Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động thương tâm liên quan đến sử dụng điện trong sản xuất.
Tại Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương đã xảy ra tai nạn chết người do điện giật vào cuối tháng 6.2019
Mất mạng
Từ tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh ít nhất đã xảy ra 5 vụ tai nạn chết người liên quan đến sử dụng điện trong sản xuất, kinh doanh. Đây là con số đáng báo động vì chiếm tỷ lệ không nhỏ so với các nguyên nhân gây tai nạn lao động chết người khác.
Chiều 27.6.2019, nỗi đau ập đến với gia đình ông Phan Văn H. ở đường Nguyễn Du (TP Hải Dương). Ông H. đã thiệt mạng trong lúc làm việc ở Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương. Khi ông H. bơm nước vệ sinh sàn nhà sản xuất đã bị điện giật. Dù đã được đồng nghiệp phát hiện, đưa đi cấp cứu nhưng ông H. vẫn không qua khỏi.
Tương tự, vào tháng 9 năm nay, tại Trạm Nghiên cứu gia cầm Cẩm Bình, xã Tân Trường (Cẩm Giàng), trong lúc làm việc, anh Vũ Duy H. quê ở xã Tân Hồng (Bình Giang) vô tình chạm phải chiếc quạt công nghiệp bị rò rỉ điện dẫn tới tử vong.
Cũng trong tháng 9, người dân xã Tân Hương (Ninh Giang) bàng hoàng nghe tin bà Trịnh Thị S. (63 tuổi) bị điện giật chết. Được biết bà S. cùng chồng mang một chiếc máy bơm mini ra khu vườn rau tưới nước. Sau đó, chồng bà S. về trước.
Khi quay lại, chồng bà S. phát hiện vợ nằm bất tỉnh, người tím tái ngay cạnh máy bơm nước. Theo nhận định của chính quyền địa phương, có thể khi tưới rau xong, bà S. đã dùng tay đang ướt tháo máy nên bị điện giật.
Ngoài các trường hợp kể trên còn có vụ anh Nguyễn Văn Q. ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) tử vong khi sử dụng máy bơm nước trong một doanh nghiệp tư nhân ở huyện Thanh Miện. Hay ông Nguyễn Văn Đ., cán bộ Nhà Thiếu nhi TP Chí Linh khi kiểm tra vụ cháy do chập điện ở trần hội trường đã bị ngã dẫn đến tử vong.
Sử dụng thiết bị điện đúng cách
Nguyên nhân của các vụ tai nạn điện do người lao động thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng và chủ quan trong sử dụng các thiết bị có sử dụng điện khi làm việc. Ngoài ra, chủ sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo đảm an toàn điện.
Để hạn chế các vụ điện giật, trách nhiệm không chỉ từ phía người lao động. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, cán bộ phụ trách công tác phòng cháy chữa cháy Công ty TNHH May Formostar Việt Nam (TP Hải Dương), bộ phận phụ trách an toàn trong doanh nghiệp phải thực sự trách nhiệm với công việc.
Hằng ngày, những người phụ trách việc này cần kiểm tra nghiêm ngặt các thiết bị trước khi giao cho người lao động tham gia sản xuất.
Nếu nhận thấy có bất kỳ chi tiết nào có thể gây ra nguy cơ tai nạn phải kịp thời báo cáo người sử dụng lao động sửa chữa, thay thế để bảo đảm an toàn. Người sử dụng lao động không vì lý do kinh tế mà chậm sửa chữa, thay thế, gây mất an toàn cho người lao động; thường xuyên hướng dẫn để người lao động biết cách kiểm tra an toàn và khắc phục khi sự cố xảy ra.
Để hạn chế tai nạn liên quan đến sử dụng điện, thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã thường xuyên tuyên truyền đến người dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tờ rơi...
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chánh Văn phòng công ty khuyến cáo người dân, đơn vị sản xuất phải sử dụng dây dẫn có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và lựa chọn tiết diện dây dẫn phù hợp với công suất, nhu cầu sử dụng. Đây được coi là nguyên tắc quan trọng trong sử dụng điện. Khi lắp đặt các dụng cụ, máy móc sử dụng điện phải thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Lưu ý phải nối đất an toàn tất cả các thiết bị sử dụng điện. Cần ngắt ngay nguồn điện khi mạng điện có nguy cơ bị ngập nước. Không chạm tay vào các thiết bị điện lúc tay ướt và đi chân trần trên nền nhà.
Luôn dùng bút thử điện khi đã ngắt mạch điện ra khỏi nguồn điện. Khi cấp cứu người bị tai nạn điện hạ áp, phải nhanh chóng ngắt cầu dao, cầu chì, aptomat; dùng sào, que tre, gỗ khô gạt dây điện ra khỏi người nạn nhân hoặc đứng trên bàn bằng gỗ dùng tay túm quần áo khô để kéo nạn nhân ra khỏi nguồn điện...
NGỌC THANH