Tạm giữ trên 46 nghìn tấn than, khoáng sản tại Kinh Môn không nguồn gốc xuất xứ

27/08/2021 17:50

Sáng 27.8, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã có kết quả sơ bộ quá trình kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh than, khoáng sản trên địa bàn thị xã Kinh Môn.

Các tổ chức, cá nhân được kiểm tra đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh; hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan đến hàng hóa kinh doanh. Đại diện Tổng Cục địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện việc đo, vẽ mặt bằng, xác định khối lượng hàng hóa tồn trữ tại địa điểm kinh doanh và lấy mẫu xác định chủng loại, quy cách hàng hóa (than, khoáng sản).

Hàng hóa tồn trữ tại các điểm kiểm tra được xác định ban đầu là than các loại, xít và quặng. Đến 9 giờ sáng 27.8, đã sơ bộ hoàn thành nội dung kiểm tra tại các địa điểm kiểm tra bao gồm xác định lượng hàng tồn theo sổ sách, giấy tờ và thực hiện xong việc đo vẽ, xác định khối lượng, lấy mẫu, đối trừ số lượng với 14 tổ chức, cá nhân. Sơ bộ xác minh tổng lượng hàng tồn tại 17 địa điểm kiểm tra khoảng 379.072 tấn.

Trong đó, 6 tổ chức, cá nhân có số lượng hàng hóa (than, khoáng sản) thực tế tồn trữ tại điểm kinh doanh lớn hơn số lượng theo hóa đơn, chứng từ đầu vào, cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho hoặc quá trình kiểm tra chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ đầu vào với tổng khối lượng khoảng 46.154 tấn (dư). Sơ bộ xác định số lượng hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thương mại. Số lượng hàng hóa này đã được tạm giữ để xác minh, làm rõ.

11 tổ chức, cá nhân có số lượng hàng hóa thực tế tồn tại địa điểm kinh doanh bằng hoặc ít hơn số lượng theo hóa đơn chứng từ đầu vào cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho với tổng khối lượng 56.319 tấn (hụt). Các cơ sở có báo cáo giải trình nguyên nhân dẫn đến việc hàng hóa thực tồn ít hơn so với số lượng theo hóa đơn, chứng từ đầu vào cũng như được thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho do quá trình kinh doanh kéo dài dẫn đến hao hụt cơ-lý tự nhiên; sai số phép đo trong quá trình xuất-nhập hàng hóa; bùn than lắng đọng tại bể rửa, khu vực bãi chứa khó thực hiện phép đo; một số loại qua phân loại có giá trị thấp nên sử dụng để san mặt bằng...

Trên cơ sở đối chiếu hóa đơn chứng từ nhập-xuất, lượng hàng luân chuyển trong quá trình kinh doanh và giải trình của doanh nghiệp, tổ chức họp liên ngành và tham khảo ý kiến chuyên môn để xác định: Trường hợp số lượng hàng hóa hao hụt trong phạm vi sai số cho phép, việc hao hụt có lý do, có căn cứ và phù hợp. Trường hợp số lượng hàng hóa hao hụt vi phạm sai số cho phép, chiếm tỉ trọng lớn so với tổng lượng hàng hóa luân chuyển, xác định đây là lượng hao hụt không có lý do, căn cứ phù hợp. Cần xác minh mở rộng có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn để xem xét có dấu hiệu cấu thành hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khác hay không.

3 tổ chức, cá nhân chưa thực hiện xong việc đo, vẽ mặt bằng, xác định khối lượng hàng hóa tồn trữ tại địa điểm kinh doanh cũng như chưa thực hiện xong việc lấy mẫu hoặc cơ sở kiểm tra chưa xuất trình hết hóa đơn, chứng từ có liên quan cho đoàn kiểm tra.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ trì phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh), Công an thị xã Kinh Môn, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, đại diện chính quyền địa phương ban hành các quyết định kiểm tra đột xuất các địa điểm kinh doanh than, khoáng sản trên địa bàn thị xã Kinh Môn. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 20.8. Nội dung kiểm tra hàng hóa tồn trữ tại địa điểm kinh doanh và hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan đến hàng hóa.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạm giữ trên 46 nghìn tấn than, khoáng sản tại Kinh Môn không nguồn gốc xuất xứ