Là người cương trực, Nguyễn Mại thường đứng lên bảo vệ quền lợi của nhân dân. Những vụ án ông xử như vụ mất trộm gà, chuyện sư ni ở chùa Sơn Vi... rất công minh nên được nhân dân hết sức nể trọng.
Nguyễn Mại hay còn gọi là quan Thượng Nành, người làng Ninh Xá, tục gọi là làng Nành, huyện Chí Linh, nay thuộc thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách.
Năm 36 tuổi ông đỗ Hoàng giáp khoa Tân Mùi, niên hiệu Chính Hoà thứ 12 (1691) đời Lê Hy Tông, làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Nam, từng nhiều lần đi sứ. Sau giữ chức Trấn thủ Sơn Tây. Khi mất, ông được phong tặng Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công.
Nguyễn Mại là người cương trực thẳng thắn, thường hay làm mất lòng chúa Trịnh Cương. Khoảng năm Vĩnh Thịnh (1705-1720), ở xứ Sơn Tây giặc cướp hoành hành. Ông được bổ làm án trấn. Ông thi hành chính sách quan gián, xử đoán kiện tụng rất công minh, được nhân dân kính trọng. Trong dân gian còn truyền tụng nhiều giai thoại về tài xử kiện của ông như chuyện xử vụ mất trộm gà, chuyện sư ni ở chùa Sơn Vi mất đồ vật.
Ông làm quan, nắm chắc luật lệ triều đình, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, xét xử phân minh, chăm lo đời sống nhân dân, là người trung chính. Ông vì dám nói thẳng trái ý chúa Trịnh Cương nên bị giết hại. Khi ông mất, người hạt Sơn Tây nhớ công đức của ông có làm bài "Đức chính ký" ca ngợi công đức của ông. Bài ký do tiến sĩ Trần Hiền quê làng Vân Canh biên soạn. Nhân dân làng Ngô Đồng lập đền thờ và tôn ông làm bậc tiên hiền, tục gọi là đền Chợ Đanh, đến nay vẫn còn.
(Theo Địa chí Hải Dương)