Tầm soát yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đột quỵ khi chơi thể thao

04/11/2022 07:48

Tỷ lệ người đột quỵ sau tập thể thao đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Vậy làm thế nào để phòng tránh hiện tượng đột quỵ xảy ra sau khi tập thể thao?

Đột quỵ trong lúc chơi thể thao, tập luyện thể dục thường gặp ở người có sẵn yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Bản thân người có nguy cơ đột quỵ cũng không kiểm soát được mức độ tập luyện, dẫn đến quá sức. Các dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ có thể dễ dàng ghi nhớ qua cụm từ viết tắt: BEFAST, trong đó:

B(Balance): Mất thăng bằng, chóng mặt.

E(Eyesight): Giảm hoặc mất thị lực đột ngột.

F(Face): Lệch mặt, méo miệng.

A (Arm): Một bên tay, chân bị tê yếu hoặc liệt hoàn toàn.

S (Speech): Nói khó, nói ngọng.

T (Time): Khẩn trương gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nhiều người trẻ vẫn cho rằng đây là bệnh người già nên chủ quan, không khám sức khỏe định kỳ. Ngoài tập luyện thể thao, người trẻ cũng cần tầm soát yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đột quỵ. Tùy theo đặc điểm cá nhân của mỗi người mà áp dụng các biện pháp phòng ngừa như sau:

- Nếu bị tăng huyết áp cần đi khám điều trị để kiểm soát tốt huyết áp.

- Nếu có đau tức ngực, choáng ngất cần khám tim mạch để biết có bị rung nhĩ hay các loại bệnh tim khác hay không. Nếu có vấn đề tim mạch, cần khám điều trị ngay và thường xuyên.

- Nếu hút thuốc lá, hãy bỏ ngay.

- Không lạm dụng rượu bia và chất kích thích.

- Nếu tăng cholesterol cần tập luyện, tiết chế ăn uống và uống thuốc theo đơn.

- Nếu đái tháo đường cần khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết thật tốt.

- Chăm vận động, tránh ngồi nhiều một chỗ, nên tập thể dục đều đặn.

- Chế độ ăn ít muối (tránh ăn mặn), ít mỡ và chất béo,...

Hiện nay, nhiều bệnh viện đã có phòng khám sàng lọc và đánh giá yếu tố nguy cơ đột quỵ não, các bạn trẻ nên đi khám ngay khi phát hiện mình có một trong các biểu hiện trên.

Những người mắc bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp, hen suyễn, bệnh mạn tính về hô hấp… cần chú ý không gắng sức khi tập luyện. Nếu có điều kiện, nên có huấn luyện viên riêng hoặc bác sĩ tư vấn, bác sĩ y học thể thao…

BẢO LINH (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm soát yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đột quỵ khi chơi thể thao