Trong trùng trùng đội ngũ bộ đội Trường Sơn ra mặt trận làm nên ngày 30-4, có một binh chủng đặc biệt, đó là "binh chủng Văn nghệ sĩ".
Ngày kỷ niệm chiến thắng 30-4 đang đến gần. Với tôi, các văn nghệ sĩ Trường Sơn luôn là chứng nhân, hình ảnh độc đáo góp nên ngày toàn thắng. Trong trùng trùng đội ngũ bộ đội Trường Sơn ra mặt trận làm nên ngày 30-4, có một binh chủng đặc biệt, đó là "binh chủng Văn nghệ sĩ". Trong một bài viết, chúng tôi không thể nói hết những con người và tác phẩm của binh chủng đặc biệt ấy mà chỉ điểm xuyết phần nào những thành tựu, kỷ niệm, suy tư ngẫm ngợi của một số nhà thơ, nhà văn trong đội ngũ văn nghệ sĩ Trường Sơn.
Đường Trường Sơn không chỉ của những người chiến sĩ Trường Sơn, đó là con đường giải phóng dân tộc, của tất cả mọi người nên nó được các văn nghệ sĩ sáng tác khá nhiều. Ai vào chiến trường mà không qua Trường Sơn. Con đường đi có khi đến hai, ba tháng đã là một cuộc thử thách, một thực tế sinh động và gian nan. Nhiều tác phẩm về Trường Sơn đến bây giờ vẫn được người đọc yêu mến. Nhiều tác phẩm như Dấu chân người lính, Đường trong mây, Mở rừng, Khoảng sáng trong rừng, Vầng trăng quầng lửa, Mảnh trăng cuối rừng, Cao điểm mùa hạ... là một phần diện mạo của văn chương Việt Nam hiện đại.
Nhắc đến đội ngũ văn nghệ sĩ Trường Sơn không thể không nhắc đến nhà thơ Phạm Tiến Duật, "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại", một nhà thơ của bộ đội Trường Sơn mà ai cũng biết. Ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 với chùm thơ viết về Trường Sơn: Gửi em cô thanh niên xung phong, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Lửa đèn, Nhớ, sau đó là các tập thơ: Vầng trăng quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971). Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhà thơ Đỗ Trung Lai, người được Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình tín nhiệm giao làm "Toàn tập Phạm Tiến Duật", ông cho biết: Có nhà thơ gọi anh Duật là Người lĩnh xướng của dàn thơ chống Mỹ (Vương Trọng). Nhiều người viết: Đường Trường Sơn - Đường thơ Phạm Tiến Duật (Thiếu Mai, Trần Mạnh Hảo, Trần Đăng Suyền...). Có người bảo, anh là một "Danh nhân Trường Sơn", bên cạnh các danh nhân - anh hùng khác của Trường Sơn. Có những chuyện về anh, về thơ anh đã trở thành huyền thoại: Một đơn vị nhỏ bị vây lấn trên đồi, chịu bao nhiêu ác liệt và thiếu thốn, khi được vô tuyến cấp trên hỏi, các anh cần gì nữa để giữ chốt, họ đã trả lời: “Chúng tôi chỉ cần thêm thơ Phạm Tiến Duật!”. Và đồng đội bên ngoài đã nhồi thơ Phạm Tiến Duật vào đạn cối để bắn lên chốt cho họ!
Phạm Tiến Duật được coi là người lĩnh xướng dàn thơ chống Mỹ
Hầu như không một cán bộ, chiến sĩ quân đội hay một người thanh niên xung phong nào không thuộc ít dòng thơ, ít bài thơ của Phạm Tiến Duật. Rất nhiều người làm thơ thời ấy đã làm thơ theo “kiểu Phạm Tiến Duật” và chỉ những người có bản lĩnh thơ cao, sau này mới “thoát” ra được!
Rồi từ “tâm chấn” Trường Sơn, những Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong, Nhớ, Tiếng bom ở Seng Phan, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Trường Sơn đông... Trường Sơn tây, Nghe hò đêm bốc vác, Qua cầu Tùng Cốc, Nghe em hát trong rừng, Tiếng cười của đồng chí coi kho, Đèo Ngang... đã làm nên làn “sóng chấn động” thứ nhất trong lòng người đọc.
Những Áo của hôm nào người của hôm nay, Nhớ đồng ca hát đồng ca, Chuyện tình, những trích đoạn bài thơ dài Những vùng rừng không dân... lại là làn “sóng chấn động” thứ hai.
Những Luật chơi, Cây tháp nước bỏ hoang, Chợ lao động ở Giảng Võ, Tôi mơ một con đường cao tốc, Tiễn các cháu đánh giầy về quê ăn Tết, Có mùa xuân cho tất thảy không,...và đặc biệt, trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa, lại là làn “sóng chấn động” thứ ba của anh.
Một nhà văn chính hiệu Trường Sơn - 559 là Lê Lựu với cuốn sách viết trực diện về những người lính mở đường Trường Sơn thời ấy, đó là tiểu thuyết Mở rừng. Cũng ít ai biết rằng thời gian đó, ông đã có lần tháp tùng nhà văn đàn anh Nguyễn Minh Châu đi thực tế ở Trường Sơn. Vào Trường Sơn, bám sát các trận đánh, bám sát dân công, bộ đội hành quân, Lê Lựu hớn hở ghi ghi chép chép đặc kín các quyển sổ mà chẳng thấy ông anh động tĩnh gì. Nhiều ngày, nhiều chuyến đi diễn ra liên miên ở Trường Sơn như thế. Lê Lựu ngạc nhiên thắc mắc nhưng không dám hỏi, lại càng không dám giục ông anh ghi chép. Không ít lúc, ông anh cứ khìn khịt ngủ trên võng, mặc kệ những ồn ào náo nhiệt đang diễn ra ở xung quanh. Thế mà thật lạ lùng, khi trở về, những gì Lê Lựu ghi chép cẩn thận lại không đưa được vào các tác phẩm một cách sống động. Nó rời rông rổng, nhăn nhở cười gã phù thuỷ non tay quyết và còn lạ lùng hơn nữa khi những gì ghi chép tỉ mỉ ở trong sổ của mình không biết bằng cách nào lại vào những trang văn của bậc đàn anh nhuần nhuỵ, sâu sắc và ám ảnh.
