Tầm vóc của những quyết định chiến lược

19/04/2015 08:01

Bản kế hoạch chiến lược Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là minh chứng hùng hồn, phản ánh trung thực và sâu đậm ý chí, quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.



Quân giải phóng đánh chiếm căn cứ Thượng Đức, Quảng Nam (tháng 8-1974). Thắng lợi này đã làm tăng
thêm quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976 của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng; trong đó, bản kế hoạch chiến lược Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là minh chứng hùng hồn, phản ánh trung thực và sâu đậm ý chí, quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Để định ra chủ trương, phương hướng cho cách mạng miền Nam, ngày 19-4-1973, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở các chiến trường miền Nam đã được triệu tập về Hà Nội trực tiếp báo cáo tình hình, chuẩn bị nội dung cho hội nghị Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, ngày 24-5-1973, Bộ Chính trị tiến hành hội nghị mở rộng. Sau đó thống nhất nhận định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn sau Hiệp định Pari là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Cụ thể hóa chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị, ngày 25-6-1973, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết nêu rõ: "Các lực lượng vũ trang ở miền Nam cần nắm vững chiến lược tiến công, đánh bại mọi hành động lấn chiếm của địch, giành dân và giữ dân, giữ vững vùng giải phóng và chính quyền cách mạng; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, nếu địch mở rộng chiến tranh quy mô lớn thì kiên quyết tiêu diệt chúng".

Ngày 15-10-1973, Bộ Chỉ huy Miền ra Mệnh lệnh tác chiến, xác định: "Kiên quyết đánh trả những hành động chiến tranh của chính quyền Sài Gòn, kiên quyết đánh trả bất cứ ở đâu, bằng các hình thức và lực lượng thích đáng". Từ đây, quân và dân toàn miền liên tiếp mở các đợt phản công và tiến công chống địch lấn chiếm, bình định, giành nhiều thắng lợi quan trọng.

Đến hết năm 1973, trên toàn miền Nam ta đã giành và giữ quyền làm chủ được 8.500 ấp, với khoảng 4 triệu dân (chưa tính số ấp và dân vùng tranh chấp). Đến giữa 1974, quân dân toàn miền đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10 vạn tên địch các loại, tiêu diệt, bức hàng, bức rút 1.450 đồn bốt, giải phóng khoảng 50 vạn dân; mở ra một vùng giải phóng rộng lớn kéo dài suốt từ Tây Nguyên đến tận Đông Nam Bộ, tạo thế áp sát Sài Gòn.

Từ ngày 30-9 đến ngày 8-10-1974, Bộ Chính trị tiến hành hội nghị để thảo luận kế hoạch giải phóng miền Nam và cơ bản nhất trí với nội dung bản dự thảo kế hoạch do Cục Tác chiến soạn thảo và xác định quyết tâm chiến lược: "Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà. Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975, 1976".

Hội nghị cũng thống nhất lấy chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. Nghe theo tiếng gọi khẩn thiết của miền Nam, hầu hết thanh niên miền Bắc đều xung phong nhập ngũ. Quân số bổ sung cho chiến trường từ miền Bắc: năm 1973 là 129.311 người; năm 1974 là 117.545 người; đầu năm 1975 tăng lên 238.646 người. Về vật chất chiến tranh, lúc này viện trợ của các nước bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, hậu phương miền Bắc đã đáp ứng kịp thời, đầy đủ số lượng vật chất phục vụ chiến đấu cho chiến trường miền Nam: năm 1973 đạt hơn 1 triệu tấn, năm 1974 là 683.089 tấn và đầu năm 1975 là 672.097 tấn; riêng về lương thực, thực phẩm: năm 1973 và 1974 - mỗi năm là 210.000 tấn, năm 1975 là 265.000 tấn. Để chuyên chở khối lượng hàng hóa trên cho các hướng chiến trường, ngoài 6.670 ôtô vận tải chuyên trách của quân đội, Nhà nước còn huy động hơn 60% tổng số phương tiện vận tải của các ngành, bộ tham gia phục vụ chiến trường. Đặc biệt, hệ thống đường ống từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) xuyên dọc chiều dài đất nước đến Bù Gia Mập (Thủ Dầu Một), với 316 trạm bơm hút và đẩy, đã vận chuyển khối lượng xăng dầu năm 1973 - 1974 đạt 303.000 tấn (gấp 2 đến 3 lần so với những năm 1965-1972...).

Trước thực tế cách mạng miền Nam đang trên đà phát triển sôi nổi, mau lẹ nhất với nhịp độ "một ngày bằng 20 năm," ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị chỉ thị: "Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng tư không thể để chậm". Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh vào trung tâm cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hòa, ngày 8-4, tại căn cứ Dương Minh Châu, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Đoàn A75 và cơ quan Bộ tăng cường đã họp thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Bộ Chỉ huy chiến dịch đề nghị Bộ Chính trị lấy tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh...

Đại thắng mùa Xuân 1975 - sự kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi là niềm tự hào được khắc ghi sâu đậm trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam và trở thành dấu ấn đáng nhớ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đây là mốc son chói lọi minh chứng cho ý chí quyết tâm không gì có thể lay chuyển của toàn thể dân tộc Việt Nam - "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn" cũng phải hoàn thành việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Quyết tâm, kế hoạch lớn đó được hình thành, từng bước hoàn thiện; được hiện thực hóa trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo mưu lược, sáng tạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền suốt thời gian hơn 50 ngày đêm lịch sử đầy hào hùng và sống động của mùa Xuân năm 1975.

Đại tá, TS. NGUYỄN HUY THỤC, Đại úy NGUYỄN DUY ĐIỆP (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

(0) Bình luận
Tầm vóc của những quyết định chiến lược