Do tuổi cao sức yếu, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã từ trần vào sáng 21-6 tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), hưởng thọ 86 tuổi.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan (1937 - 2023)
Ông sinh ở Hà Nội. Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII, IX; Bí thư Trung ương Đảng khóa IX; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII; Phó thủ tướng Chính phủ [tháng 8-2002 đến tháng 6-2006].
Sinh thời, ông Vũ Khoan được nhiều chuyên gia đánh giá là một nhà lãnh đạo, trí thức rất tâm huyết với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế đất nước. Nhận xét về ông có thể gói gọn trong bốn chữ: "có tâm và tầm".
Nhà lãnh đạo trong sạch, giản dị
Bà Phạm Chi Lan, nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bày tỏ niềm xúc động khi nghe tin nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan từ trần.
Theo bà Lan, ông Vũ Khoan là một trong các nhà lãnh đạo tài giỏi, trí tuệ cao và tâm huyết với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Ông là nhà lãnh đạo trong sạch, giản dị, gần gũi với mọi người kể cả với giới trẻ như sinh viên của các trường đại học hay cán bộ làm việc tại các địa phương.
"Ông nhận được sự kính trọng, yêu quý rất cao của rất nhiều người, kể cả những người chỉ mới gặp gỡ, tiếp xúc" - bà Lan chia sẻ.
Bà Lan nói đã có cơ hội làm việc với ông Vũ Khoan từ khi ông còn công tác tại Bộ Ngoại giao với cương vị thứ trưởng. Một trong những ấn tượng sâu sắc của bà với ông Vũ Khoan chính là ông có tầm nhìn xa, rất rõ về con đường đổi mới, hội nhập của Việt Nam với thế giới và nỗ lực rất lớn thực hiện khát vọng này.
Ông Khoan thể hiện rõ việc ủng hộ huy động các lực lượng khác nhau tham gia vào hội nhập. Trong đó, vào những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã ủng hộ và tạo điều kiện cho VCCI làm việc, mở ra quan hệ với các nước khi tình hình còn rất phức tạp, khó khăn.
Ông Vũ Khoan
Ông Vũ Khoan là người tạo điều kiện cho chuyến công tác Israel đầu tiên của bà Phạm Chi Lan vào năm 1992 và sau đó ủng hộ tiếp đón đoàn đại biểu Israel sang thăm Việt Nam. Nhờ những sự ủng hộ đó, Việt Nam và Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào tháng 7.1993.
Một trong những dấu ấn lớn nhất của ông Vũ Khoan là thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ. Theo bà Lan, ngay từ năm 1976, phía Mỹ đã có liên lạc với Việt Nam thông qua Phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong và các nước xung quanh. Thời điểm đó, ông Vũ Khoan cùng với các nhà lãnh đạo khác của Bộ Ngoại giao đã ủng hộ ngay, thúc đẩy để thiết lập mở quan hệ với Mỹ thông qua Phòng Thương mại.
"Đó là một quá trình dài, nhưng sự chỉ đạo của các nhà lãnh đạo Bộ Ngoại giao thời kỳ đó như ông Nguyễn Cơ Thạch, Vũ Khoan... đã góp phần quan trọng để sau này vận động Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam, tiến tới bình thường hóa quan hệ hai bên", bà Lan nhớ lại.
Theo bà Lan, ông Vũ Khoan còn đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu giúp tạo điều kiện, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Đài Loan.
Lịch sử đã chứng minh toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta là nhờ thanh niên, tuy nhiên để "đạt đỉnh cao", thanh niên cần "6 cặp chữ T" gồm: khát vọng - thực tế, ý chí - tiến thủ, đầu óc - thông thái, tay nghề - thành thạo, làm người - tử tế, phong trào - thiết thực.
Nguyên Phó thủ tướng VŨ KHOAN phát biểu tại một hội thảo về thanh niên vào tháng 3.2021.
Ông Vũ Khoan
Giúp Việt Nam ra biển lớn
Ông Vũ Khoan còn là một nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp cho quá trình đổi mới, hội nhập của Việt Nam. Một trong những đóng góp lớn của ông chính là tham gia đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA), được ký ở Washington D.C vào tháng 7.2000.
Theo bà Lan, quá trình đàm phán BTA được thực hiện trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng dựa trên các nguyên tắc, quy định của WTO. Quá trình đàm phán rất vất vả, khó khăn nhưng kết quả đạt được là hiệp định song phương được ký kết.
