Tuổi đời trẻ cộng với khát vọng muốn thử sức, khẳng định bản thân trong khi chưa phải chịu nhiều áp lực lo kinh tế gia đình khiến nhiều Gen Z thường xuyên nhảy việc.
Chọn lựa môi trường làm việc tốt hơn
Chị Phạm Ngọc H. (sinh năm 1997) ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương). Năm 2019, chị H. tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Với tính cách năng động, chị H. ở lại Hà Nội làm bộ phận truyền thông cho một công ty chuyên bán thực phẩm có quy mô cấp vùng. Tuy đã có công việc mà không ít sinh viên sau khi ra trường mong ước với thu nhập ổn định nhưng chị H. vẫn không hài lòng. Chị cảm thấy công việc hằng ngày quá bó hẹp, đơn điệu, theo khuôn mẫu. Bên cạnh đó, lãnh đạo quản lý trực tiếp bộ phận chị H. làm việc đã lớn tuổi, tính tình có vẻ không cởi mở, áp đặt vào công việc nên yêu cầu quá khắt khe, kể cả những việc không đáng.
Vậy là chỉ hơn 1 năm sau, chị H. đã nộp đơn nghỉ việc và chuyển sang làm tại một công ty chuyên giới thiệu, quảng bá các tour du lịch. Tuy nhiên, khi làm công việc này, chị H. mới thấy nhiều hạn chế. Do yêu cầu công việc, chị H. thường xuyên phải đi lại xa nhà. Đặc biệt, khách du lịch thì muôn vạn kiểu, có nhiều người khó tính khiến một người trẻ như chị cảm thấy mệt mỏi. Vậy là không lâu sau đó, một lần nữa, chị H. lại xin nghỉ việc.
Rút kinh nghiệm, lần nghỉ việc này chị H. dành một khoảng thời gian nghỉ ngơi và tìm hiểu công việc muốn làm cẩn thận hơn. Cuối cùng chị chốt vào làm tại một công ty truyền thông chuyên tổ chức các sự kiện lớn. Đến nay, dù nhận thấy công việc khá phù hợp, thu nhập cao hơn những công việc trước đó nhưng chị H. cũng vẫn chưa nguôi ý định kiếm một công việc khác.
“Tôi chỉ muốn tìm cho mình một chỗ làm thực sự phù hợp và có thể phát triển được năng lực bản thân. Có nhiều người thấy tôi nghỉ việc tỏ ra tiếc nuối, hỏi tại sao chỗ làm tốt thế lại nghỉ. Nhưng tôi thấy với khả năng của mình, tôi có thể làm được những việc tốt hơn ở những môi trường phù hợp hơn nên tôi không ngại nhảy việc”, chị H. cho biết.
Học xong THPT, anh Phạm Văn Đ. (sinh năm 1998) ở phường Phạm Thái (Kinh Môn) đã tham gia vào thị trường lao động. Do không có bằng cấp nên anh Đ. xin làm công nhân trong một công ty ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kể từ đó đến nay, anh Đ. đã làm ở nhiều công ty khác nhau như giày da, sản xuất giấy, lắp ráp điện tử, may mặc…
Theo anh Đ., lý do khiến anh thường xuyên nhảy việc vì công việc không phù hợp. Với mức thu nhập không cao thì anh có thể xin vào làm bất kỳ nơi nào để tìm kiếm sự phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, môi trường làm việc trong các doanh nghiệp rất gò bó, khắt khe về thời gian khiến anh ngày càng cảm thấy chán nản. Mới đây anh Đ. đã quyết định không xin vào doanh nghiệp nào nữa mà nhập nông sản đi bán ở trong và ngoài tỉnh.
“Tôi thấy công việc này thoải mái hơn nhiều so với làm trong công ty mà thu nhập lại cao hơn. Nếu chỉ an phận thủ thường làm công nhân chắc chắn tôi sẽ không tìm kiếm được công việc phù hợp như thế này”, anh Đ. cho biết.
Không ít áp lực
Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Phạm Thị Thu P. (sinh năm 2020) ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) không học đại học mà lựa chọn đăng ký đi xuất khẩu lao động. Dù sau đó đã mất khoảng 1 năm học ngôn ngữ, các kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu nhưng vì lý do gia đình, chị P. lại quyết định không đi nước ngoài làm việc nữa. Lúc này, để tham gia vào thị trường lao động, chị P. lại không có bất kỳ kỹ năng nghề nào nên lựa chọn đi bán hàng quần áo thuê. Công việc mất nhiều thời gian cộng với mức lương thấp nên mấy tháng sau, chị P. chuyển sang làm cho một đơn vị chuyên bán hàng online. Tuy nhiên, công việc này cũng không khá hơn công việc cũ là mấy khiến chị P. lại nhảy việc. Hiện chị P. đang làm nhân viên tại một doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng thiết kế nội thất.
Chị P. bày tỏ: “Không có bằng cấp nghề nghiệp gì trong tay, tôi chỉ muốn tìm một công việc phù hợp với bản thân để ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, tôi mới phải nhảy việc”.
