Tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường

12/05/2018 06:01

Nhiều cơ sở tái chế nhựa phế thải (TCNPT) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới đời sống và sản xuất của người dân.


Chất thải rắn của cơ sở tái chế nhựa phế thải ở thị trấn Phú Thái không được thu gom, xử lý

Phớt lờ quy định

Nhiều năm nay, người dân khu phố Hồng Hà, thị trấn Phú Thái (Kim Thành) thường xuyên bị tra tấn bởi mùi khó chịu, nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở TCNPT trên địa bàn.

Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, gia đình ông Lưu Văn Tuyên thuê lại 2 nhà xưởng tổng diện tích khoảng 1.200 m2 của Công ty TNHH Phú Minh để TCNPT. Cơ sở có 2 dây chuyền hoạt động tái chế nhựa với các công đoạn giặt, băm, rửa, tạo hạt. Mặc dù có đề án bảo vệ môi trường (BVMT) nhưng nước thải chỉ được xử lý qua bể lắng trước khi xả ra môi trường.

Cơ sở chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định, chưa phân tách hệ thống thu thoát nước thải với hệ thống thoát nước mặt. Khí thải phát sinh từ công đoạn đốt lưới chưa được xử lý trước khi xả ra môi trường. Chất thải rắn phát sinh chưa được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý. Bùn từ các bể lắng được đổ tại khu đất trống gần mương thoát nước của khu dân cư. Đặc biệt, cơ sở không thực hiện quan trắc, giám sát môi trường, không nộp phí BVMT với nước thải, không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, không báo cáo định kỳ quản lý chất thải nguy hại.

Cũng đã nhiều năm nay, người dân xã Tân Hồng và một số địa phương của huyện Bình Giang thường xuyên chịu khổ vì hoạt động của nhiều cơ sở TCNPT nằm trong cụm công nghiệp Tân Hồng. Đó là các công ty: TNHH Lục Nam, CP Tiến Long, CP Xuất nhập khẩu và Thương mại Quang Anh, TNHH một thành viên Thương mại Quốc Pháp và cơ sở của hộ ông Nguyễn Văn Tuấn. Những doanh nghiệp, cơ sở này thuê đất hoặc thuê lại nhà xưởng trong cụm công nghiệp Tân Hồng để hoạt động TCNPT. Trong một thời gian dài, người dân thường xuyên phát hiện các doanh nghiệp, cơ sở trên xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn như Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) nhiều lần kiểm tra, xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu khắc phục tồn tại trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở đều phớt lờ những yêu cầu của các cơ quan chuyên môn. Gần đây nhất, cuối tháng 4.2018, Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường) có văn bản gửi các công ty, cơ sở trên yêu cầu khắc phục những hạn chế trong công tác BVMT như chưa báo cáo kế hoạch vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải, xả nước thải chưa qua xử lý ra mương thoát nước chung của cụm công nghiệp, chưa báo cáo kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường… Theo phản ánh của người dân, tình trạng xả khí thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường ở các doanh nghiệp, cơ sở TCNPT này chưa được khắc phục.

Mức phạt quá thấp

Ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các cơ sở TCNPT là rất rõ ràng. Nhưng nhiều năm qua, những cơ sở này vẫn tồn tại. Chủ các cơ sở TCNPT cố tình hoạt động khi chưa có đầy đủ các thủ tục BVMT theo quy định. Theo lãnh đạo một Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, mức xử phạt quá thấp, chưa đủ sức răn đe là nguyên nhân chính của tình trạng này.

Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục BVMT cho biết không thể thống kê hết các cơ sở TCNPT trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơ sở hoạt động trái phép dưới hình thức thuê lại đất, nhà xưởng của các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Khi có ý kiến của người dân, chính quyền địa phương mới phát hiện ra. Nhiều cơ sở bị địa phương này cấm lại mang máy móc, thiết bị đến nơi khác để hoạt động. Vì vậy, việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chuyên môn gặp nhiều khó khăn.

Phần lớn nguyên liệu của các cơ sở TCNPT đều nhập khẩu hoặc đưa từ địa phương khác đến. Tất cả các công đoạn gây ô nhiễm môi trường như giặt, băm, rửa, tạo hạt đều thực hiện trên địa bàn Hải Dương. Hiệu quả kinh tế, đóng góp cho địa phương không nhiều, trong khi hậu quả về môi trường lại rất lớn.

Theo ông Hiền, hoạt động của các cơ sở TCNPT đã bị hạn chế ở nhiều địa phương trong cả nước. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn siết chặt việc cấp phép hoạt động cho các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trong đó có TCNPT. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cho thuê lại nhà xưởng để tái chế nhựa phế liệu. Thu hồi giấy phép đầu tư, đưa doanh nghiệp khỏi địa bàn nếu không chấp hành nghiêm các quy định BVMT.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường