Tâm huyết với nghề thêu

01/02/2017 07:04

2 nghệ nhân thêu tranh ở Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã được nhận danh hiệu cao quý “Bảng vàng gia tộc truyền thống Việt Nam”.



Nghệ nhân Phạm Thị Hòa (bên trái) luôn tâm huyết, gìn giữ nghề thêu tay truyền thống


Nhờ đam mê, tâm huyết và dành trọn cuộc đời cho nghề truyền thống, 2 nghệ nhân thêu tranh ở Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã được nhận danh hiệu cao quý “Bảng vàng gia tộc truyền thống Việt Nam”.

Giữ lửa nghề

Hơn 50 năm gắn bó với nghề truyền thống của cha ông, bà Phạm Thị Hòa, một trong 2 nghệ nhân ở Xuân Nẻo vinh dự được nhận danh hiệu “Bảng vàng gia tộc truyền thống Việt Nam” vẫn nhớ như in từng giai đoạn thăng trầm của nghề thêu tay. Trong hoài niệm của bà, nghề thêu tay giống như một bộ phim có những đoạn cao trào, lúc hưng thịnh, lúc truân chuyên, lận đận.

Bà kể: “Thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, cả làng Xuân Nẻo từ người già đến trẻ ai nấy đều là thợ thêu, trai gái cũng nên duyên từ khung thêu. Ngày ấy, làng như một công xưởng, mọi người tối ngày miệt mài bên khung thêu". Cứ thế các sản phẩm như khăn trải bàn, chăn ga, gối đệm được tạo thêm dấu ấn bằng những đường chỉ thêu mềm mại của người thợ lành nghề Xuân Nẻo nườm nượp xuất đi các nước. Nhưng chỉ một thời gian sau, có hộ phải bán nhà, đi bạt xứ vì nghề. "Gia đình tôi có 11 người thì 10 người bỏ nghề. Chính bản thân tôi cũng điêu đứng vì sản phẩm làm ra không bán được nhưng nghề thêu đã gắn bó với tôi như máu thịt nên tôi không đành lòng khi nghề ngày một lụi tàn. Do vậy, tôi quyết tâm vực dậy nghề”, bà Hòa nói.

Để tìm hướng đi riêng, bà Hòa chuyển sang thêu tranh chứ không thêu họa tiết như trước. Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, bà đúc kết được rằng muốn tạo ra một bức tranh thêu tay đẹp, sống động, có hồn thì người thợ phải có đôi mắt tinh, bàn tay khéo và trí tưởng tượng phong phú. Người thợ thêu vừa là nghệ sĩ, vừa là họa sĩ, thậm chí như một thi sĩ. Có như vậy, các tác phẩm làm ra mới có nét độc đáo riêng, không đi theo lối mòn. Khác với các nghề, nghề thêu tay đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Có những bức tranh cần đến 10 người thợ thêu liên tục trong vòng 6 tháng. Nhờ tâm huyết với nghề mà đến nay bà Hòa vẫn duy trì xưởng với 30 thợ thêu. Sản phẩm của bà được khách hàng quốc tế yêu thích, đặt mua. Do đó, đời sống của những người thợ thêu cũng khấm khá hơn trước.

Cầm chỉ thêu từ năm 13 tuổi và đến năm 16 tuổi kiếm được tiền từ nghề, thế mà nay khi đã ngoài 60 tuổi bà Nguyễn Thị Viến vẫn không khỏi khắc khoải với nghề. Đối với bà, thêu tay không chỉ là công việc kiếm tiền mà còn là cả cuộc sống với bao nỗi niềm chất chứa.

"Tôi vẫn luôn trăn trở tìm cách làm mới để vừa có kinh tế, vừa thỏa mãn đam mê với nghề."

NGUYỄN THỊ VIẾN
nghệ nhân tranh thêu


Bà Viến trải lòng: “Gánh nặng cơm áo gạo tiền đã khiến nhiều thợ thêu phải từ bỏ tình yêu nghề. Tôi vẫn luôn trăn trở tìm cách làm mới để vừa có kinh tế, vừa thỏa mãn đam mê với nghề. Bên cạnh duy trì nghề thêu, tôi còn phát triển nghề may, thậm chí còn kết hợp cả hai để tạo ra những sản phẩm độc đáo, thu hút khách hàng”. Hiện tại, Công ty CP May thêu Minh Tú của gia đình bà đang tạo việc làm cho 200 lao động địa phương. Để tạo điều kiện cho các thợ thêu đã lớn tuổi, bà giao sản phẩm cho họ làm tại nhà.

Giờ đây, khi mắt đã mờ, tay đã run, ước nguyện lớn nhất của bà Viến là truyền lại nghề cho lớp thế hệ sau. Theo bà Viến, thêu tay cần dày công, dày tài, người thợ thêu phải nhẫn nại, kiên trì nếu không sẽ xôi hỏng bỏng không. Sản phẩm thêu tay đạt đến đỉnh cao là khi nó phản ánh được những kỹ thuật điêu luyện và làm toát lên thần thái, tính cách của người thợ. Từng đường chỉ mảnh được phối nhịp nhàng tạo ra màu sắc hài hòa với độ mềm mại, mịn màng chính là hồn cốt của mỗi bức tranh.

Đau đáu với nghề

Cái tài, cái tâm và những cống hiến với nghề của người thợ thêu tay Xuân Nẻo đã được ghi nhận bằng những danh hiệu cao quý nhưng họ vẫn luôn trăn trở về tương lai của nghề. Nghề thêu tay đòi hỏi kỹ thuật cao, tuy nhiên giá trị nhận được lại không tương xứng với công sức mà người thợ bỏ ra. Mặt khác, hiện nay khi kinh tế ngày càng phát triển, những người trẻ có nhiều sự lựa chọn về công việc với mức thu nhập cao nên không còn mặn mà với nghề truyền thống. “Bảng vàng gia tộc truyền thống Việt Nam" là phần thưởng khích lệ cho việc giữ gìn và phát huy nghề cha truyền, con nối. Đây là vinh dự nhưng cũng khiến bà Viến phải suy ngẫm vì cả tỉnh chỉ có 2 gia đình được nhận danh hiệu này. Nhìn nhận theo góc độ khác, nó phản ánh thực trạng của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh đang hoạt động không ổn định và thiếu bền vững. "Nếu tình trạng này kéo dài thì có khả năng sẽ có nhiều làng nghề lụi tàn và khó vực dậy”, bà Viến giãi bày.

Để tiếp lửa giữ nghề, hằng ngày, bà Hòa vẫn cần mẫn dạy nghề cho mọi người. Theo bà Hòa, giấu nghề là ích kỷ, là có lỗi với nghề. Gia đình bà Hòa đã có 4 đời theo nghề, bà mong mỏi bảng vàng gia tộc truyền thống của gia đình sẽ được nối dài và không bị ngắt quãng. Tâm nguyện lớn nhất của bà là nghề thêu tay Xuân Nẻo sẽ lại hưng thịnh như trước, thế hệ sau vẫn gắn bó với nghề chứ không phải thông qua những câu chuyện được kể lại.

Nghề truyền thống không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Do vậy, việc gìn giữ và phát triển làng nghề là trách nhiệm chung của mọi người chứ không riêng gì những nghệ nhân.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tâm huyết với nghề thêu