Y tế - Sức khỏe

Tái sinh

TB (theo VnExpress) 10/04/2024 13:42

Sau nhiều ngày thuyết phục gia đình bệnh nhân hiến tạng bất thành, thạc sĩ Phạm Thị Đào bất ngờ nhận được cú điện thoại lúc nửa đêm.

i1-vnexpress.vnecdn.net-2024-04-09-_xe-p-ha-ng-cho-so-ng-1-7504-1712598991.jpg
Việt Nam có hàng nghìn bệnh nhân suy tạng đang chờ nguồn tạng hiến từ người chết não. Trong ảnh: Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, tháng 4/2024

Ba ngày trước đó, tại phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, em trai người đàn ông chết não sau tai nạn giao thông dứt khoát từ chối lời gợi ý hiến tạng của chị Đào - Trưởng Đơn vị Tư vấn và điều phối ghép tạng.

"Không. Tôi không cho", người em kiên quyết giữ cho anh trai 30 tuổi ra đi nguyên vẹn. Với hơn 10 năm vận động hiến tạng, chị Đào không bất ngờ. "Tôi đã quen với những lời từ chối", chị nói.

Nữ thạc sĩ tìm gặp người nhà bệnh nhân khi nghe Khoa Hồi sức thông báo về "ca chết não có thể là người hiến tạng tiềm năng". Bắt đầu từ thăm hỏi, chị sau đó giúp đỡ gia đình từng việc nhỏ như giấy tờ, thủ tục, và chỉ mở lời khi họ đã bình tâm.

Nhưng những lời thuyết phục bất thành. Chị hiểu, phần lớn người Việt quan niệm để người thân được ra đi toàn vẹn, hiến tạng là điều quá mới mẻ. Khi bệnh nhân không thể cứu chữa, gia đình chọn đưa về nhà, chờ lo hậu sự.

Một giờ sáng hôm sau, chị Đào nhận được cuộc gọi xin giúp đỡ của gia đình. Trên đường đưa bệnh nhân về Bắc Ninh, họ nhớ ra mảnh sọ bị vỡ của người thân còn gửi ở ngân hàng mô. Về viện xin lại thì nhân viên y tế từ chối do mất giấy tờ.

Không đắn đo, nửa đêm, chị Đào phóng xe máy gần 20 km từ Gia Lâm đến Bệnh viện Việt Đức, ký giấy bảo lãnh giúp. Cả gia đình cảm kích khi nhận phần thân thể cuối cùng của người thân, rồi lên xe về lại Bắc Ninh.

"Mình chỉ nghĩ giúp họ hoàn thành tâm nguyện, chu toàn chuyện hậu sự", chị Đào kể lại.

Chị không ngờ hành động ấy đã khiến gia đình đổi ý. Rạng sáng, chị nhận cuộc gọi của người em trai thông báo: "Gia đình đồng ý hiến tạng anh". Chiếc xe cấp cứu một lần nữa quay ngược về Hà Nội. Một ngày sau, tim, gan, thận, phổi của bệnh nhân được "hồi sinh" trong cơ thể 4 người khác.

Câu chuyện xảy ra từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn được các y bác sĩ trong Đơn vị Tư vấn và điều phối ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức truyền tai nhau, như một điển hình trong quá trình thuyết phục thân nhân. "Khó khăn nhất trong công việc này là gia đình không chấp nhận được sự thật người thân của mình đã chết não, qua đời", chị Đào nói.

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam có hơn 150 ca chết não đồng ý hiện tạng, riêng Bệnh viện Việt Đức chiếm gần 67% - cao nhất nước. Thế nhưng, đây vẫn là con số ít ỏi so với hàng nghìn bệnh nhân đang chờ ghép tạng. Từ khi Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người, lấy xác ra đời năm 2006, đến nay mới có gần 500 trường hợp được "tái sinh" nhờ ghép tạng từ nguồn hiến chết.

Để tăng tỷ lệ này, giải cơn "khát" tạng suốt hàng chục năm qua, các tư vấn viên như chị Đào đóng vai trò cốt yếu. Tuy nhiên, những nỗ lực đơn lẻ của họ là chưa đủ để tạo ra thay đổi lớn.