Thời điểm đó, với vai trò là bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Vũ Khoan đã được Chính phủ yêu cầu đi qua Mỹ để hoàn tất hiệp định, thúc đẩy quan hệ hai bên. Việc ký được BTA với Mỹ là bước vô cùng quan trọng, tạo nền tảng cho Việt Nam thúc đẩy đàm phán với các nước khác để gia nhập WTO.
Nhớ lại quá trình đàm phán gia nhập WTO, bà Lan cho biết việc này rất gian nan, phức tạp, vất vả khi nền kinh tế Việt Nam lúc đó vẫn nửa nhà nước - nửa thị trường, trong khi 35 nước thành viên WTO tham gia đàm phán thì mỗi nước có lợi ích, góc nhìn khác nhau về nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, bằng sự nhạy bén và linh hoạt, ông Vũ Khoan cùng các nhà lãnh đạo khác đã chỉ đạo đoàn đàm phán làm việc rất tốt, giúp Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO vào đầu năm 2007. "Đây là bước tiến vô cùng quan trọng của Việt Nam trong hội nhập đa phương trên phương diện toàn cầu hay nói cách khác là bước ra biển lớn", bà Lan bày tỏ.
Bà Lan nhấn mạnh thêm rằng trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, ngoài đối ngoại, những người như ông Vũ Khoan đã có đóng góp quan trọng với đối nội, cụ thể là đóng góp ý kiến về việc cần thiết sửa đổi các luật của Việt Nam để tương thích với WTO.
Trong bốn năm đàm phán gia nhập WTO (2002 - 2006), gần 100 luật của Việt Nam về kinh tế được làm mới, sửa đổi, bổ sung giúp gia nhập WTO, tạo nền tảng về thể chế cho cải cách kinh tế, tạo đà cho đất nước phát triển.
Làm việc đến tận cuối đời
Bà Phan Thúy Thanh, nguyên phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và người có nhiều kỷ niệm với nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, đau xót và bàng hoàng khi nghe tin ông qua đời vì bà mới gặp ông hôm 24.5 vừa qua khi ông gặp gỡ các cán bộ nhiều thời kỳ của Vụ Thông tin - Báo chí Bộ Ngoại giao.
"Tôi chẳng thể nói được lời gì vào lúc này. Không ngờ bác ra đi nhanh vậy. Nhưng có lẽ con người bác sống hết lòng với đất nước, với sự nghiệp, tâm trong sáng thì bác ra đi thanh thản, nhẹ nhàng trong tình yêu thương, tiếc nuối của biết bao người. Với những cán bộ trong ngành ngoại giao, thế hệ được bác trực tiếp chỉ bảo, khuyến khích thì đây là nỗi đau và trống vắng quá lớn" - bà Thúy Thanh xúc động chia sẻ với Tuổi Trẻ.
"Nói gì về bác cho đủ lúc này. Đó là một con người đầy trí tuệ, cao vời vợi mà lại rất đỗi bình dị, thân tình như người anh trong gia đình vậy. Tôi chỉ có mấy từ: vô cùng ngưỡng mộ, vô cùng kính trọng, vô cùng xót xa và vô cùng yêu thương" - bà chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Đông, cho biết dù tuổi cao sức yếu nhưng nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan vẫn tham gia công tác nghiên cứu và "làm việc đến tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời".
Ông Khai nhớ lại cách đây khoảng hai tuần, ông rất ngạc nhiên khi nhận được cuộc điện thoại từ ông Vũ Khoan. Khi đó, ông Khoan gọi hỏi về tình hình hiện tại ở khu vực Trung Đông cho một bài viết có chủ đề liên quan. "Ông hỏi tôi rất chi tiết về hội nghị thượng đỉnh tại Ả Rập, rồi việc Syria gia nhập lại Liên đoàn Ả Rập thế nào, hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia ra sao. Lúc đó, ông ấy vẫn rất minh mẫn và uyên bác", đại sứ Khai nhớ lại.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho biết ông rất ấn tượng với sự giản dị của nguyên phó thủ tướng như ăn mặc rất đơn giản với quần kaki và đôi dép bình thường, thậm chí khi xuất hiện trên tivi ông cũng chỉ mặc áo bu dông.
Theo Tuổi trẻ