Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng vạn chàng trai, cô gái đã vào khắp các chiến trường. Khi các anh, các chị nằm xuống, có người đã được đưa về quê hương, song còn biết bao người vẫn nằm lại ở các miền quê khác...
Tấm bia mộ liệt sĩ Nguyễn Đình Doanh ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên
Trong một lần công tác ở Hà Giang mới đây, tôi đã đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Đây là "mái nhà chung" của gần 1.900 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược từ năm 1979. Ở ngay những hàng đầu có một tấm bia mộ mà khiến bất cứ ai cũng phải dừng lại và dấy lên trong lòng nhiều thắc mắc. "Liệt sỹ Nguyễn Đình Doanh, năm sinh 1941. Nguyên quán: xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. CB-CV:... Đơn vị: 559. Hy sinh 04/9/1969". Theo thông tin trên bia mộ, liệt sĩ Nguyễn Đình Doanh hy sinh trước khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tới tận 10 năm. Tại sao một liệt sĩ chống Mỹ lại ở nghĩa trang của các liệt sĩ trong chiến tranh biên giới phía Bắc? Ông thuộc Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn vì sao lại nằm lại Hà Giang?
Mang câu hỏi đó, tôi tìm về quê của liệt sĩ Nguyễn Đình Doanh, nay là thôn Văn Xuyên, xã An Phượng (Thanh Hà). Trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của liệt sĩ hiện chỉ còn cụ Vũ Thị Thoảng năm nay đã 88 tuổi, chị dâu của liệt sĩ là người duy nhất còn một số thông tin về ông.
Cụ Thoảng lấy anh trai liệt sĩ Nguyễn Đình Doanh là ông Nguyễn Đình Ang. Theo lời cụ, thời buổi khốn khó nhưng anh chị em trong gia đình luôn đầm ấm, ông Doanh được quan tâm nhiều hơn do là em út trong nhà. Trong câu chuyện trên tấm chiếu hoa trải giữa sân vào mỗi đêm trăng, ông Doanh thường được anh mình kể về thời quân ngũ. Những câu chuyện chiến đấu từ thời chống Pháp được ông Ang kể tường tận cho người em út, những tấm gương hy sinh anh dũng, những lần vượt sông vào ban đêm để đánh đồn bốt địch... như những thước phim tua chậm, khiến ông Doanh luôn nuôi dưỡng ước mơ trở thành bộ đội. Rồi một ngày ông Doanh về thông báo đã trúng tuyển bộ đội. Đó là khoảng năm 1960. Gia đình chỉ biết ông Doanh vào Trường Sơn đánh Mỹ. Được quãng 5-6 năm ông xuất ngũ, về lấy một cô gái ở quê rồi 2 vợ chồng đưa nhau lên Hà Giang làm việc trong một công ty chè. Khoảng năm 1968, ông Doanh bất ngờ trở về quê thông báo ngắn gọn "Em tái ngũ!". Từ biệt gia đình xong, ông Doanh khoác ba lô vào Nam chiến đấu rồi hy sinh và nằm lại Trường Sơn...
Trong lần tái ngũ này không có một tin tức, một dòng thư nào được ông Doanh gửi về quê. Gia đình chỉ biết em trai hy sinh khi giấy báo tử gửi về UBND xã và người nhận là ông Nguyễn Đình Ang, khi đó đang là Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Hoàng...
Cụ Thoảng kể, liệt sĩ Nguyễn Đình Doanh nằm lại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tới 36 năm thì gia đình mới có điều kiện đón về. Trước khi tái ngũ, ông Doanh đã có cậu con trai 2 tuổi. Khi đón ông Doanh về, vợ con ông vẫn ở Vị Xuyên, vì thế liệt sĩ được đưa về đó. Đây là lý do ông Doanh nằm chung với các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Do các giấy tờ thất lạc, đồng đội cũng không còn nên khi ông Doanh hy sinh gia đình cũng không biết ông nằm lại ở chiến trường nào. Chỉ đến khoảng đầu những năm 2000, có người vào viếng nghĩa trang Trường Sơn trở về thông báo thấy phần mộ của ông Doanh thì gia đình mới biết và tổ chức vào thăm mộ.
Bố vào chiến trường khi còn quá nhỏ nên anh Nguyễn Đình Quang, con trai liệt sĩ Doanh chỉ hình dung về bố qua lời kể của mẹ-cụ Nguyễn Thị Dủng, năm nay đã tuổi 85. Hiện gia đình cụ Dủng và anh Quang sinh sống ở thị trấn Vị Xuyên, cách Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên gần 3 km. Anh Quang vẫn nhớ, khi còn minh mẫn mẹ thường kể, cha là người cao to, trắng trẻo. Khi xuất ngũ và lên Hà Giang sinh sống, cha ít nói và rất hay nghe đài về tình hình chiến trường. Rồi một ngày cha thông báo, sẽ tái ngũ. Rồi cha đi mãi... Đến giờ anh Quang cũng không thể biết cha đã hy sinh trong trận đánh nào, đồng đội chung một chiến hào với cha ai còn, ai mất, nhưng anh nói, vẫn là hạnh phúc khi đưa được cha về.
CẨM GIANG