Tư vấn

Tài sản chung nhưng chồng và nhân tình đem thế chấp, được không?

ST 08/04/2024 11:45

Tôi cùng chồng đứng tên mua một chiếc xe hơi. Hiện chúng tôi ly thân. Chồng tôi đem thế chấp xe này cho một công ty tài chính, người ký tên trong hợp đồng thế chấp là chồng tôi và một phụ nữ khác. Xin hỏi hợp đồng thế chấp như vậy có giá trị pháp lý không?

Tài sản chung nhưng chồng và nhân tình đem thế chấp, được không? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH
Tài sản chung nhưng chồng và nhân tình đem thế chấp, được không? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH

Trả lời:

1. Ly thân và tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:

Pháp luật Việt Nam không có quy định về việc ly thân. Tuy rằng vợ chồng không còn chung sống với nhau và tình cảm bị lục đục, sống ly thân, nhưng về mặt pháp luật thì vẫn được công nhận là vợ chồng.

Do đó, vợ chồng vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong đó có quyền và nghĩa vụ đối với tài sản.

Theo quy định tại khoản 1 điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 40 của luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

- Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Như bạn cho biết bạn cùng chồng đứng tên mua một chiếc xe hơi, chiếc xe này được mua trong thời kỳ hôn nhân, nếu không có chứng cứ chứng minh là tài sản riêng thì đây là tài sản chung của vợ chồng bạn trong thời kỳ hôn nhân.

Tài sản này thuộc sở hữu chung của vợ chồng bạn và được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

2. Thế chấp tài sản cho công ty tài chính:

Theo quy định tại khoản 1 điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

Như bạn cho biết thì chồng bạn và một người phụ nữ khác đã ký tên trên hợp đồng thế chấp nhưng không nói rõ vai trò chồng bạn trong hợp đồng này, nên sẽ có 2 trường hợp:

* Chồng bạn và người phụ nữ khác đứng ký tên thế chấp tài sản để vay tiền.

* Chồng bạn dùng tài sản thế chấp để bảo đảm khoản vay cho người phụ nữ kia.

Trong cả 2 trường hợp trên thì việc ký hợp đồng thế chấp phải do chủ sở hữu là bạn và chồng bạn ký tên trên hợp đồng thế chấp thì mới có giá trị pháp lý.

Nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thể ký thì có thể ủy quyền cho người khác. Do đó, hợp đồng thế chấp này vô hiệu theo quy định tại điều 122 và khoản 1 điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

ST
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài sản chung nhưng chồng và nhân tình đem thế chấp, được không?