Không biết từ bao giờ hình ảnh nước Nga đã in đậm trong tôi dẫu chưa một lần tôi đặt chân đến miền đất ấy. Thuở nhỏ tôi thường được nghe ông ngoại hát những bài dân ca Nga: “Nhìn mấy cánh hoa rơi/ Lòng ngập ngừng/ Nghe trái tim bồi hồi/ Này, cành thùy dương yêu mến/ Biết chăng em vì cớ sao buồn”. Lớn lên một chút, tôi được tiếp xúc với những bài lịch sử ca ngợi sự vĩ đại của nhân dân Nga, được biết đến tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” (Ostrovsky), rồi bức tranh “Mùa thu vàng” nổi tiếng của danh họa Levitan. Nước Nga đã đi vào lòng tôi như thế, nhẹ nhàng nhưng cũng diết da, sâu lắng. Có nhiều khi trong giấc mơ thời thơ ấu tôi thấy mình lạc bước giữa xứ sở bạch dương với những hàng cây mùa lá rụng đẹp đến nao lòng. Nước Nga xa xôi hóa gần gụi, thiết thân.
Nước Nga, đất nước sinh ra những con người vĩ đại, không chỉ cho riêng dân tộc Nga mà cho cả thế giới. Chẳng thế mà Lê -nin được cả thế giới nhắc đến và tôn vinh. Ở Việt Nam, chúng ta có suối Lê-nin, công viên Lê-nin, đường Lê-nin, như để nhắc nhớ công ơn của Người. Những chiều thu Hà Nội, dạo bước qua công viên Lê-nin nhìn hàng cây đang mùa rụng lá tôi không khỏi bồi hồi mơ đến mùa thu ở nước Nga. Tôi thấy vô cùng thú vị khi biết được rằng mùa thu ở Matxcơva, người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ với dòng chữ: “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”. Và chưa bao giờ tôi thôi mơ ước, một ngày nào đó sẽ được đặt chân lên thảm lá vàng mùa thu ở Nga để cảm nhận hết cái đẹp trong bài thơ “Mùa lá rụng” của nữ sĩ Onga Becgon: “Những đàn sếu bay qua/ Sương mù và khói tỏa/ Matxcơva lại đã thu rồi/ Bao khu vườn như lửa chói ngời/ Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ”. Một cảm xúc trong lành, nguyên sơ và man mác buồn. Với một đất nước rộng nhất thế giới thì có thật nhiều điều để nói, để cảm nhận. Có ai chưa một lần mơ được đi dọc bờ sông Volga êm đềm, con sông dài nhất châu Âu, mang trong mình chiều sâu lịch sử, văn hóa của dân tộc Nga Xô viết. Hay có ai chưa một lần mơ được đặt chân đến Cung điện Mùa Đông, một công trình kiến trúc nguy nga ghi dấu bao triều đại. Nước Nga với những gì thiên nhiên và con người kiến tạo nên là ước mơ, hoài bão vươn tới những điều tốt đẹp.
Bây giờ là cuối thu, khí hậu ở miền Bắc Việt Nam se lạnh và đó đây trên bầu trời những đàn chim đã bắt đầu di trú về phương nam. Hình ảnh những đàn chim di trú ấy khiến tôi liên tưởng đến đàn sếu ở nước Nga qua những câu thơ: “Tôi như thấy những người lính ấy/ Không trở về từ những chiến trường xa/ Cũng không yên nằm nơi đất lành đâu đó/ Mà hóa thành đàn sếu trắng bay qua…” (Gamzatov). Đàn sếu như là hiện thân của những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đấu tranh cho hòa bình nhân loại. Và họ đã mang lại cho nước Nga cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Đó đây trên thế giới này chiến tranh vẫn xảy ra, bom đạn chưa ngừng rơi, máu xương chưa ngừng đổ. Phải vậy không mà đàn sếu trắng vẫn mãi bay khắc khoải? Đêm nay tôi lại mơ giấc mơ thuở nhỏ, rằng những cánh chim di trú trên kia sẽ đưa tôi đến xứ sở bạch dương. Dẫu rằng giấc mơ chỉ như một cổ tích xa xôi thì nước Nga vẫn mang lại cho tôi sự ấm áp, nhất là trong ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười này.
Tản văn của NGUYỄN THỊ KIM NHUNG