Tấm áo ấm, những câu thơ và tấm lòng Bác Hồ

15/01/2012 14:43

Bác nói: “Chúng ta đều biết, chú Thông từ Thủ đô Hà Nội bị tạm chiếm về đến vùng căn cứ an toàn có thể xem như quân dân ta đã thắng to quân địch”.

Chuyện xảy ra từ hơn 60 năm về trước nhưng chưa ai kể lại vì cả 2 nhân vật chính đều đã qua đời. Nay nhờ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhờ gia đình cụ Đặng Phúc Thông và các nhân chứng còn sống tại Hà Nội cung cấp tài liệu, chúng tôi xin chuyển tới bạn đọc câu chuyện sau đây để chúng ta hiểu thêm về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.  

Một trong hai nhân vật của câu chuyện này là kỹ sư Đặng Phúc Thông - một nhà trí thức yêu nước - từng tốt nghiệp loại ưu hai trường danh tiếng của nước Pháp là Đại học Mỏ- Địa chất  (Grande Ecole dé Mine) và Đại học Cầu đường (Grande Ecole dé Pont et Chaussees) hồi đầu thập niên 30 của thế kỷ XX. Về nước, mặc dù thực dân Pháp chủ động gợi ý với nhiều quyền lợi kèm theo nhưng ông đã cương quyết từ chối gia nhập “làng Tây”, sau đó bị “trừng phạt” bằng việc phải chuyển đi làm việc tại khu mỏ Phấn Mễ thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Không chịu nổi thái độ trịch thượng của bọn công chức người Pháp, năm 1933 kỹ sư Đặng Phúc Thông xin chuyển sang làm việc ở Sở Hỏa xa Đông Dương tại Hà Nội, đến năm1941 chuyển vào làm kỹ sư trưởng ở Sở Hỏa xa Quận 3, phụ trách tuyến đường sắt từ ga Diêu Trì (Bình Định) vào đến ga Tháp Chàm (Phan Rang). Ông được tiếp xúc, tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 rồi trở thành vị Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Giao thông công chính trong Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử phái đoàn Việt Nam mà Đặng Phúc Thông là một thành viên, sang dự Hội nghị Fontainbleau (Phông-ten-nơ-blô) tại Pháp. Ông đã được cách mạng - mà trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh- đánh giá cao.

Cuộc Toàn quốc kháng chiến bùng nổ đêm 19-12-1946. Hai ông bà Đặng Phúc Thông bị kẹt lại trong thành phố Hà Nội bị tạm chiếm trong hơn 8 tháng. Thực dân Pháp đã ra sức dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông dứt khoát cự tuyệt cộng tác với chúng. Ông chủ động bắt liên lạc với các cán bộ cách mạng hoạt động bí mật trong nội thành. Cuối cùng, hai ông bà đã được cách mạng tổ chức đưa ra vùng tự do, lên chiến khu Việt Bắc vào cuối tháng 8 năm 1947.      

Lên tới ATK (An toàn khu) Việt Bắc, kỹ sư Đặng Phúc Thông được giao  tiếp tục làm Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính. Bác Hồ rất phấn khởi. Người nói: “Chúng ta đều biết, chú Thông từ Thủ đô Hà Nội bị tạm chiếm về đến vùng căn cứ an toàn có thể xem như quân dân ta đã thắng to quân địch”. Đến đầu năm 1948, ông Đặng Phúc Thông được giao kiêm thêm nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông công chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những quý trọng năng lực chuyên môn, phẩm chất yêu nước của nhà trí thức cách mạng mà còn dành cho kỹ sư Đặng Phúc Thông tình cảm yêu thương đặc biệt. Một trong rất nhiều trường hợp cụ thể là: Đầu năm 1948, nhân dịp Tết Nguyên đán, Bác Hồ đã tặng  “chú Thông” chiếc áo len kèm theo trang giấy đề 4 câu thơ (Bác viết tay ) như sau:

Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi
Tết sau thắng lợi sẽ đền bồi
Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú
Chú mang cho ấm, cũng như tôi

            4-2-48
 HỒ CHÍ MINH           


Với tinh thần trách nhiệm cao, Thứ trưởng Đặng Phúc Thông vẫn hăng hái thực hiện nhiệm vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao phụ trách Liên khu 4 cách ATK hơn 500 km. Đường sá xa xôi, hoàn cảnh đi lại khó khăn, vất vả, ông sa sút sức khỏe rồi bị lâm bệnh nhưng vẫn gắng sức hoàn thành công việc.

Biết tin ông đau ốm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư vào nhắc nhở ông chú ý nghỉ ngơi, điều trị. Chính phủ cũng có chỉ thị cấp thuốc men, đường sữa bồi dưỡng cho ông. Nhưng do gắng sức trong thời gian dài, ông không chống chọi nổi với bệnh tật nên đã qua đời tại tỉnh Thanh Hóa ngày 31-12-1951.

Tiếc thương ông, trong lá thư chia buồn với tang quyến, Bác Hồ đã tôn vinh ông là: ...“một cán bộ cao cấp xuất sắc của Chính phủ, một chiến sĩ  trung thành của dân tộc đồng thời là một người bạn tốt của tôi”.

TRƯỜNG GIANG

(0) Bình luận
Tấm áo ấm, những câu thơ và tấm lòng Bác Hồ