Đó là tấm bia đặt dưới chân tượng đài “Tổ quốc ghi công” ở nghĩa trang liệt sĩ xã Đồng Quế, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), với dòng chữ: Nơi đây yên nghỉ nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Hoàng Lộc (tức Hoàng Tiến Lộc), sinh năm 1922, mất ngày 29-11-1949. Quê quán: huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, cùng 4 câu thơ mở đầu bài “Viếng bạn” của ông: "Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ".
Sở dĩ có tấm bia này là do địa phương và thân nhân nhà thơ Hoàng Lộc biết liệt sĩ được an nghỉ trong nghĩa trang này, nhưng không rõ phần mộ chính xác. Thân nhân nhà thơ từ Hà Nội đã khắc một tấm bia đưa lên và được địa phương trân trọng gắn tấm bia dưới chân đài liệt sĩ. Bài thơ “Viếng bạn” của liệt sĩ viết từ cảm xúc nhân chuyến đi làm báo ngoài mặt trận được nghe tấm gương hy sinh dũng cảm của một chiến sĩ. Sau đó, bài thơ được đăng trong sách “Chặn gọng kìm đường số 4” và lần đầu tiên in trên tạp chí Văn nghệ số Xuân 1950 có tựa đề “Viếng bạn”. Sau khổ thơ mở đầu khắc trên tấm bia, tiếp theo là: "Đứa nào bắn anh đó?/ Súng nào nhằm trúng anh?/ Khôn thiêng xin chỉ mặt/ Gọi tên nó, ra anh!/ Tên nó là đế quốc? Tên nó là thực dân?/ Nó là thằng thổ phỉ?/ Hay là đứa Việt gian?/ Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính chặt/ Ở đây không gỗ ván/ Vùi anh trong tấm chăn/ Của đồng bào Cửa Ngăn/ Tặng tôi ngày phân tán/ Mai mốt bên cửa rừng/ Anh có nghe súng nổ/ Là chúng tôi đang cố/ Tiêu diệt kẻ thù chung”.
Hơn nửa thế kỷ qua, bài thơ “Viếng bạn” của nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Hoàng Lộc đã in cả trăm lần trên sách báo trong và ngoài nước. Từ những nhà thơ lớn trong nước như Xuân Diệu, Chế Lan Viên và nhiều nhà thơ khác cũng như những tác giả nước ngoài đều đánh giá cao nội dung tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ. Đó là một trong những bài thơ hay nhất viết về tình đồng đội hy sinh trong chiến đấu để giành quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc.
TRỌNG NGUYỄN(st)