Câu chuyện mua hàng tích trữ trong mùa dịch đang là một thói quen của nhiều người tiêu dùng, song mặt trái của nó cũng kéo theo hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý làm lợi cho nhiều gian thương.
Người dân mua hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+
Nhu cầu tăng đột biến
Mới nghe phong thanh việc thành phố họp về dịch Covid-19 vào 22 giờ đêm 6.3, anh N.V.T, chủ một nhà nghỉ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã chạy vội ra cửa hàng tiện ích để mua thịt lợn cùng một số nhu yếu phẩm về cho gia đình.
Sau thông tin của anh Tuấn, dù đã đêm khuya nhưng nhiều người dân cùng khu phố cũng chạy vội tới các cửa hàng để mua bằng được hàng hóa tích trữ với số lượng gấp nhiều lần nhu cầu bình thường.
Việc mua hàng để tích trữ tiếp tục nóng lên, tại nhiều chợ truyền thống, mới 4-5 giờ sáng 7.3, rất nhiều người dân đã tới để mua hàng, trong đó đa phần là thực phẩm như thịt lợn, rau, củ, quả…
Trong khi đó, nhiều cửa hàng tạp hóa cũng bị “gõ cửa” để bán hàng sớm hơn thường lệ.
Chị P.T.T, chủ một quầy bán thịt lợn tại chợ Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng cho biết vừa mở cửa bán hàng mọi người đã đến mua sạch chỉ trong một tiếng.
Theo quan sát của phóng viên, tại nhiều cửa hàng tạp hóa, đến 8 giờ 30 sáng, nhiều người dân vẫn tranh thủ mua hàng để tích trữ. Những mặt hàng được mua nhiều nhất vẫn là mì tôm, nước mắm, giấy vệ sinh…
Tuy vậy, thịt lợn và nhiều thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả vẫn còn khá dồi dào và giá nhiều mặt hàng không có biến động so với hôm qua.
Còn tại một số quầy thuốc, dù lượng người đến mua hàng đông hơn bình thường, các mặt hàng bán ra nhiều chủ yếu là nước sát khuẩn, thuốc cảm cúm hay khẩu trang… song lượng hàng vẫn được cung ứng thuận lợi và đầy đủ.
Chị T.T.P, phụ trách quầy thuốc trên phố Lạc Trung, cho biết sau khi dịch Covid-19 bùng phát, cửa hàng đã đặt nhà cung cấp để đáp ứng cho người tiêu dùng các mặt hàng cần thiết để phòng chống dịch bệnh, do vậy nhiều mặt hàng như cồn, nước sát khuẩn… vẫn dồi dào.
Một số mặt hàng như mì tôm, giấy vệ sinh, nước mắm tiêu thụ mạnh. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+
Đẩy mạnh nguồn cung hàng thiết yếu
Để phục vụ người dân, nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội trong sáng nay đã mở cửa bán hàng sớm hơn ngày thường từ 1-2 tiếng. Do số lượng người mua tăng đột biến nên một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu tiêu thụ rất nhanh.
Tuy vậy, tại hệ thống các siêu thị như Big C, VinMart, Hapro,... nguồn hàng nước rửa tay sát khuẩn khá nhiều, không còn khan hiếm như thời điểm đầu tháng 2.
Ghi nhận tại siêu thị Big C Thăng Long, dòng nước rửa tay khô On1 giảm giá từ 79.000 đồng xuống còn 59.900 đồng/chai 500ml. Hay có những loại mua 2 chai nước rửa tay khô sát khuẩn còn được tặng thêm 1 chai nước rửa tay dạng bọt... Trong khi đó, trên một số trang thương mại điện tử, mặt hàng nước rửa tay khô cũng giảm về đúng giá so với thời điểm trước khi diễn ra cơn sốt.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch Covid-19, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết Hà Nội đã xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường trong giai đoạn dịch bệnh.
Theo đó, căn cứ dự báo ảnh hưởng của từng cấp độ dịch bệnh theo kế hoạch của thành phố, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường khai thác hàng hóa với lượng hàng hóa tăng thêm từ 30% đến 50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.
Trong trường hợp có khu vực bị khoanh vùng cách ly, dự kiến, lượng hàng hóa để phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày là: 90 tấn gạo; 6,75 tấn thịt lợn; 75.000 quả trứng gia cầm; 750kg muối ăn, bột canh; 7,8 tấn thủy hải sản đông lạnh; 6,75 tấn thực phẩm chế biến; 60.000 gói sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, lương khô...).
Đối với những mặt hàng vừa qua xảy ra tình trạng thiếu hụt như khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế, Sở Công thương Hà Nội cùng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phối hợp với lực lượng quản lý thị trường ra quân đồng loạt, tăng cường kiểm tra hiện tượng găm hàng, đầu cơ, tăng giá và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cũng theo bà Lan, Sở Công thương Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành công thương để nắm được năng lực sản xuất cũng như tránh tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất một số mặt hàng, trong đó có mặt hàng khẩu trang bằng vải để phục vụ cho việc phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
“Sở Công thương đã cùng Vụ Thị trường trong nước làm việc với các nhà phân phối lớn như VinMart, Big C, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh… và xây dựng phương án bảo đảm các hàng hóa thiết yếu trong thời gian có dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công thương,” bà Lan nói.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, về phía Tổng công ty May 10, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc, cho biết cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, doanh nghiệp đã tiến hành phát miễn phí hàng chục nghìn khẩu trang kháng khuẩn với nguồn vải được nhập từ Dệt kim Đông Xuân nhằm bình ổn thị trường.
Trong khi đó, từ ngày 31.1 đến ngày 6.3 đã có tổng cộng 5.733 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế bị lực lượng quản lý thị trường xử phạt với số tiền lên tới gần 1,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngày 28.2, Tổng cục Quản lý thị trường đã thành lập tổ công tác về thương mại điện tử nhằm tham mưu, giúp Tổng cục trưởng thu thập, tiếp nhận và xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…
“Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tập trung vào các nhiệm vụ kiểm soát ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm chất lượng nhằm ổn định thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân về các trang thiết bị y tế và mặt hàng phục vụ phòng chống dịch,” đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho hay.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử triển khai các biện pháp kiểm duyệt nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm vi phạm không để lợi dụng dịch bệnh tăng giá gây mất ổn định thị trường.
Tính đến thời điểm ngày 2.3, các sàn đã rà soát tổng số trên 750.000 gian hàng và trên 2.759.000 sản phẩm, qua đó xử lý, gỡ bỏ gần 8.900 gian hàng với gần 23.000 sản phẩm vi phạm.
Như vậy, với hàng loạt các giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng, mặc dù nhiều thời điểm nguồn cung một số mặt hàng còn khó khăn do nhu cầu tăng đột biến, song với sự chuẩn bị tốt đã góp phần đẩy lùi tình trạng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường.
Tuy vậy, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, hiện nguồn cung không thiếu, quan trọng là phải tổ chức tốt hệ thống phân phối.
Ông cũng khuyến nghị phải có “luật trong thời chiến”, tức là khi ban bố dịch bệnh trong trường hợp đặc biệt cần tăng cường kiểm soát việc kê khai giá và kiểm soát giá, đồng thời thu hồi phần chênh lệch do tăng giá bất hợp lý như chính sách mà một số nước đã áp dụng, không để gian thương hưởng lợi bất chính.
Theo Vietnam+