Ba tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối việc thu phí tại trạm BOT quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm, Hưng Yên).
Khoảng 7h30 sáng 11.12, một tài xế ôtô chiều Hà Nội - Hưng Yên đã sử dụng loại tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng để trả phí khi qua trạm BOT quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), khiến thời gian lưu thông qua trạm kéo dài gần 10 phút.
Ông Nguyễn Văn Điều, Trưởng trạm thu phí, cho biết trong sáng cùng ngày, ngoài trường hợp trên thì có 2 tài xế khác cũng trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí BOT. Công an tỉnh và nhân viên tại trạm thu phí đã phối hợp xử lý nên không xảy ra ùn tắc giao thông.
Theo ông Điều, doanh nghiệp dự án đã tăng cường nhân viên và chuẩn bị tiền lẻ nhiều mệnh giá để đảm bảo thanh toán khi cần thiết cho lái xe. "Tài xế có quyền sử dụng tiền lẻ để trả phí, song nếu cản trở giao thông là vi phạm pháp luật", đại diện chủ đầu tư nói.
Tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí quốc lộ 5. Ảnh: Ngọc Thành. |
Trước đó vào đầu tháng 9, một số tài xế đã trả tiền lẻ mua vé qua trạm BOT ở quốc lộ 5; nhà chức trách sau đó thông tin đã triệu tập một số lái xe để làm rõ sự việc.
Cách đây vài hôm, trên diễn đàn mạng, một số người tiếp tục hẹn nhau trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT quốc lộ 5 vào hôm nay.
Để hạ nhiệt "điểm nóng" BOT quốc lộ 5, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi liên bộ Giao thông Vận tải và Tài chính đề xuất hàng loạt giải pháp. Trong đó có kiến nghị miễn thu phí cho phương tiện của người dân các xã, thị trấn nằm trong bán kính 5 km xung quanh trạm.
Lực lượng chức năng tăng cường tại trạm thu phí. Ảnh: Ngọc Thành |
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét di chuyển trạm thu phí số 1 tại km18+100 trên quốc lộ 5 về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội, hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương để hạn chế phương tiện đi vào các đường tỉnh nhằm trốn vé qua trạm thu phí.
Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội – Hải Phòng, chiều dài khoảng 100 km, tuyến đường này có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Trước đây giá phí qua trạm BOT này là 10 nghìn đồng/lượt/trạm/xe bốn chỗ; sau tăng lên 30 nghìn đồng, rồi 45 nghìn đồng và hạ xuống còn 40 nghìn đồng vào năm 2016.
Từ đầu năm 2016, dự án nâng cấp Quốc lộ 5 theo hình thức BOT được chuyển giao cho Vidifi; nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí.
Hồi cuối năm 2015, một lãnh đạo VIDIFI cho rằng nếu doanh nghiệp không được tăng phí Quốc lộ 5, thì phương án tài chính cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể bị phá sản.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km cũng do Vidifi đầu tư, thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015.
ĐOÀN LOAN - NGỌC THÀNH (VnExpress)