Lợn thuộc nhóm “lục súc, tam sinh”, là con vật gắn bó lâu đời với nhà nông.
Xóm tôi, không nhà nào là không nuôi lợn. Nhiều nhà giàu lên nhờ lợn. Lợn là người bạn lớn của nhà quê chúng tôi. Các cụ xưa đã dạy “Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác/ Đàn ông không biết cột lạt là đàn ông hư. Vì vậy, “Đàn bà thì phải nuôi heo/ Thời vận đương nghèo nuôi chẳng đặng trâu”. Phụ nữ xóm tôi thì hầu như ai cũng biết và giỏi chăn nuôi lợn nhờ lời răn đó của các cụ. Xóm nghèo nên nuôi lợn là phù hợp nhất. Thì “Giàu nuôi chó, khó nuôi heo” mà lị. Với lại “Muốn no trồng màu, muốn giàu nuôi heo, muốn bớt khổ nghèo gắng mà nuôi vịt” đấy thôi!
Để nuôi lợn thành công, việc đầu tiên là chọn giống. Lợn cũng như cây lúa, cũng “Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa”. “Lợn đầu, cau cuối”, phải chọn con “Bồ cu chân nhện”, “Ngắn mỏ, nhỏ đuôi không nuôi cũng lớn”. Những con “Lông thưa, môi thừa, nuôi vừa cũng tốt”, hay “Đốm đầu, đượm đuôi không nuôi cũng lớn”. Phải biết “Lợn kia trắng mắt thì nuôi” và “Mua heo lựa nái, mua gái lựa dòng”.
“Tùy cơ ứng biến”, xác định rõ mục đích kinh doanh của mình để đầu tư giống vốn. “Lợn bột thì ăn thịt ngon/ Lợn nái thì đẻ lợn con cũng lời”. Rồi phải căn cứ hoàn cảnh “Nuôi heo lấy mỡ, nuôi đứa ở đỡ chân tay”, hay “Nuôi lợn ăn cơm không, nuôi tằm ăn cơm nhộng” để mà nuôi lợn. Đồng thời phải xác định đúng khả năng của mình, lượng sức mình mới thành công được. “Giàu nuôi lợn đực, khó cực nuôi lợn cái” và “Giàu nuôi lợn nái, nghèo nuôi chó cái, gà con”. Rồi thì “Lợi thì nuôi lợn nái, hại thì nuôi bồ câu”, “Muốn giàu thì nuôi lợn nái, muốn lụn bại thì nuôi gà con” với lại “Mười hũ vàng chôn không bằng cái trôn con heo nái”, “Đồng tiền buôn không bằng chuồng heo nái”, “Giàu lợn nái, lãi gà con”, “Lợn thả, gà nhốt”. Thế mới biết nuôi heo nái kinh tế đến chừng nào.
Nếu chưa có điều kiện, vẫn đang phấn đấu thoát nghèo thì nuôi lợn là phù hợp nhất. Từ khá lên giàu cũng chỉ gang tấc. “Tuần tự nhi tiến”, “Chậm mà chắc” còn hơn “Nhanh nhảu đoảng vội vàng hư”. Bởi lẽ, “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”. Cứ thế “Ta về ta rủ bạn ta/ Nuôi lợn, nuôi gà, cày cấy ta ăn”. Mặc cho ai nói “Chăn lợn ba năm không bằng nuôi tằm một lứa”, ta cứ lợn mà nuôi. Bởi vì nuôi tằm quá vất vả. Thì các cụ chả bảo “Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm/ Lợn đói một năm không bằng tằm đói một bữa”, rồi thì “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” đó sao?
Thời kỳ mua lợn con tốt nhất là vào tháng đổ nước làm mạ (tháng chín âm lịch). “Lợn nước mạ, cá nước rươi” là vì thế. Khâu thức ăn cũng cực kỳ quan trọng. “Bảy bồ cám, tám bồ heo”, phải “Mua heo đèo chuối”, “Vị đầu heo, gánh gốc chuối”. “Nuôi lợn thì phải vớt bèo/ Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng”, đó là nguyên tắc. Cứ phải “Nói toạc móng heo” ra như thế cho nó vuông.
Chuồng lợn nhớ là phải làm hướng nam, chớ làm hướng đông. “Chuồng lợn hướng đông cái lông chẳng còn”, “Chuồng lợn hướng đông khác gì thổ công hướng bắc”. Nghịch hướng vậy người chẳng chịu được nữa là lợn. “Lợn chuồng chái, gái cửa buồng”. “Lợn đực chuộng sệ, lợn sề chuộng chõm”. Chuồng làm thế nào phải để cho “Lợn ăn xong lợn nằm lợn béo” chứ đừng để “Lợn ăn xong lợn réo lợn gầy”.
