Tân Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin là ai?

17/01/2020 09:05

Theo Hãng thông tấn RIA Novosti, Tổng thống Vladimir Putin ngày 15.1 đã gặp trực tiếp Cục trưởng Cục Thuế liên bang Nga Mikhail Mishustin và đề nghị ông giữ chức Thủ tướng.

Tân thủ tướng Mikhail Mishustin là ai? - Ảnh 1.

Ông Dmitry Medvedev (phải) đứng cùng ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu cơ quan thuế liên bang trong một sự kiện - Ảnh: REUTERS

Sau đó chưa đầy 24 giờ, ông Putin đã ký quyết định bổ nhiệm ông Mishustin cho vị trí Thủ tướng, chưa đầy một tiếng đồng hồ sau khi Hạ viện Nga phê chuẩn.

Tân Thủ tướng Nga là một nhân tố bí ẩn với thế giới. Mikhail Mishustin, 53 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư hệ thống của Học viện Máy công cụ Matxcơva. Ông cũng lấy bằng tiến sĩ ở đó.

Mishustin bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực thuế từ năm 1998, khi đó ông được bổ nhiệm vào vị trí phó lãnh đạo Cục Thuế nhà nước Nga. Chỉ sau 1 năm, ông được cất nhắc lên chức Thứ trưởng phụ trách thuế. 5 năm sau, Mishustin chuyển sang công tác ở Cơ quan Địa chính liên bang cũng với vị trí lãnh đạo.

Năm 2007, ông đứng đầu cơ quan liên bang về quản lý các đặc khu kinh tế, tuy nhiên ông rời khỏi ghế này chỉ sau 1 năm.

Năm 2010, Mishustin trở lại bộ máy nhà nước và giữ chức Cục trưởng Cục Thuế liên bang Nga. Cùng năm đó, Mishustin nhận bằng tiến sĩ kinh tế với luận án "Chiến lược hình thành thuế tài sản ở Nga". Sau đó, ông viết hơn 40 bài báo cáo khoa học cũng với chủ đề này.

Trong khi đó, phát biểu trước cuộc họp với các bộ trưởng hôm 15.1, ông Putin tuyên bố ý định giới thiệu vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga trong tương lai và đề cử ông Medvedev vào vị trí này.

"Từ quan điểm thúc đẩy năng lực và an ninh quốc phòng của chúng ta, tôi tin rằng đây là điều có thể và đề nghị ông ấy (Medvedev) xử lý các vấn đề dạng này trong tương lai", Hãng thông tấn TASS dẫn lời Tổng thống Putin.

Hội đồng An ninh Nga là cơ quan giám sát việc soạn thảo các quyết định của Tổng thống về những vấn đề chiến lược phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích sống còn của công dân, xã hội và quốc gia trước các mối đe dọa trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy một chính sách thống nhất của quốc gia để bảo đảm an ninh.

Đề xuất cải cách Hiến pháp của ông Putin

* Quốc hội sẽ được trao quyền lớn hơn trong các vấn đề về nội các, các thẩm phán và các cơ quan an ninh. Quốc hội bổ nhiệm Thủ tướng, Thủ tướng bổ nhiệm các thành viên nội các và Quốc hội sẽ phê chuẩn những thành viên này. Nếu Quốc hội đã phê chuẩn, Tổng thống không có quyền bác.

* Các Tổng thống tương lai sẽ bị giới hạn tổng cộng tối đa 2 nhiệm kỳ. Họ sẽ buộc phải có thời gian sống ở Nga trong 25 năm và chưa bao giờ có một hộ chiếu nước ngoài hay một giấy phép cư trú.

* Hội đồng Nhà nước, cơ quan cố vấn cho Tổng thống, sẽ có quyền lực mở rộng hơn.

"Hoàn toàn chưa từng có tiền lệ. Chưa từng có điều gì giống như vậy trong lịch sử Liên bang Xô viết hay nước Nga thời hậu Xô viết", ông Andrei Kolesnikov, Chủ tịch chương trình nghiên cứu về các thiết chế chính trị và chính trị trong nước của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow (tại Matxcơva, Nga), nhận xét về đề xuất cải tổ Hiến pháp của ông Putin.

D.KIM THOA

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tân Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin là ai?