kan bắt đầu thực sự cất cánh từ đó. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông Kan đã đạt tới đỉnh cao quyền lực, chính thức ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng của Nhật Bản.
Nổi tiếng với tính cách nóng như lửa, tân Thủ tướng Kan còn có biệt danh là "Kan Nóng nảy" hoặc "Kan Cáu kỉnh". Đối lập với những người tiền nhiệm trước chủ yếu là con nhà dòng dõi quyền lực, tân Thủ tướng Kan có xuất thân rất bình dân. Cha ông là một doanh nhân.
Tân Thủ tướng Kan có vợ và hai con trai, đều sống ở phía tây Tokyo. Ông có sở thích chơi cờ vây và được cho là rất thích shochu - một loại rượu mạnh truyền thống được giới công nhân Nhật Bản ưa chuộng.
(Theo VnMedia)