Có giống tốt, thức ăn đầy đủ, chuồng trại thoáng mát hợp vệ sinh rồi, khâu chăm sóc cũng rất quan trọng. Phải chăm chỉ, chịu khó luôn để “Lợn bụng to, bò no dạ” là được. “Đương cơm lửa tắt, cơm sôi/ Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem” cũng cứ mặc, phải cám bã cho chu đáo cái đã. Đừng “Yêu nhau chẳng lấy được nhau/ Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già” mà phải quyết tâm phấn đấu “Bao giờ sum họp một nhà/ Con lợn lại béo, cau già lại non”. Nhớ luôn “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” cho lợn. Khi lợn mắc bệnh dịch phải bình tĩnh chữa trị, đừng “lo sốt vó” để “Lợn lành chữa thành lợn què”. Mặc cho bọn xấu ca dao “Nhà bay chết lợn, toi gà/ Năm ba ông cống đến nhà ngày mưa”. Không thèm chấp cái bọn “Ngu như lợn” ấy. Việc ta ta làm. Cũng phải đề phòng cả chó nữa. Nó mà cắn lợn thì lợn chột không lớn được. Tại cái lũ “Lợn cứ chê chó có bọ”. “Lợn mà không cào thì chó nào sủa”. Cứ “Cong như mũi lợn” lo chó nào chả sủa. Thì thế. “Tại anh tại ả tại cả hai bên”.
Đồng thời với việc phòng, chữa bệnh cho lợn, công tác bảo vệ cũng phải luôn luôn lưu ý. Chớ để “Hùm nằm cho lợn liếm lông” hay “Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi”.
Làm được tất cả các mục trên thì yên trí “Thóc lúa về nhà, lợn gà ra chợ”. Khi bắt lợn đi bán thì nhớ “Bắt lợn tóm giò, bắt bò tóm mũi”, và phải nhớ “Lợn rọ, chó thui”, “Bán heo mặc đàn bà, bán nhà mặc đàn ông”. Phân công rõ như vậy, chớ chồng chéo nhau mà hỏng việc. Làng vào mùa xuất lợn bán vui lắm. Khi đó thì “Làng Võng bán lợn, bán gà/ Làng Thụy nấu rượu la cà cả đêm”. “Ai về chợ Vạn thì về/ Chợ Vạn có nghề đặt rượu nuôi heo”. “Làng trên xóm dưới” “Vui như hội”. Ngoài đường ríu rít tiếng nói cười của người đi chợ. “Ba bà đi bán lợn con/ Bán đi chẳng đắt lon ton chạy về. Ba bà đi bán lợn sề/ Bán đi chẳng được chạy về lon ton”. Lúc này đúng là “Lợn cưới áo mới”. Thật là “Nhờ trời mưa thuận gió hòa/ Nào cày, nào cấy, trẻ già đua nhau/ Chim, gà, cá, lợn cành cau/ Mùa nào thức ấy giữ màu nhà quê”.
Lại nói chuyện cưới hỏi, không có lợn, không có lão Trư là không xong. “Anh về thưa mẹ cùng cha/ Bắt lợn sang cưới, bắt gà sang sêu”. Ngày trước chỉ vì lợn cưới mà nhiều đôi lỡ dở, trách bố trách mẹ. “Mẹ em tham thúng xôi dền/ Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. Mẹ em tham thúng bánh chưng/ Tham con lợn đẻ, em lưng chịu đòn” hay “Thầy em tham bạc tham tiền/ Tham con lợn béo, cấm duyên em già”. Có người còn kênh kiệu hơn “Có cưới thì cưới bằng trâu/ Chớ cưới bằng lợn nàng dâu không về”. Tham như thế thì chỉ tội con cái. Bởi vì “Ăn một bữa một con heo/ Không bằng ngọn gió trong đèo thổi ra”. Dù “Đầu gà má lợn” mà con cái không hạnh phúc thì cũng không sung sướng nỗi gì. Thà lịch sự “Giúp em một thúng xôi vò/ Một con lợn béo, một vò rượu tăm” còn hơn là thách cưới cao rồi hỏng việc trăm năm của con trẻ.
Công việc cưới xin cứ “Lợn nhà, gà chợ” là yên tâm. “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. Đừng “Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi” thì rất dở. Nếu phải mua thì cứ “Lợn giò, bò bắp”, “Trông mặt mà bắt hình dong/ Con lợn có béo thì lòng mới ngon”. “Một trăm con lợn cũng chung một lòng” mà. Thịt lợn thì dành cái sỏ để thắp hương tổ tiên và khi đặt lễ phải nhớ “Lợn quay ra, gà quay vô”. Miệng con lợn ngậm cái đuôi đầy đủ cả thủ lẫn vĩ trông vậy mới hoành tráng, mới sang. Như thế mới tôn kính, mới đúng văn hóa thờ cúng.
Hôm dựng rạp đám cưới mà được bữa “lòng sốt tiết canh” thì chỉ có nhất. Thì “Ruột heo còn hơn phèo trâu” mà lị. Với lại “Thứ nhất phạm phòng, thứ nhì lòng lợn”. Có người còn nói quá lên rằng: “Đẻ con không dạy, không răn/ Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng” cơ mà. Kể cũng hơi quá thật. Ngày xưa đói kém nên nó khổ như thế đấy.
Tết Kỷ Hợi này, làng xóm quê tôi xì xào kháp lợn. Có nhà ăn cả con. Phú quý mà. Chẳng như năm ngoái năm kia phải “giải cứu lợn”, năm vừa rồi lợn lên ngôi, kinh doanh lãi lớn. Thế nên Tết này vui lắm, tưng bừng lắm. Còn tôi, cứ “ngẩn ngẩn ngơ ngơ”, lâng lâng xung quanh những ý nghĩ vụn về con lợn. Từ lúc mặc cái áo mới này vẫn chưa thấy con lợn nào chạy qua mới tức chứ. Ơ kìa, mùa Xuân đang về!
Đ.X.T