Hữu Thỉnh và Anh Ngọc thuộc thế hệ nhà thơ cùng trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, từng cùng chung mái nhà số 4 “Phố nhà binh”.
Hữu Thỉnh và Anh Ngọc thuộc thế hệ nhà thơ cùng trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, từng cùng chung mái nhà số 4 “Phố nhà binh” (Tạp chí Văn nghệ quân đội ở số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội). Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, nhà thơ Hữu Thỉnh chuyển sang Hội Nhà văn Việt Nam, làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, còn nhà thơ Anh Ngọc tiếp tục bám trụ nhà số 4 cho đến ngày nghỉ hưu. Không còn cùng cơ quan nhưng hai nhà thơ vẫn khá thân nhau và thường chia sẻ với nhau những sáng tác mới.
Một lần gặp nhau ở nhà số 4, Anh Ngọc hào hứng đọc cho bạn nghe bài thơ “Tạ lỗi cùng mưa bụi” vừa mới viết:
Chưa kịp làm thơ về mưa bụi
Tiếng ve thoắt đã gọi sang hè
Loay hoay bút mực chưa xong nợ
Đã thấy thu về trong gió se
Vừa mới gặp em dừng trước cửa
Xiêm y lất phất mái hiên ngoài
Khói sương mấy độ mờ nhan sắc
Em khóc hay là mưa ướt vai?
Chao ôi mưa bụi, ơi mưa bụi
Chữ nghĩa vô duyên lỡ hẹn rồi
Ước gì trở lại xuân năm cũ
Để được “làm mưa tan giữa trời”
“Làm mưa tan giữa trời” là Anh Ngọc mượn một câu hát của Trịnh Công Sơn. Hữu Thỉnh im lặng lắng nghe bạn đọc thơ. Anh Ngọc ngừng lời đã lâu vẫn thấy bạn cúi đầu, lim dim chăm chú, mãi một lúc sau ngẩng lên giục: “Còn một khổ nữa, đọc nốt đi!”. Anh Ngọc nói: “Hết rồi! Đến đấy là kết được rồi!”. Hữu Thỉnh vẫn khăng khăng: “Đúng là đến đấy thì kết được rồi. Nhưng trước đó chắc chắn phải có một khổ nữa, bài thơ mới trọn vẹn!”. Bấy giờ Anh Ngọc mới thừa nhận: Đúng là bài thơ gồm 4 khổ. Nhưng khổ thứ ba có những ý tứ hơi… “bi quan, tiêu cực”, nên tác giả đã tự cắt đi. Khổ thơ thứ ba bị cắt ấy như sau: "Đào phai, mai nhạt, tàn sen cúc/Chẳng còn xuân hạ, hết thu đông/Tháng ngày như lá rơi về đất/Mưa nắng vần xoay trọn một vòng"…
Hữu Thỉnh nghe xong đập tay kêu: "Hay! Cả khổ thơ hay như vậy sao lại cắt? Ông gửi sang báo Văn Nghệ đi, tôi sẽ đăng nguyên cả 4 khổ".
Bài thơ sau đó đăng báo, được nhiều người khen hay. Khi biết được câu chuyện trên đây, ai cũng phục “cái tai nghe thơ” của nhà thơ Hữu Thỉnh!
NGUYỄN VIẾT(st)