Sau mỗi tiếng súng nổ, từng đàn chim lại nháo nhác bay lên không trung xé toang bầu không khí yên tĩnh của núi rừng.
Các nhóm thợ săn thường tổ chức chế biến chim, thú rừng tại chỗ
Và, những sát thủ rừng xanh lại hí hửng cùng những chiến lợi phẩm thu nhận được trong mỗi "cuộc chơi" tận diệt sinh vật rừng.
Lạnh lùng sát thủThời gian qua, thú chơi săn bắn đã trở thành niềm đam mê của một số người dân trên địa bàn tỉnh. Vào những dịp cuối tuần, họ thường rủ nhau từ 5-7 người tập hợp thành một nhóm về vùng núi Chí Linh để săn bắn.
Đã hẹn từ trước, anh Nguyễn Tiến V. (41 tuổi), một "thợ săn" có tiếng ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đến đón chúng tôi. Theo kế hoạch thì hôm nay nhóm bạn của anh V. sẽ tổ chức một buổi đi săn tại vùng núi thuộc thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám.
Đồ nghề của “thợ săn” không mấy cầu kỳ. Mỗi người một bộ quần áo rằn ri kèm theo giầy cao cổ, ba lô đựng đồ, đèn pin… Đặc biệt không thể thiếu một khẩu súng săn. Anh V. chia sẻ: “Có nhiều nhóm cùng chung thú vui săn bắn nhưng đa phần là đàn ông tầm 40 tuổi trở lên. Mỗi nhóm lại chọn cho mình địa bàn săn bắn khác nhau. Có nhóm thì tìm đến các vùng quê, nhóm thì rủ nhau đi lên những triền đê để bắn chim, bắn cò. Còn chúng tôi lại thích đi lên rừng, lên núi để khám phá thiên nhiên, thỏa niềm đam mê”.
“Các anh đều có giấy phép sử dụng súng chứ?”, tôi buột miệng hỏi. Cả nhóm cười phá lên. Có người nói: “Làm gì có đâu anh ơi. Bọn em đi chui đấy. Đây chỉ là thú vui, thi thoảng anh em tổ chức cho nhau đi thư giãn thôi. Việc này mà để cơ quan chức năng biết thì có mà bị phạt ốm”.
Sau khoảng 2 tiếng chạy xe ô tô, chúng tôi đến địa điểm đã được chọn trước khi trời nhập nhoạng tối. Một khung cảnh đồi núi trải dài trước tầm mắt. Mọi người xuống xe và bắt đầu cuộc hành trình săn bắn trong tâm trạng rất hào hứng. Anh V. cho biết sẽ phải leo lên đồi cao để chọn địa điểm thuận lợi có nhiều chim cư trú để săn. “Các anh chỉ bắn chim thôi à?”, tôi thắc mắc. Anh Trần Văn P. (39 tuổi), một thành viên của nhóm phân trần: “Trước đây có nhiều thú rừng, anh em chúng tôi còn săn cả sóc, chồn, dúi… Bây giờ, thú rừng ít dần. Một số người dân địa phương cũng đặt bẫy nên khó bắt lắm. Nếu muốn săn các loại thú ấy phải đi vào tận trong rừng sâu, mất nhiều công sức và dễ bị phát hiện. Vì vậy, chúng tôi chỉ le ve ở ngoài này thôi. Có gì thì săn nấy, chủ yếu vẫn là các loại chim”.
Một số nhóm phượt đang coi địa bàn rừng núi Chí Linh là "thiên đường" của săn bắn và khám phá (ảnh tư liệu)
Anh P. cũng cho biết thêm, ở đây cũng có nhiều nhóm phượt tổ chức đi khám phá trong rừng sâu từ 1-2 ngày. Họ dựng lều ngủ luôn trong rừng để thăm thú và săn bắn. Ở đấy, họ mới có cơ hội để gặp nhiều loài động vật quý hiếm.
Mải miết với câu chuyện, chẳng mấy chúng tôi đã đến được nơi tập kết. Trong đêm tối, nhóm thợ săn mò mẫm tìm cho mình nơi trú ẩn để chờ đàn chim về.
Vừa kiểm tra lại súng, anh V. vừa tâm sự: "Tuần trước, chúng tôi mới bắn hạ được gần 10 chú chim tại địa điểm này. Anh cứ đi theo tôi, kiểu gì hôm nay cũng phải bắn được vài con". Những bước chân sột soạt trên những đám lá keo khô, bỗng chúng tôi nghe thấy âm thanh của súng hơi phát ra xé toang màn đêm yên tĩnh. Sau đó là tiếng kêu thảng thốt của con chim đã trúng đạn. Theo như quan sát, khoảng cách từ gốc cây lên đến vị trí chú chim trúng đạn khoảng 15 mét. Chú chim bị trúng đạn rít lên một tiếng rồi rơi bịch xuống đất. Biết mình đã bắn trúng, anh V. chạy lại túm lấy cánh chim reo lên sung sướng: “Trúng rồi, trúng rồi”.
