Sáng 21-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Hồng Hương (Hải Dương) góp ý vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)
Ảnh: Đình Nam
Phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu vấn đề: Tại sao chỉ con em nông dân, gia đình khó khăn, thanh niên không có việc làm mới phải đi bộ đội, trong khi rất ít con em gia đình có điều kiện, đặc biệt là con em cán bộ tham gia nghĩa vụ quân sự ? Đại biểu Sơn cho biết thực trạng trên đây đã gây ra “bất bình đẳng, làm xã hội bức xúc, thậm chí bất bình”. Một trong những nghịch lý nữa là số công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự thì rất lớn, chỉ một số ít (6%) phải tham gia nghĩa vụ quân sự nhưng quân đội lại khó tuyển quân, khó tuyển thanh niên có trình độ. “Tôi cho rằng đó là do chế độ chính sách đã làm cho một nghĩa vụ rất vẻ vang của mọi người trở thành nghĩa vụ chỉ của một nhóm người ở vùng nông thôn, khó khăn”, đại biểu Sơn khẳng định.
Đó cũng là vấn đề được đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu khác nêu. Đại biểu Nguyệt đề nghị phải nêu rõ trong dự luật “nguyên tắc không phân biệt, đối xử trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với bất cứ công dân nào”. Các đại biểu đề nghị cần phải thay đổi chính sách tuyển quân. Những người thực hiện nghĩa vụ quân sự phải được đãi ngộ xứng đáng. “Chính sách học nghề phải thực chất, tránh tình trạng quân nhân xuất ngũ chỉ nhận một khoản tiền gọi là hỗ trợ học nghề nhưng rồi vẫn không có việc làm”, bà Nguyệt nói.
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng nêu quan điểm: “Tôi đề nghị với những người đã thực hiện nghĩa vụ quân sự thì phải có ưu đãi, đặc biệt là về công tác tại địa phương, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Có như vậy thì thanh niên mới hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
Đại biểu Lê Hiền Vân (Hà Nội) đồng tình với quan điểm trên: “Cần tăng phụ cấp cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian huấn luyện. Bởi bây giờ mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, sự vắng mặt của lao động chính cũng gây ra khó khăn cho gia đình. Vì vậy, chế độ đãi ngộ xứng đáng sẽ động viên thanh niên hăng hái thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
Chưa thống nhất nâng thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự Đa số đại biểu đồng tình quy định nâng thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 18 lên 24 tháng. Quy định này nhằm bảo đảm đủ thời gian huấn luyện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, giáo dục chính trị, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân, kỹ năng khai thác và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và giảm chi phí ngân sách, thời gian huấn luyện nâng cao chất lượng quân nhân dự bị.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại đề nghị nên giảm thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng. Đại biểu Tuyết nêu lý do: Báo cáo kết quả giám sát việc thực hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự và công dân phục vụ có thời hạn có nêu một bộ phận công dân đã có việc làm, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, là con em cán bộ công chức các gia đình, có điều kiện kinh tế thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ chưa nhiều, chỉ chiếm 4,94% và có xu hướng giảm. Con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm hơn 80% và có xu hướng tăng, tỷ lệ con em dân tộc còn thấp, khoảng 14%. Trong điều kiện số công dân nhập ngũ hằng năm chỉ chiếm 0,12% tổng dân số và 5,87% tổng số công dân trong độ tuổi từ 18 - 25. Nhưng có những địa phương cho phép điều chuyển từ nơi này sang nơi khác để bù vào và đạt chỉ tiêu được giao. Công dân có bằng đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ 0,64 % trong số thanh niên nhập ngũ hàng năm trong khi tổng số sinh viên trung bình trong các năm gần đây là 1,5 triệu người, chiếm 50% tổng số công dân trong độ tuổi từ 18 đến 25... Do vậy nên giảm thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng.
Đề nghị tăng quyền cho Thủ tướng Chính phủBuổi chiều, Quốc hội (QH) thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định để tăng thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, vừa qua, trong quản lý nhà nước, có một số vấn đề các bộ không phối hợp được với nhau, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới giải quyết công việc chậm và kém hiệu quả. “Ở đây, theo tôi, có vấn đề về trách nhiệm giải quyết của Chính phủ”, đại biểu An nói. Cũng theo đại biểu An, có một số trường hợp, có những vấn đề gay cấn, chồng chéo giữa các bộ thì Thủ tướng Chính phủ cần phải có ý kiến, để chịu trách nhiệm trước dân và Đảng.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) nói: “Cần có quy định bổ sung giúp Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo thống nhất, thông suốt, nhất là quyền quyết về nhân sự ở các cấp hành chính bên dưới”. Theo đại biểu Khánh, điều này sẽ giúp củng cố kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy hành chính. Đại biểu Khánh cũng lưu ý thêm, dự án luật cần có quy định phân định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Thủ tướng và Chính phủ. “Hiện chưa có quy định làm rõ quyền hạn của Chính phủ với Thủ tướng. Có phần chưa rõ quy định về trách nhiệm mà mới chỉ nêu được về nhiệm vụ, quyền hạn trong các quy định về mối quan hệ của Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ”, đại biểu Khánh dẫn chứng.
Đại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật quy định chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng “quá dài, quá chi tiết”, chưa kể, những chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ còn quy định rải rác trong các luật, từ luật chính quyền địa phương đến các luật chuyên ngành. “Ta cái gì khó cũng đẩy lên Thủ tướng. Nên cân đối, sắp xếp lại. Các nước họ quy định rất ngắn là Thủ tướng chỉ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan đứng đầu cơ quan hành chính Trung ương”, đại biểu Khánh nói.
TTXVN - TT - TN
Thứ bảy, ngày 22-11, QH nghiên cứu tài liệu. Chủ nhật 23-11, QH nghỉ. Ngày 24-11, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
|