Tâm sự người lính

28/08/2022 07:05

Chiều hôm nay, giàn hoa giấy bên hiên nhà hồng rực, những bông hoa mỏng manh nhẹ bay theo chiều gió, rung rinh nét đẹp của thiên nhiên.


Chiều hôm nay, giàn hoa giấy bên hiên nhà hồng rực, những bông hoa mỏng manh nhẹ bay theo chiều gió, rung rinh nét đẹp của thiên nhiên. Hai ông cháu tôi ngồi bên cửa gỗ, lắng nghe tiếng chim hót và tiếng chuông gió hòa với nhau thành một giai điệu thanh nhẹ và vui tai. Chợt tiếng loa phát thanh của xóm vang lên: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”. Nghe lời hát quen thuộc, ông bỗng khựng lại trầm ngâm, rồi từ từ kể cho tôi nghe về khoảng thời gian ông tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Ông tôi là chiến sĩ pháo binh, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Thuở đầu mới đi, ông chưa quen với việc lội suối leo rừng nhưng dần dần nhiệm vụ kéo pháo không còn khó khăn với ông nữa. Vì ông biết, khó khăn này tất thảy các anh em đồng chí đều gánh vác cùng ông. Quả pháo ông kéo là quả pháo tình đồng đội, của hy vọng và của hòa bình mà toàn đồng bào đều sẵn sàng hy sinh để giữ lấy. Rồi ông kể cho tôi nghe về bếp Hoàng Cầm mà tôi đã được cô giáo giảng qua bài “Tiểu đội xe không kính”, lời kể của ông mang một chút hài hước, hóm hỉnh riêng chứ không giống như cô giáo, luôn thiết tha và dạt dào xúc cảm, nhưng đều muốn nói với tôi rằng đó là căn bếp sáng tạo của chú bộ đội Hoàng Cầm, giúp dân quân ta xử lý được khói từ việc bếp núc tránh máy bay của địch và là niềm tự hào đã được đưa vào văn thơ. 

Khi ở rừng ở núi, muỗi và côn trùng rất nhiều, ông và đồng đội đã ngủ chung màn, đắp chung chăn, lều trại tuy đơn sơ nhưng được dựng cẩn thận, kín đáo. Đại đội pháo binh của ông được phát chăn màn, quần áo, đồ dùng cá nhân và thuốc y tế, lương thực theo từng đợt riêng. Cũng chính vì được phát thuốc thường xuyên mà sức khỏe của chiến sĩ ta luôn bình phục nhanh sau cơn bệnh và tình cờ một lần ông đã gặp được bà nội của tôi trong một lần đau ốm. Bà nội tôi là cô y tá nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, luôn túc trực bên các bệnh nhân. Bà đã chăm sóc ông chu đáo, luôn hỏi han ông ân cần. Khi đã khỏi bệnh, ông tìm cách tặng bà chiếc khăn do chính tay ông làm, phần bà gói lương khô nhỏ rồi dần dần bà đã nhận lời yêu ông. Tình yêu của ông bà không có những lời hứa hẹn, chỉ có ý chí quyết tâm cùng nhau đánh giặc và cùng nhủ thầm: ngày đất nước hòa bình là ngày thành hôn. 

Lời ông kể trong buổi chiều hoàng hôn sẫm đỏ sao mà thắm thiết, trong lòng tôi bỗng rộn ràng làm sao! Tình yêu của ông bà cũng như tình yêu đôi lứa của biết bao chiến sĩ anh hùng thời kỳ lịch sử đó. Lời hẹn ước chính là hẹn với non sông – Hẹn một ngày đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước. Càng nghe ông kể, tôi càng khâm phục những người lính Cụ Hồ và thầm cảm ơn ông nội, sự hy sinh và lòng yêu nước của thế hệ cha ông quá lớn lao, là cái giá cho hòa bình hôm nay tôi đang được hưởng. Mảnh đất tôi đang ở thấm đẫm bao máu xương của những chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh, không một con số, một giá trị nào có thể đong đếm được. 

Tôi đứng dậy ôm ông và thầm nói: “Ông ơi, ông là anh hùng trong lòng cháu, chân của cháu sẽ là chân của ông. Ông đi đâu cháu sẽ cùng đi!”. Một buổi chiều bình yên với bao tâm sự của ông đã lay động đến trái tim tôi. Cái giá của hòa bình thật đắt và ông cùng bao người lính Cụ Hồ thật vĩ đại, họ là những tấm gương để tôi mãi mãi noi theo. Tiếng ông cất lên nhẹ nhàng dặn dò tôi: “Cháu hãy làm một người công dân tốt để xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm vững mạnh và giàu đẹp. Dù đi bất cứ nơi đâu cũng luôn hướng về và biết ơn cội nguồn, đó là tấm lòng thành đền đáp mà ông và những người lính Cụ Hồ muốn nhận”. 

PHẠM NGÂN HÀ 
(Nhóm bút Hương Hoàng Lan, thị trấn Cẩm Giang, Cẩm Giàng)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tâm sự người lính