Nhà văn Lê Lựu, tác giả cuốn tiểu thuyết "Mở rừng" viết trực diện về những người lính
mở đường Trường Sơn
Sau này, mỗi khi nhắc đến những ngày tháng sống ở Trường Sơn cùng với các chiến sĩ công binh mở đường, những cô gái thanh niên xung phong tinh nghịch, những anh bộ đội lái xe vui tính và đặc biệt là những cô văn công Trường Sơn, Lê Lựu luôn hấp háy cặp mắt, tay vò vò những lọn tóc xoăn vô tổ chức trên đầu. Trong sáng tác của Lê Lựu về Trường Sơn có không ít cảnh mô tả đầy hăm hở về những nhân vật ấy, thậm chí còn đậm đặc hơn cả bom đạn, thứ vốn nhiều như châu chấu không ngày nào không trút xuống như mưa ở những cánh rừng.
Anh em văn nghệ sĩ từng một thời chiến đấu hoặc đang sáng tác về Trường Sơn luôn tìm tới Lê Lựu, đặc biệt mỗi khi có các trại sáng tác văn học về Trường Sơn bao giờ ông cũng xung phong tiến lên hàng đầu. Trong trái tim ông, những gì của Trường Sơn hôm qua và hôm nay, huyền thoại và hiện thực luôn luôn thôi thúc và hình thành một lẽ ứng xử trong đời sống. Lê Lựu là người sống rất nội tâm, có không ít lúc ông cũng rơi vào những hố thẳm thị phi của cuộc mưu sinh thường nhật, nhưng những cái níu ông trở lại, cân bằng đời sống nội tâm của ông bao giờ cũng là những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn.
Trong tiểu thuyết Mở rừng, những điểm chính cuốn sách đặt ra đã phần nào bao quát và giải quyết những vấn đề nội sinh của công cuộc "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Cuốn sách không phải "đặc sản" của Lê Lựu nhưng rõ ràng nó không thể thiếu trong đời văn của ông hay nói cách khác là không có Mở rừng thì bất thành Lê Lựu.
Một trong những nhà văn sáng tác thành công, có nhiều tác phẩm về Trường Sơn là Nguyễn Minh Châu. Cũng phải khẳng định ngay rằng, ngòi bút Nguyễn Minh Châu là ngòi bút hiện thực. Những sáng tác đặc sắc của Nguyễn Minh Châu phải là ở thời kỳ sau này với những: Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành mới biểu hiện rõ ràng nhất tài năng văn chương của ông, nhưng sáng tác về Trường Sơn cũng là một mảng lớn trong sự nghiệp của nhà văn. Ông luôn tâm niệm: Không có đời sống thì không có tác phẩm văn học.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn có nhiều tác phẩm về Trường Sơn
Không ồn ã như các nhà văn cùng thời. Lặng lẽ có phần khiêm cung, người con của làng Thơi, của những chợ Ngò, chợ Giát hóa ra lại là người sớm có mặt ở Trường Sơn. Thậm chí chỉ bằng vào truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng đã đủ thấy tài năng và tâm huyết của Nguyễn Minh Châu với con đường huyền thoại. Lứa tuổi học trò nhiều thế hệ, các sinh viên hôm nay và mai sau hẳn trong tâm hồn luôn thấm đẫm một mảnh trăng cuối rừng ngân nga như một sợi chỉ xanh đọng lại trong tâm hồn mình. Cái cách đi thực tế, cái cách đến với bộ đội Trường Sơn của Nguyễn Minh Châu cũng rất lạ lùng. Và cuối cùng là tác phẩm, cái căn cốt làm nên một nhà văn ở Nguyễn Minh Châu cũng không giống bất cứ ai. Ông là một nhà văn Trường Sơn đặc biệt với những Dấu chân người lính, Những người đi từ trong rừng ra, Những cánh rừng đầy giấy bay đã ăn sâu bám rễ đối với mỗi cán bộ chiến sĩ và nhân dân khi nhắc về kháng chiến chống Mỹ.
Chỉ có Nguyễn Minh Châu mới có những ứng xử vẻ ngoài lặng lẽ đến ngu ngơ nhưng vô cùng sắc sảo trong văn chương và cũng ông, với mẫn cảm nghề nghiệp đặc biệt của mình, đã có những dòng viết đầy tâm trạng về những người lính, trong đó có những người lính Trường Sơn.
Các nhà thơ, nhà văn trong đội ngũ văn nghệ sĩ Trường Sơn luôn cho thế hệ trẻ chúng tôi một niềm tin và bản lĩnh. Hôm nay đang hình thành đội ngũ những người viết trẻ tiếp bước thế hệ đi trước viết về Trường Sơn, viết về chiến tranh, tiếp tục góp vào dòng chảy mạnh mẽ của văn học Việt Nam hiện đại.
PHÙNG VĂN