Tân Lập khổ vì đường đất

23/01/2015 07:16

Do là đường đất lại không được tu bổ thường xuyên nên đã xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn...



Thanh niên thôn Tân Lập dùng xe kéo đưa người bị tai nạn đi cấp cứu (ảnh do người dân địa phương cung cấp)

Trước năm 2006, thôn Tân Lập (xã Kênh Giang, Chí Linh) như một “hoang đảo” do không có đường giao thông nối liền với các xã lân cận. Đến năm 2009, người dân địa phương đã tự nguyện bỏ công sức đắp bờ làm đường giao thông. Tuy nhiên, do là đường đất, không được tu bổ thường xuyên nên hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc đi lại, sản xuất của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào những ngày mưa gió.

Sau trận mưa to, những con đường đất trong thôn trở nên lầy lội. Trục đường chính của thôn Tân Lập có chiều dài 1.886 m, rộng từ 2 - 2,5 m, cỏ mọc um tùm, nhiều chỗ lối đi chỉ còn gần 1 m. Anh Phùng Văn Tuấn sinh ra và lớn lên ở đây gần 30 năm nên đã chứng kiến nỗi vất vả mưu sinh của bà con nông dân khi phải đi lại trên con đường này. Đầu năm 2014, thôn có người bị gẫy chân do tai nạn lao động. Trời mưa, đường trơn, người dân phải huy động thanh niên đưa người bị nạn lên xe kéo đẩy ra đến chân đê mới được chuyển sang xe ô-tô đưa đi viện cấp cứu. Anh Tuấn cho biết: “Không chỉ vào mùa mưa, những ngày khô ráo, người dân cũng rất vất vả đi lại trên những con đường gồ ghề, bụi bặm. Khổ nhất là học sinh phải đi học mỗi ngày. Khi về đến nhà, quần áo đã lấm lem bùn đất. Hay những lúc trong thôn có người chết, người dân phải mất một ngày để phát cỏ và san đường thì mới đưa được quan tài ra khu chôn cất vì đường quá hẹp và thường xuyên bị sụt, lún”.

Không chỉ khó khăn trong sinh hoạt, vì con đường đã xuống cấp nghiêm trọng nên người dân cũng vất vả trong sản xuất. Hiện nay, thôn Tân Lập có 19 hộ dân với gần 100 người đang sinh sống. Thôn có 11,54 ha trồng lúa, màu, 5 ha trồng cây lâu năm, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, mỗi năm trồng 1 vụ lúa và 2 vụ màu. Giao thông không thuận lợi khiến việc sản xuất của bà con cũng khó khăn theo, nhất là khi chăm sóc và thu hoạch hoa màu. Anh Nguyễn Văn Sơn cho biết, vụ mùa vừa rồi, gia đình anh thu hoạch 10 tấn dưa hấu. Trước đó, mặc dù thương lái đã nhận mua nhưng do trời mưa to kéo dài, đường bị hỏng nặng khiến xe ô-tô không vào bốc hàng được. Cuối cùng, dưa hấu để lâu ngày bị hỏng gần hết phải đổ ra sông, nhà anh lỗ hơn 10 triệu đồng. Cũng giống như anh Sơn, gia đình anh Tuấn thu được 4 tấn đỗ tương, nhưng do không chuyển được hàng ra ngoài nên không bán được, bị thiệt hại 5 triệu đồng. Thời gian gần đây, nhiều người đã chuyển cả gia đình đi nơi khác sinh sống hoặc bỏ ruộng vườn lên thành phố làm thuê.

Đưa chúng tôi dạo một vòng quanh thôn, ông Nguyễn Văn Vụ, Trưởng thôn trăn trở: “Tân Lập là thôn nghèo nhất thị xã Chí Linh. Hiện nay, toàn thôn có 30% là hộ nghèo. Cuộc sống vất vả của người dân một phần do việc đi lại còn gặp quá nhiều khó khăn”. Người dân thôn Tân Lập đang mong được đầu tư cứng hóa con đường thôn, giúp việc đi lại đỡ vất vả và có điều kiện phát triển sản xuất, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

ĐỨC TÂM


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tân Lập khổ vì đường đất