"Tạm dừng tăng thuế và phí các loại" là phù hợp với quy luật kinh tế, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay...
Tạm dừng tăng thuế, phí các loại là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, nhân việc Bộ Tài chính trình đề án tăng thuế VAT từ 10% lên 12% vào đầu năm 2018.
Tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng của năm 2017 có tốc độ tăng trưởng tích cực, kiềm chế được lạm phát. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 762.000 tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán năm, tăng12,8% so với cùng kỳ năm2016. Các lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, y tế được bảo đảm. Tất cả những cái đó tạo thêm niềm tin, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Ngay từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động. Theo đó, hàng loạt các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo các cơ chế thông thoáng để mọi người tham gia khởi nghiệp. Đồng thời siết chặt các cơ chế quản lý, giải quyết nợ xấu, nợ công, tinh giản 10% biên chế hành chính các cấp. Với khu vực doanh nghiệp nhà nước, kiên quyết sắp xếp lại, cổ phần hóa, thu vốn, thoái vốn về cho Nhà nước. Giải quyết dứt điểm các doanh nghiệp, các dự án thua lỗ lớn. Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động đã thể hiện rõ vai trò quản lý, điều hành nền kinh tế - xã hội của đất nước, đưa nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hòa nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Cùng với cả nước, 8 tháng qua Hải Dương cũng đã có nhiều cố gắng nhằm tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư thông thoáng; kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế. Kết quả 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 10.157 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán năm, tăng 30,2%...
Việc Bộ Tài chính xây dựng Đề án tăng thuế VAT từ 10% hiện nay lên 12% vào năm 2018 trong các nhóm hàng: nước sạch, thiết bị y tế, giáo dục... đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp và đông đảo tầng lớp nhân dân. Bộ Tài chính viện lý do phải tăng thuế VAT là nhằm bảo đảm nguồn chi, nhất là chi thường xuyên.
Có ý kiến hỏi rằng, tại sao Bộ Tài chính không bảo đảm nguồn chi bằng cách tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô hoặc tinh giản biên chế, giảm chi công, chuyển các đơn vị sự nghiệp có thu sang công ty cổ phần; tiết kiệm trong tiếp khách, đi nước ngoài; kiên quyết thu hồi nợ xấu, nợ từ các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, thu hồi tài sản từ các vụ tham nhũng, triệt để thu thuế, nợ thuế tồn đọng, mà lại tăng thuế VAT đẩy khó khăn vào doanh nghiệp, người dân? Hiện nay, thuế VAT của nước ta đã chiếm hơn 27% trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước.
Tỷ lệ này cao hơn các nước trong EU chỉ bình quân có 21%, khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Campuchia chỉ 7%. Phải nghĩ rằng tăng thuế VAT là đánh vào các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đánh vào mức sống của người dân vốn đã và đang khó khăn. Thuế VAT tăng đương nhiên giá bán tăng, kéo theo chỉ số CPI tăng, sức mua giảm sút, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.
Cho nên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8: "Tạm dừng tăng thuế và phí các loại" là phù hợp với quy luật kinh tế, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng nguyện vọng của đại đa số các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
VŨ HOÀNG LUYẾN (TP Hải Dương)