Tại sao có người học kém ra đời lại kiếm tiền giỏi, lên sếp lớn?

30/08/2021 18:05

Nghe thì có vẻ ngược đời, thực tế nhiều người thời đi học không thực sự xuất sắc nhưng khi ra trường lại làm sếp, có địa vị, thu nhập đáng ghen tỵ, thành công vượt xa bạn bè học xuất sắc thời đi học.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng điểm số ở trường thực sự quan trọng và thường trách phạt nếu đứa trẻ được điểm kém, học sinh trung bình… Nhưng bạn đã từng nghe về việc những đứa trẻ học kém ở trường nhưng sau này lại ngồi vào được vị trí đáng mơ ước chưa?

Những học sinh, sinh viên học kém, cá biệt thường hiếm khi thấy mặt trên thư viện, ít đạt được thành tích nổi trội ở trường và thường có những kỹ năng chẳng chút hữu dụng với môi trường giáo dục tiêu chuẩn. Nhưng trên đường đời, họ lại là nhóm dễ thành công, sớm nổi tiếng, có địa vị và kiếm tiền nhiều hơn những sinh viên giỏi. Vì sao vậy?


Thời học trò chuyên học dốt chuyên đi "ké bài", lớn lên làm sếp

Học sinh giỏi luôn lo lắng về thành tích điểm số

Với nhiều học sinh giỏi, điểm số là biểu hiện của thành công. Họ cho rằng đạt điểm cao là một thành tựu. Tuy nhiên, điểm số chỉ thể hiện bạn có năng lực - thành công theo thước đo của trường học. Còn trường đời thì chưa chắc.

Bố mẹ luôn khuyến khích con cái mình hãy học thật giỏi để ra trường kiếm được công ăn, việc làm ổn định. Họ không nhận ra một sự thật hiển nhiên rằng: một tấm bằng giỏi không hề đảm bảo cho một sự nghiệp thành công hay một cuộc đời hạnh phúc. Có rất nhiều kỹ năng, yếu tố khác đưa đến thành công của một người, ngoài điểm số hay năng lực học tập.

Học sinh dở không quan tâm đến điểm số, cũng không quan tâm đến sự thừa nhận của người khác. Họ có những việc khác để làm ngoài bài tập về nhà. Nhóm học sinh học hành không xuất sắc có vẻ không thích cắm mặt vào sách vở và thường dành thời gian rảnh rỗi theo cách mình muốn như chơi thể thao, chơi nhạc, nhảy, chơi game…

Theo các nhà tâm lí học, các học sinh giỏi thường không có thời gian nghỉ ngơi vì luôn căng thẳng về mặt tâm lí. Vấn đề này kéo dài cả khi các em trưởng thành. Những học sinh giỏi năm xưa luôn cảm thấy lo lắng vì phải đáp ứng sự kì vọng của những người khác để đạt thành tích về điểm số


Học sinh giỏi thường bị áp lực về điểm số ở trường

Người học giỏi, dẫn đầu thành tích ở trường thường gặp khó khăn khi đối diện với thất bại. Mỗi sai lầm nhỏ nhất đều bị họ coi như vấn đề lớn. Nhưng học sinh kém thường quen với việc nhận điểm kém hay điểm tốt. Với họ, điểm kém (thất bại) không phải là tận thế. Do đó khi lớn lên, họ có khả năng giải quyết căng thẳng tốt hơn và lấy lại tinh thần sau khi mắc sai lầm. Đồng thời họ cũng sáng tạo hơn, thực tế hơn.

Và thực sự, điểm kém không có nghĩa là thiếu thông minh…

"Bất cứ ai cũng đều là thiên tài. Nhưng, nếu bạn đánh giá một con cá bằng việc bắt nó leo cây, nó sẽ sống cả đời với niềm tin mình là kẻ ngu xuẩn", Albert Einstein từng nói. Không ai nên bỏ học bởi rõ ràng các môn như ngôn ngữ, toán, âm nhạc và giáo dục thể chất rất hữu ích. Vấn đề là có rất nhiều điều khác cần thiết cho cuộc đời thật lại bị bỏ qua.

