Người nhắc nhở: “Những hồ sơ hoặc công văn không cần dùng sau này sẽ phải gửi về những sở lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia giáo dục để tàng trữ”.
Ngày 3-1-1946, Bác Hồ đã gửi thông đạt yêu cầu Bộ trưởng các bộ chỉ thị cho nhân viên các sở phải giữ gìn tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được huỷ những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên cho phép. Người nhắc nhở: “Những hồ sơ hoặc công văn không cần dùng sau này sẽ phải gửi về những sở lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia giáo dục để tàng trữ”.
Thông đạt của Bác gửi tới các bộ trưởng liên quan đến quy trình bảo quản tài liệu lưu trữ. Đây là một văn kiện lịch sử của ngành lưu trữ nước ta, nó cho thấy tầm nhìn xa của người đứng đầu một quốc gia non trẻ chưa có kinh nghiệm hành chính. Bản thông đạt viết: “Xét rằng một vài công sở đã tự tiện hủy bỏ hay bán các công văn và hồ sơ cũ. Hành động ấy có tính cách phá hoại, vì sự làm mất những tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”. “Những viên chức không tuân lệnh này sẽ bị nghiêm trị”.
Với thông đạt này, Bác Hồ cũng là người đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của ngành lưu trữ cách mạng Việt Nam. Sau này, ngày 3-1 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành lưu trữ Việt Nam.
Hiện nay, tài liệu lưu trữ được coi là di sản, là tài nguyên thông tin quá khứ vô cùng phong phú của dân tộc. Đến nay, mạng lưới các kho lưu trữ chuyên dụng được hình thành từ Trung ương đến các tỉnh, nhằm duy trì các hoạt động bảo vệ, bảo quản an toàn hàng trăm nghìn tài liệu có giá trị lịch sử. Công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ đã đóng góp đáng kể vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Ngày nay, để đáp ứng yêu cầu về công tác lưu trữ, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần đầu tư kinh phí để xây dựng kho tàng, lắp đặt trang thiết bị, chỉnh lý sắp xếp, lập công cụ tra cứu, trưng bày, công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác lưu trữ cần rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp, tìm tòi nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong công tác chuyên môn để tài liệu lưu trữ phát huy được "giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia" như lời Bác Hồ đã yêu cầu cách đây 67 năm.
Với những người làm công tác lưu trữ, thư viện, những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận văn hoá, những lời căn dặn của Bác Hồ sẽ mãi là những nguồn động viên, khích lệ để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay, hãy để những tài liệu, lưu trữ bước ra và đi vào cuộc sống thường ngày, đó là món quà tri ân, là trách nhiệm của thế hệ những người làm công tác lưu trữ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.
PHƯƠNG DUNG(biên soạn)