Tầm soát trước sinh - nâng cao chất lượng dân số

21/02/2019 15:54

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là biện pháp thiết thực nhất để cho ra đời những công dân khỏe mạnh, nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng dân số.


Siêu âm chỉ là một trong những biện pháp tầm soát phát hiện những dị tật của thai nhi

Hiện nay, ngành y tế đã có nhiều giải pháp để can thiệp tầm soát trước sinh và sơ sinh, kịp thời phát hiện những dị tật của trẻ. Song nhiều người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tầm soát trước sinh và sơ sinh. 

Thông thường những phụ nữ đang có thai hay cho rằng siêu âm là biện pháp hữu hiệu nhất để phát hiện những đứa trẻ mắc dị tật bẩm sinh. Thực tế việc siêu âm chẩn đoán chỉ là một trong nhiều biện pháp để tầm soát sự phát triển của thai kỳ, phát hiện những dị tật của thai nhi. Để có đứa con khỏe mạnh, không có dị tật, thông minh, các cặp vợ chồng cần phải chuẩn bị về tinh thần, sức khỏe từ 3 tháng trước khi muốn mang thai. Cần sàng lọc các bệnh của người bố, người mẹ, phát hiện các bệnh nội khoa, sản khoa, các bệnh không lây nhiễm của bà mẹ về tim mạch, bệnh rối loạn chuyển hóa, tiểu đường; các bệnh lây truyền từ mẹ sang con như nhiễm HIV, viêm gan B, bệnh lây nhiễm virus… để được can thiệp. Người mẹ cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tối đa sống ở môi trường ô nhiễm, làm việc ở môi trường độc hại. Khi có thai, việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và đứa bé trong bụng là rất cần thiết và phải thực hiện toàn diện chứ không chỉ coi siêu âm thấy bình thường là thai kỳ phát triển tốt. Nếu không tầm soát trước sinh, tầm soát không đầy đủ sẽ không phát hiện ra những nguy cơ như trẻ mắc down, bệnh máu huyết tán, một số bệnh liên quan đến thai nhi do nhiễm độc, nhiễm virus… dẫn tới những hậu quả nặng nề khi trẻ sinh ra như bị dị tật, mắc bệnh bẩm sinh, thậm chí tử vong sớm.

Trung bình mỗi tháng có gần 1.000 phụ nữ đến Khoa Chăm sóc sức khỏe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để khám và nghe tư vấn sức khỏe, theo dõi thai kỳ, qua đó phát hiện ra gần 30 trẻ mắc các dị tật thai nhi. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Phúc Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng: “Các cặp vợ chồng cần có kế hoạch chăm sóc cụ thể trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng để sàng lọc nguy cơ và can thiệp kịp thời giúp bà mẹ bảo đảm sức khỏe, thai nhi mới phát triển tốt. Cán bộ y tế sẽ hướng dẫn thời điểm có thai tốt nhất, sức khỏe tốt nhất để bảo đảm chất lượng thai tốt". Bộ Y tế đã phân tuyến kỹ thuật tới tuyến cơ sở quản lý thai nghén, đăng ký thai nghén, sàng lọc ban đầu, tư vấn chăm sóc tại nhà, cập nhật kiến thức hướng dẫn các bà mẹ chăm sóc và lựa chọn các dịch vụ khi có vấn đề nguy cơ thai nhi sẽ hướng dẫn chuyển tiếp lên tuyến cao hơn…

Song hành với sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dân số. Chi cục Dân số - KHHGĐ hiện đang triển khai sàng lọc 5 bệnh khi trẻ sơ sinh ra đời đó là: thiếu men G6PD gây tán huyết, ảnh hưởng não bộ; bệnh suy giáp bẩm sinh dẫn đến xương và não bộ kém phát triển; bệnh tăng sản tuyến thượng thận, trẻ dễ có bất thường về giới tính; bệnh chuyển hóa axit amin khiến trẻ giảm trí tuệ, chậm phát triển và bệnh rối loạn chuyển hóa glucoxamin ở gan, huyết tương. Bác sĩ Phạm Hồng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ cho biết: “Trung bình mỗi năm chi cục sàng lọc được hơn 20.000 thai phụ và hàng nghìn trẻ sơ sinh, qua đó đã phát hiện hàng trăm trường hợp dị tật và mắc 5 bệnh gây chậm sự phát triển của trẻ qua phương pháp lấy máu gót chân…”.

Để phát triển giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, cùng với ngành y tế, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, rất cần sự chung tay của người dân. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường truyền thông tới người dân về nâng cao chất lượng dân số cho phù hợp với tình hình thực tế.

ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm soát trước sinh - nâng cao chất lượng dân số