Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin xã có nhiều việc làm, hoạt động thiết thực chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho các nạn nhân.
Ông Hà Văn Phê, 72 tuổi, ở thôn 2, xã Tân Hương (Ninh Giang) có con trai là Hà Văn Khải, 42 tuổi bị thần kinh do di chứng của chất độc da cam. Ông Phê có 5 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống. Năm 1968, ông được xuất ngũ về địa phương và xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn vì phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam. Trong căn nhà cấp 4 tuyềnh toàng, các vật dụng giá trị của gia đình là chiếc giường, bộ bàn ghế nhỏ và chiếc tủ gỗ. Cửa nhà chỉ là những tấm gỗ nhỏ ghép vào nhau. Gian bếp được ngăn làm đôi, trong đó một gian chừng 7 m2 là nơi để con trai ông ở. Do mắc bệnh thần kinh và bị liệt nửa người nên đã bao năm nay, anh Khải phải sống đời sống thực vật. Hằng ngày, vợ chồng ông Phê thay nhau chăm sóc. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã. Với tấm lòng cảm thông, chia sẻ những mất mát mà gia đình ông đang gánh chịu, hằng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin xã, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gia đình ông nhân dịp lễ, Tết. Quan tâm động viên gia đình khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Hiện nay, xã Tân Hương có 13 nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin được hưởng trợ cấp hằng tháng của Nhà nước, trong đó 3 người nhiễm trực tiếp, 10 người nhiễm gián tiếp. Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau của những gia đình có người thân bị nhiễm chất độc hóa học, tháng 6-2010, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin xã Tân Hương được thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên nạn nhân chất độc da cam khắc phục khó khăn, phát huy khả năng tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng. Được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và hội cấp trên, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin xã đã có nhiều việc làm, hoạt động thiết thực chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Hội thường xuyên nắm chắc số lượng, hoàn cảnh của từng gia đình nạn nhân để có kế hoạch giúp đỡ cụ thể. Tăng cường tuyên truyền về sự hủy hoại của chất độc hóa học, những khó khăn, mất mát của các gia đình bị nhiễm chất độc da cam để nhân dân hiểu rõ và chung tay ủng hộ. Thông qua các hoạt động xã hội hóa, hội đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài xã, các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ quỹ hội. Hiện nay, quỹ hội có hơn 16 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, hội tạo điều kiện cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam vay vốn với lãi suất 1% để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Số tiền lãi, hội trích thăm hỏi, tặng quà các gia đình nạn nhân nhân dịp lễ, Tết hay những nạn nhân ốm đau, hoạn nạn.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Mạnh Đê, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin xã Tân Hương cho biết: "Hiện nay, việc giải quyết chế độ chính sách cho các nạn nhân chất độc da cam ở xã có nhiều bất cập. Từ năm 2001, khi Nhà nước có chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam thì 10 nạn nhân gián tiếp là con của những người từng tham gia chiến đấu ở những vùng bị Mỹ rải chất độc hóa học được xét hưởng chế độ nhưng những người nhiễm trực tiếp vẫn chưa được hưởng. Hầu hết các gia đình này có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, hội đang tiếp tục làm hồ sơ kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để giải quyết cho các nạn nhân được hưởng chế độ theo quy định". Những hoạt động tích cực của hội đã tạo được sự thông cảm, sẻ chia, quan tâm của xã hội, giúp các gia đình nạn nhân chất độc da cam giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, xóa bỏ những mặc cảm về bệnh tật, dị tật, tích cực tham gia lao động sản xuất, hòa nhập cộng đồng...
THU HIỀN