Mỗi lần đi săn, các nhóm săn được chừng trên dưới chục con chim. Số lượng này ngày càng giảm. Nếu chuyến đi săn kiếm được một mẻ lớn, họ sẽ tổ chức chế biến tại chỗ hoặc mang đến các nhà hàng nhờ chế biến để thưởng thức chung. Nếu bắt được ít và chim nhỏ, họ vứt luôn tại chỗ.
Hào hứng với chiến lợi phẩm, anh V. chia sẻ thêm kinh nghiệm cho chúng tôi: “Để bắn chính xác, khi ngắm phải tránh cành cây. Lúc chuẩn bị bóp cò phải nín thở, tay nắm chắc báng súng và ngắm đúng ức của chim thì tỷ lệ bắn trúng là chắc chắn”. Trước khi bắn, các thợ săn đều phải rọi đèn pin để tìm chim và ngắm bắn. Trong không khí phấn khích, cuộc hành trình của những thợ săn cứ thế diễn ra trong màn đêm tĩnh lặng.
Rừng xanh kêu cứu
Dù bị cấm nhưng người dân vẫn lén lút sử dụng súng săn
Thời gian qua, công tác quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh nói chung và thị xã Chí Linh nói riêng còn một số khó khăn, hạn chế do nhiều nguyên nhân. Trong đó, số động vật hoang dã giảm nhiều là do môi trường sống thay đổi và tình trạng săn bắn trái phép vẫn diễn ra. Việc bảo vệ động vật hoang dã rất cần sự vào cuộc không chỉ của cơ quan chuyên môn mà cả chính quyền và người dân địa phương.
Là một thợ săn nghiệp dư nhưng cứ có thời gian rảnh rỗi là anh Bùi Văn H. (33 tuổi) ở phường Phả Lại (Chí Linh) lại cùng anh em trong nhóm phượt tổ chức đi rừng và săn bắn. Anh H. cho biết: “Hiện nay, người đi săn không cần một khoản tiền lớn từ vài triệu đến hơn 10 triệu đồng để sắm súng săn. Bởi việc chế tạo súng săn rất đơn giản và được hướng dẫn cách làm công khai trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube… Chỉ cần bỏ ra chưa đến 500.000 đồng là người dân có thể tự chế tạo ra loại súng bắn đạn chì bằng nguyên liệu nhựa. Độ sát thương của loại súng này không kém gì súng săn chuyên nghiệp”.
Việc săn bắn tự phát của người dân khiến những người làm công tác quản lý rừng ở địa phương luôn phải đau đầu. Anh Lưu Văn Vinh, Trưởng thôn Đồng Châu (xã Hoàng Hoa Thám) chia sẻ: “Trước đây, địa bàn thôn Đồng Châu là nơi cư ngụ của khá nhiều loài chim. Qua thời gian, do tình trạng săn bắn và người dân đặt bẫy nên số lượng chim đến cư ngự đang giảm rõ rệt. Tình trạng săn bắn trái phép thú rừng vẫn thi thoảng diễn ra. Người dân thường tổ chức săn bắn vào ban đêm hoặc trong rừng sâu để tránh cơ quan chức năng phát hiện nên rất khó xử lý”.
Theo Ban Quản lý rừng, Chí Linh hiện có trên 9.500 ha rừng, trong đó có hơn 1.200 ha rừng đặc dụng, hơn 4.200 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất, tập trung chủ yếu ở các xã, phường: Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hoàng Tiến, Bến Tắm, Lê Lợi, Cộng Hòa… Các cánh rừng tự nhiên nơi đây còn một số loài thú hoang dã, có giá trị bảo tồn nguồn gen như hoẵng, lợn rừng, cu li, cầy hương, chồn bạc má, sóc… Trong số này có 3 loài quý hiếm được xếp vào nhóm nguy cấp, cấm săn bắn gồm: cu li nhỏ, cầy gấm và mèo rừng. Ngoài các loài thú hoang dã, những khu rừng tự nhiên ở 2 xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An còn có nhiều loài bò sát, lưỡng cư có giá trị như tắc kè, rồng đất, rắn ráo thường, rắn ráo trâu, cạp nong, cạp nia, hổ mang bành, hổ chúa. Khu rừng Đồng Châu, rừng chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám), vùng đồi núi thuộc phường Bắc An cũng là nơi tập trung nhiều loài chim tự nhiên, có giá trị bảo tồn nguồn gen như gà lôi trắng, cú lợn, chích chòe lửa. Hằng ngày, các loại thú rừng vẫn bị săn bắn bừa bãi, rừng xanh vẫn đang đổ máu. Những tiếng kêu cứu thảng thốt vẫn cất lên trước sự thờ ơ của không ít người dân.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám cho biết: "Nạn săn bắn chim, đặt bẫy săn thú rừng trên địa bàn vẫn thường xuyên xảy ra. Chúng tôi đã kết hợp với bên kiểm lâm. Tuy nhiên, việc tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Các thợ săn thường đi vào ban đêm, chủ yếu lợi dụng sự sơ hở của chính quyền để săn bắn chim rừng trái phép. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, cán bộ thôn đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu và ý thức được việc săn bắn chim rừng là vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã".
ĐỨC TÂM