Có nhiều kiểu thông minh khác nhau và điểm số chỉ đo được rất ít trong số đó. Điểm trung bình của một học sinh không đánh giá được mức độ thông minh cảm xúc hay khả năng lãnh đạo, cũng như khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Nó cũng không đánh giá được khả năng đoán trước các nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu xã hội một người. Nó không phản ánh khả năng làm việc nhóm hay mức độ chịu áp lực, vượt qua xung đột. Tất cả những điều này cực kỳ quan trọng để một người đạt được thành công trong cuộc sống và hầu như không hề chấm điểm được.

Điểm số và các bài kiểm tra chỉ đánh giá được khả năng trả lời câu hỏi và ghi nhớ thông tin, không có gì khác.

Họ không làm mọi thứ một mình

Nhiều học sinh giỏi tuân thủ nguyên tắc: "Nếu bạn muốn hoàn thành việc gì thì hãy tự làm". Họ quen với việc tự làm mọi việc, tự lực tự cường, kiểm soát tất cả.

Trong khi đó, học sinh kém lại tận dụng người khác để có thứ mình muốn. Khi trưởng thành, người luôn tự cho bản thân mình là xuất sắc nhất, luôn chỉ hài lòng khi tự tay làm mọi việc sẽ khiến bản thân kiệt sức, trong khi người khác biết cách phân chia nhiệm vụ cho những người khác.

Những sinh viên học giỏi, luôn đạt điểm cao trong mỗi kì thi thường là những người giỏi, cái tôi cao, không dựa dẫm vào người khác. Ngược lại, sinh viên học kém luôn có những phương thức của riêng họ trong việc sử dụng kiến thức của người khác để vượt qua kì thi.

Có những người bị cộp mác "học sinh cá biệt", thường xuyên "ăn" điểm thấp trong trường học, khi ra đời lại thể hiện khả năng thích ứng, thích nghi với môi trường đáng kinh ngạc, vượt xa những người bạn chăm học, suốt ngày ngồi bàn đầu.

Không ngại chơi với nhiều đối tượng, có những mối quan hệ đa dạng

Chúng ta đều biết rằng mạng lưới quan hệ đem lại vô vàn lợi ích. Những sinh viên giỏi thường "kén bạn" và chỉ chơi với một nhóm nhất định "cùng đẳng cấp". Trái lại, nhóm học sinh, sinh viên trung bình lại thoải mái trong việc kết bạn với tất cả mọi người và cũng thường không để bản thân bị gò bó trong giảng đường.

Họ dành thời gian để thiết lập nên mạng lưới quan hệ rộng, và đôi khi họ tìm được những cơ hội học hỏi, làm giàu từ chính đó. Và có vẻ, cũng vì thế nên họ nhanh nhạy thông tin hơn những người bạn chỉ chăm chăm vào học.

Không nghĩ phức tạp, đề xuất những giải pháp đơn giản trúng mục tiêu

Sinh viên học kém không bao giờ phức tạp hóa vấn đề. Họ tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, trực diện và đơn giản cho mọi câu hỏi đặt ra. Còn sinh viên học giỏi vì trong đầu có cả kho "kinh thư" nên thường khá phức tạp khi nhìn nhận sự việc hoặc tìm lời giải cho vấn đề.

Ngay cả tỷ phú Bill Gates còn từng nhấn mạnh rằng, ông không bao giờ để ý đến điểm số khi thuê người làm việc cho mình mà đề cao khả năng "tìm ra những con đường dễ dàng nhất để thực hiện công việc".

Va chạm "trường đời" sớm, nhiều kỹ năng sống hơn hẳn người học giỏi

Thông thường một sinh viên năng lực học tập không nổi trội không phải bận tâm quá đến việc leo lên các nấc thang bằng cấp, học thuật như một lộ trình danh vọng định sẵn. Họ sớm tìm việc sau khi đã tốt nghiệp và có trải nghiệm thực tế trong thị trường lao động. Chính bởi họ đã bắt đầu làm việc từ rất sớm và tích góp được những kĩ năng nền tảng quan trọng là một kho báu vô giá, giúp ích rất nhiều cho việc gây dựng sự nghiệp riêng của họ sau này.