Nhưng theo như chia sẻ của chị P., vì chị hay nhảy việc nên một số nhà tuyển dụng chuyên nghiệp đã từ chối hồ sơ của chị. Họ sợ rằng chị không có ý định gắn bó lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến công việc của công ty. Nhiều lúc chị cũng mệt mỏi khi đi tìm công việc mới.
Dù đã tìm được công việc tốt hơn nhưng chị Phạm Ngọc H. cũng thừa nhận nhảy việc sẽ gặp không ít áp lực. Tâm lý không gắn bó khiến mọi thứ không trôi chảy, dễ dẫn đến va vấp trong công việc đang làm. Những người không mạnh mẽ về tâm lý rất khó ứng phó khi nhảy việc, dễ dẫn đến căng thẳng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống trong một thời gian.
Chị H. kể, có một người bạn chị cũng hay nhảy việc. Nhưng đến lần nhảy việc thứ 3 thì trở nên chán nản, thất vọng. Thậm chí, bạn chị đã nghĩ đến chuyện buông xuôi, không đi tìm việc trong một thời gian dài. Chị đã phải động viên rất nhiều để bạn chị tiếp tục tìm kiếm công việc mới phù hợp.
Lựa chọn sao cho đúng
Thường xuyên nhảy việc dường như là đặc điểm của lao động Gen Z. Theo khảo sát cuối năm 2023 của Công ty CP Anphabe (một công ty chuyên tư vấn nguồn nhân lực ở TP Hồ Chí Minh), ý định gắn bó của Gen Z với công ty chỉ khoảng 2,2 năm, thấp hơn khá nhiều so với Gen Y (3,2 năm) và Gen X (4,3 năm).
Tại Hải Dương chưa có thống kê nào của cơ quan chức năng về tỷ lệ nhảy việc của Gen Z. Một cán bộ thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hải Dương (Tỉnh đoàn Hải Dương) cho biết các bạn trẻ ngày nay rất thông thạo và họ thường tự tìm việc làm bằng nhiều kênh thông tin khác nhau. Đặc biệt, do công nghệ phát triển, thông tin việc làm có thể dễ dàng tìm kiếm nên các bạn trẻ cũng có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn môi trường làm việc. Chính vì thế, người trẻ thường xuyên nhảy việc cũng là điều dễ hiểu.
Dù nhiều bạn trẻ nhảy việc nhưng số lượng đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong giới trẻ lại rất thấp. Lý giải về việc này, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương cho rằng có thể do các bạn trẻ hay làm tự do với thời gian ngắn hoặc do thỏa thuận nên chưa được chủ sử dụng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Cũng không loại trừ khả năng nhiều bạn trẻ rất năng động nên đã tìm được việc làm ngay sau khi nghỉ việc, không cần hưởng bảo hiểm thất nghiệp như trường hợp chị H. nêu trên.
Có thể thấy rằng, ngày nay cùng với sự chuyển dịch, phát triển không ngừng của kinh tế, khoa học công nghệ thì con người, đặc biệt là giới trẻ cũng có những thay đổi lớn. Nhiều quan niệm trong cuộc sống xét ở khía cạnh nào đó dần không còn phù hợp. Quan điểm không nên "đứng núi này trông núi kia" trong công việc cũng là một hạn chế đối với Gen Z khi muốn khẳng định, phát triển và tìm kiếm những cơ hội tốt hơn cho bản thân.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với không ít Gen Z, trong đó có cả những người hay nhảy việc và những người chưa nhảy việc lần nào. Song tất cả đều khẳng định rằng, sự thay đổi cũng là một cơ hội. Đó có thể là cơ hội tốt hơn hoặc có thể không bằng công việc hiện có. Nhưng điểm tích cực mà người dám nhảy việc có được là sự thử thách bản thân, biết mình có điểm mạnh, điểm yếu gì để phát triển và khắc phục.
Gen Z đang ở vào lứa tuổi có nhiều phẩm chất quý. Dù họ chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng đổi lại có nhiều năng lượng, nhanh nhạy, nhất là về công nghệ để đáp ứng công việc. Vì vậy, để giữ chân được Gen Z thì doanh nghiệp cũng cần có những thay đổi phù hợp với xu thế. Cần tạo môi trường làm việc cởi mở, phù hợp để Gen Z phát huy tài năng, sở trường, gắn bó với công việc. Mặt khác nếu thích nhảy việc, Gen Z cũng nên cân nhắc về sự thích nghi của bản thân để tránh rơi vào thế bế tắc, mệt mỏi như một số trường hợp nêu trên.
NGỌC THANHGen Z là một thuật ngữ viết tắt của Generation Z, được sử dụng để chỉ đến nhóm người sinh ra giữa thế hệ Millennials và thế hệ Alpha. Gen Z là những người có năm sinh trong khoảng từ 1997 - 2012, tương đương với những người ở độ tuổi từ 12 - 27 vào năm 2024. Thế hệ Z sinh ra trong thời kỳ bùng nổ công nghệ và internet, vì vậy, họ đã tiếp xúc với các thiết bị di động từ khi còn nhỏ. Họ dễ dàng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng thông qua việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram và nhiều nền tảng khác.