"Sứ giả" của sự sống


Theo luật, việc lấy bất kỳ bộ phận nào từ người chết não đều phải được sự đồng ý bằng văn bản của thân nhân - kể cả khi bệnh nhân đã đăng ký hiến tạng. Đây là lúc cần đến tác động từ đội ngũ tư vấn của bệnh viện để thuyết phục gia đình.

"Bác sĩ hay điều dưỡng đều có thể làm công việc này, nhưng họ phải được đào tạo chuyên nghiệp, có chức năng - nhiệm vụ thì mới hiệu quả", PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nói. Để bảo đảm tính minh bạch và vô tư, bác sĩ điều trị bệnh nhân không được nằm trong nhóm lấy, ghép tạng.

Ông dẫn chứng, tại nước có số ca hiến - ghép cao như Tây Ban Nha, Pháp, tỷ lệ đồng ý hiến tạng chiếm 60-95% dân số, mỗi bệnh viện vẫn phải cử người chuyên tư vấn, tiếp cận gia đình có thân nhân chết não.

i1-vnexpress.vnecdn.net-2024-04-09-_z5317532470294-b94131585d3eb30-2393-2076-1712673892.jpg
Các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, trong một ca ghép tạng, tháng 2/2023

Học hỏi mô hình trên, tháng 12/2022, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã làm thí điểm với 16 bệnh viện miền Bắc trong một năm. Mỗi cơ sở này cử một nhóm đến Hà Nội để đào tạo về vận động hiến tạng, gồm: luật hiến mô tạng, biểu hiện chết não, quy trình bảo quản tạng, và phương pháp tiếp cận thân nhân người bệnh.

"Tâm lý gia đình lúc mất người thân vô cùng rối loạn, mà lại nói đến việc hiến mô - tạng thì thật sự nhạy cảm. Vì vậy, người vận động phải có kỹ năng, tiếp cận, giải thích sao cho chuyên nghiệp, tinh tế nhất", PGS Hệ nói.

Sau khóa đào tạo, nhóm này về bệnh viện, trở thành những "sứ giả" mang sự sống từ người chết não đến với người chờ ghép tạng.

Năm đầu tiên, chương trình cho kết quả "đáng kinh ngạc", theo bác sĩ Hệ. 33 gia đình tại 16 bệnh viện đồng ý hiến tạng sau khi được vận động. Trong khi cùng thời gian đó, 460 bệnh viện còn lại trên toàn quốc chỉ có hai ca.

Tham gia khóa tập huấn này từ cuối năm 2022, ThS.BS Đào Thị Hương, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, trước đây, mỗi lần gặp ca chết não, chị và đồng nghiệp chỉ tính đến việc làm thế nào thông báo cho gia đình tin xấu. Nhưng giờ, chị biết có thêm lựa chọn khác để "gieo mầm sống" ở những người tưởng như chỉ còn chờ chết.

"Khi gặp ca chết não, chúng tôi khuyên gia đình có thể đưa bệnh nhân về, hoặc nếu họ có tấm lòng hiến tạng thì chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Ở đó, các bác sĩ tiếp tục điều trị, nếu phép màu không đến, gia đình làm việc thiện, hiến tạng người thân để cứu nhiều cuộc đời khác", bác sĩ Hương kể.

Từ đó, hầu hết bệnh nhân chết não tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đều được y bác sĩ vận động chuyển lên Bệnh viện Việt Đức để hiến - ghép tạng. Chỉ trong một năm, 4 ca đã được kết nối thành công.

Đội ngũ của bác sĩ Hương là hình mẫu cho quy trình liên kết giữa khối lâm sàng và đơn vị tư vấn nhằm kịp thời phát hiện, vận động nguồn hiến tạng tiềm năng. Từ kết quả năm đầu tiên, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã mở rộng mạng lưới ra 58 bệnh viện trên toàn quốc, với khoảng 200 người được tập huấn.

Tuy nhiên, hành động này mới chỉ giải quyết được bài toán đơn lẻ ở từng bệnh viện. Để tăng nguồn tạng hiến, PGS Đồng Văn Hệ cho rằng cần hướng tới các vấn đề mang tính hệ thống.