Tiếp xúc với môi trường làm việc sớm cũng giúp những người này nhận ra được điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình, từ đó nhanh chóng xác định được mục tiêu, công việc phù hợp với bản thân. Chính vì vậy, họ trở nên gai góc, bản lĩnh hơn trước những sóng gió của cuộc đời.

Thực tế không một ai có thể tận dụng được toàn bộ kiến thức ở trong trường, phần lớn kinh nghiệm chúng ta đến từ những trải nghiệm thực tế. Những người bạn đồng trang lứa chăm ngoan của họ nhận ra điều này muộn màng hơn nhiều.

Họ nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng người, từ đó tập hợp thành một tập thể đoàn kết, có khả năng bổ trợ cho những thiếu sót của nhau. Và sau cùng, sức mạnh tập thể luôn lớn hơn sức mạnh cá nhân. Một ví dụ điển hình là những người học kém nhưng có gan làm giàu, sau này thường "chơi lớn", thiếu tiền  thì mượn tiền đầu tư mở công ty riêng, thuê những giỏi về làm thuê cho mình và rồi phất lên...

Đôi điều tham khảo dành cho các bậc phụ huynh

Nhiều phụ huynh luôn hối thúc con học tập chăm chỉ hơn nữa, giỏi hơn nữa để sau này thành công. Nhưng thực tế, điểm số ở trường lớp không phải yếu tố ảnh hưởng quyết định đến thành công sau này.

Bạn có bao nhiêu người từng học không tốt ở trường, nhưng lại có sự nghiệp thành công, địa vị cao trong xã hội?

Điều này cũng đã từng được các nhà tâm lý học nghiên cứu và phân tích để lý giải: Tại sao nhiều người học tập ở trường không tốt nhưng lại có thể trở thành một người thành công trong tương lai?

Sự thật thì, có bao giờ bạn để ý thấy những người bạn trước kia vốn là học sinh cá biệt trong lớp giờ đây lại là ông chủ các công ty, một nhà sáng chế hoặc ít ra, kiếm tiền nhiều hơn bạn? Có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao họ không thể có điểm số 8,9,10 trong nhiều năm học nhưng vẫn là nhóm ứng viên được các công ty tìm kiếm nhiều nhất? 

Câu trả lời là: Những người ít khi mài đũng quần trong thư viện, ghét việc đọc đi đọc lại vài tờ tạp chí nghiên cứu hay xem các bài văn mẫu là những người luôn tìm được kỹ năng tốt nhất cho tương lai của họ: Kỹ năng sống.


Điểm số không phải là tất cả, không phải là chìa khóa dẫn đến thành công trên đường đời

Ở đại học, mục tiêu là điểm số; ở thế giới thực, tất cả quy về kinh nghiệm. Bằng cấp chỉ là tấm vé thông hành, quan trọng nhất vẫn là tư duy, năng lực thực tế của một người.

Nếu bạn đã có công việc đầu tiên trong đời, chẳng ai còn quan tâm đến việc bạn đạt được điểm trung bình thế nào trong toàn khóa học. Điều quan trọng trong thế giới thực là khả năng thích nghi, đổi mới và hòa hợp. Không bài kiểm tra luận, không có các buổi đánh giá thuyết trình nữa... Cuộc sống thực là việc bạn có thể thích nghi với thay đổi, thách thức các quy tắc và chấp nhận rủi ro ở mức nào.

Không ai thành công mà không học cả, chẳng qua là phương pháp học khác nhau. Họ không học ở nhà trường nhiều nhưng họ học ở "trường đời" và vẫn đủ kiến thức, đủ kỹ năng, đủ trải nghiệm và sự quyết đoán, liều lĩnh phục vụ mục tiêu đến cái đích họ muốn.

Thế mới có chuyện những người học giỏi trong trường học thường đi làm thuê cho những người giỏi trường đời. Đơn giản là trường đời không giống như trường học và cuộc sống không hẳn giống trong sách.

Theo Dân trí

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tại sao có người học kém ra đời lại kiếm tiền giỏi, lên sếp lớn?