Tấm gương người cộng sản kiên trung, bất khuất

24/04/2016 07:01

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã hiến dâng trọn vẹn cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và của dân tộc.



Tổng Bí thư Hà Huy Tập


Tài năng và phẩm chất cách mạng kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản Hà Huy Tập là tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân Việt Nam học tập và noi theo.

Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 trong gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Hà Huy Tập lúc nhỏ tên là Hà Huy Khiêm, còn gọi là Ba. Từ năm 1910 đến 1919, ông học chữ nho tại quê nhà và học tiểu học tại thị xã Hà Tĩnh. Sau khi học hết bậc tiểu học, năm 1919, ông thi vào trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu. Vì gia đình nghèo không đủ điều kiện học tiếp bậc cao hơn, Hà Huy Tập về dạy tại trường tiểu học ở thị xã Nha Trang...

Cuối năm 1925, Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt và luôn là một trong những người xả thân cho những hoạt động của Hội...

Tháng 3-1927, Hà Huy Tập rời TP Vinh vào Sài Gòn. Ở đây, Hà Huy Tập xin vào dạy học tại Trường Tiểu học tư thục An Nam học đường ở Gia Định. Thời gian ở Sài Gòn, Hà Huy Tập đã tổ chức thành công nhiều cuộc bãi khóa của học sinh, chống lại chế độ giáo dục thực dân của nhà trường.

Tháng 1-1928, Hội Hưng Nam (tên mới của Hội Phục Việt) tổ chức hội nghị toàn quốc tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), Hà Huy Tập dự hội nghị này với tư cách Bí thư Kỳ bộ Nam Kỳ. Hội nghị bàn về việc hợp nhất Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

Tháng 12-1928, Hà Huy Tập được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia khóa huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Ngày 19-7-1929, ông sang Liên Xô, học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva với bí danh là Xinhitrơkin. Cuối năm 1929, Hà Huy Tập được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 3-1932, ông tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông và ở lại Liên Xô hoạt động.

Trong thời gian ở Liên Xô, Hà Huy Tập viết cuốn sách “Sơ thảo lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương” bằng tiếng Pháp gồm ba phần, chia thành 10 chương. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, phát triển và sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng ta từ đầu cho đến tháng 3-1933.

Giữa năm 1933, Hà Huy Tập bí mật về Trung Quốc, bắt liên lạc với Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác lập ra Ban Chỉ huy hải ngoại, do Lê Hồng Phong làm thư ký; Hà Huy Tập làm ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động và Tổng Biên tập Tạp chí Bônsơvích. Nhiệm vụ trọng tâm của Ban là khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930-1931 và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất đã họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến 31-3-1935. Hà Huy Tập chủ trì và đọc Báo cáo chính trị của đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 người, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy hải ngoại. Ngày 12-10-1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tại hội nghị này, Hà Huy Tập chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Trong thời gian làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập đã tận dụng thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức Đảng trong nước, sớm hình thành được Ban Chấp hành Trung ương. Triệu tập và chủ trì ba Hội nghị Trung ương (tháng 3-1937, 9-1937 và 3-1938), Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã góp phần tổng kết tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo và cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thử thách, đưa phong trào tiến lên những bước mới...

Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938, Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị địch bắt do có chỉ điểm và đưa về giam ở Khám lớn, Sài Gòn.  Ngày 28-8-1941, ông bị chính quyền Pháp xử bắn cùng với một số nhà cách mạng khác...

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập (24-4-1906 - 24-4-2016) là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại truyền thống quý báu của Đảng, hiểu rõ hơn về tấm gương chiến đấu, hy sinh và những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng và quê hương của một người cán bộ ưu tú của Đảng. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là học tập và làm theo những phẩm chất đạo đức cách mạng; sự nhiệt huyết, đầy sáng tạo trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn; sự kiên trung, bất khuất, tinh thần cách mạng tiến công trước kẻ thù, nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu để biến khát vọng và niềm tin của Tổng Bí thư về một nước Việt Nam độc lập, tự do, văn minh và giàu mạnh trở thành hiện thực sinh động.

VĂN THỊ THANH MAI

(0) Bình luận
Tấm gương người cộng sản kiên trung, bất khuất