"Các bệnh viện chưa thật sự quan tâm đến hiến tạng", ông nêu thực tế.

Bác sĩ Hệ cho biết sự đồng thuận lấy mô, tạng của một người không may chết não thể hiện qua thẻ đăng ký hiến tạng. Theo luật, tất cả cơ sở y tế đều được cấp thẻ này, song thực tế chỉ có 3 nơi thực hiện, gồm: Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).

Để khắc phục hạn chế trên, từ năm 2022, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia bắt đầu áp dụng hình thức đăng ký hiến tạng trực tuyến, sau đó nhận thẻ qua đường bưu điện. Số lượng sau đó tăng nhanh, hiện có khoảng hơn 80.000 người đăng ký.

Tuy nhiên, PGS Hệ đánh giá con số này vẫn rất nhỏ bé so với 100 triệu dân của Việt Nam. Nếu hơn 1.500 bệnh viện (chưa kể tuyến xã) đều cấp thẻ, số lượng đồng ý hiến tạng sẽ rất nhiều.

Ông dẫn chứng tại Hàn Quốc - nơi dân số bằng nửa Việt Nam - có 4 triệu người đăng ký hiến. Ở nhiều nước châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp... thậm chí còn làm ngược lại, người dân phải làm thẻ từ chối nếu không muốn cho tạng sau khi chết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng khi thi bằng lái xe hoặc làm căn cước công dân, thể hiện bằng biểu tượng hoặc chữ "hiến tạng" trên thẻ. Cách làm này cũng thuận lợi cho gia đình và cơ sở y tế trong xác định tâm nguyện của người không may rơi vào cảnh chết não.

Nhìn rộng hơn, PGS Đồng Văn Hệ cho rằng để các bệnh viện phát huy hết vai trò kết nối nguồn tạng hiến tiềm năng, cần có cơ chế, chính sách và đặc biệt là ngân sách để hỗ trợ những người tham gia vào quy trình hiến - ghép tạng.

"Tái sinh" nguồn sống


Hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành ghép tạng, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, khẳng định giải quyết bài toán chi phí sẽ là động lực lớn để các bệnh viện thúc đẩy phát hiện nguồn hiến tạng tiềm năng.

Bà dẫn chứng ở nhiều nước, một tổ chức phi lợi nhuận sẽ phối hợp với chính phủ, đứng ra vận động, tìm nguồn tài chính, chuyển cho đơn vị điều phối ghép tạng quốc gia. Khi một bệnh viện có trường hợp chết não hiến tạng, tiền sẽ được "rót xuống" để chi trả phí hồi sức, xét nghiệm, tiền công ngoài giờ cho nhân viên y tế...

Từ bài học quốc tế, chuyên gia đề xuất lập quỹ tài chính riêng cho việc hiến ghép tạng, do một tổ chức chuyên trách quản lý và kêu gọi sự chung tay đóng góp. Quỹ này cần có chính sách hỗ trợ cơ bản từ Bảo hiểm y tế; Bộ Tài chính; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

"Nếu làm minh bạch, công bằng thì nguồn tiền không khó huy động", bà đánh giá.

i1-vnexpress.vnecdn.net-2024-04-09-_z5317532475271-9e1960a4f51300e-5226-3517-1712673893.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, vận chuyển tạng từ người hiến đến nơi phẫu thuật ghép tạng, năm 2023

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng cần tăng tính công khai, minh bạch trong quy trình điều phối tạng hiến để người dân tin tưởng trao tặng sự sống, đồng thời hạn chế tình trạng mua - bán.

Thực tế hiện nay, việc xây dựng danh sách người chờ ghép chưa đồng bộ trên cả nước. Khi có ca hiến chết não, người nhận sẽ được lựa chọn theo hai cách: thủ công, hoặc tự động (bằng phần mềm).

Theo Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam Trần Ngọc Sinh, đa số cơ sở ghép tạng chỉ áp dụng phương thức đầu. Một hội đồng chuyên gia sẽ được lập để lựa chọn người phù hợp nhất, dựa trên tiêu chí: nhóm máu, mức độ hòa hợp miễn dịch, độ tuổi, bệnh nền...

Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị tiên phong xây dựng danh sách chờ tự động bằng phần mềm. Với cùng tiêu chí như trên, hệ thống sẽ chấm điểm của từng người bệnh dựa trên dữ liệu đầu vào, sau đó chọn ra người ghép phù hợp nhất. Nếu người đạt điểm cao nhất trong danh sách này không được chọn, bác sĩ phải điền lý do thì hệ thống mới cho phép đổi sang người thứ hai.

Mọi thao tác đều được "lưu dấu" trong phần mềm, dễ dàng truy vết. Nhờ vậy, cơ quan điều phối sẽ hạn chế được các tiêu cực phát sinh trong hiến - ghép tạng, điển hình là mua - bán thận, và dễ dàng giám sát. Càng ít sự tham gia của con người, quy trình càng minh bạch, khách quan.

"Hệ thống tuyển chọn ưu tiên cao nhất là sự hòa hợp miễn dịch. Nhờ đó, tỷ lệ thải ghép ít, đời sống tạng ghép kéo dài, tiền nhà nước bỏ ra sẽ có giá trị", TS.BS Dư Thị Ngọc Thu phân tích.

i1-vnexpress.vnecdn.net-2024-04-08-_z5307795934709-5d71899dcb99345-2409-6953-1712576643.jpg
Ông Nguyễn Xuân Toại (58 tuổi, Thanh Hóa) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là một trong những bệnh nhân ghép phổi thành công từ người hiến chết não

Nếu nguồn sống từ những người chết não được tận dụng, hàng nghìn bệnh nhân đang sống mòn vì suy tạng sẽ có cơ hội được "tái sinh". Ông Nguyễn Xuân Toại, 58 tuổi, Thanh Hóa nằm trong số những người bệnh may mắn đó.

Tháng 7/2020, ông Toại phát hiện bị xơ phổi rất nặng, thời gian sống chỉ tính bằng 2-3 tháng. Bác sĩ hướng dẫn ông đăng ký vào chương trình ghép phổi của Bệnh viện Phổi Trung ương - cơ hội sống duy nhất, nằm trong danh sách chờ cùng hơn 20 người khác.

Ông về lại Thanh Hóa, không đặt nhiều hy vọng. Nhưng chỉ hai tháng sau, con trai ông gọi điện báo tin, gia đình một thanh niên 31 tuổi chết não do tai nạn giao thông đã đồng ý hiến tạng. Ông bắt xe ra Hà Nội, nửa mừng nửa lo.

Sau nhiều xét nghiệm, ông Toại được xác định có chỉ số tương thích cao nhất với người hiến. Ngoài phổi, gia đình người thanh niên còn đồng ý tặng tim, gan, thận và hai cẳng tay, giúp hồi sinh 6 cuộc đời bên "lằn ranh" sống chết.

Nhờ có hai lá phổi mới, cuộc đời ông Toại hoàn toàn sang trang. Từ chỗ mỗi bước đi phải có người dìu, nay ông tập thể dục, đi cầu thang cả tiếng không thấy mệt. Thậm chí, khi mắc Covid-19 đầu năm 2022, ông hồi phục sau 9 ngày nằm viện.

"Tôi luôn thấy bản thân vô cùng may mắn khi nhận được món quà này", ông Toại nói. Từ khi khỏi bệnh, ông nhiều lần ước có cơ hội gặp được gia đình người hiến để nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, quy định pháp luật cấm tiết lộ thông tin.

Sau này, nhờ mối duyên từ những chuyến đi tri ân người hiến tạng, vợ ông may mắn gặp được gia đình người hiến phổi cho ông ở Hải Dương. Cuộc hội ngộ đã kết duyên cho một mối thân tình mới.

4 năm qua, những món quà liên tục được trao gửi giữa hai nhà. Tháng 7 hàng năm, vào dịp sinh nhật người hiến, vợ con ông lại đi gần 200 km từ Thanh Hóa về Hải Dương. Hai gia đình giờ đây được ràng buộc bằng mối quan hệ khó gọi tên, khi một phần thân thể người cho đang nuôi dưỡng sự sống bên trong người nhận.

TB (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái sinh