Tác nghiệp thời Facebook, Zalo

21/06/2017 13:02

Trong thời đại công nghệ thông tin, các mạng xã hội Facebook và Zalo đã trở thành kênh khai thác thông tin, công cụ hỗ trợ tác nghiệp hiệu quả cho các nhà báo.



Nhờ thông tin ban đầu trên Facebook, phóng viên Đức Tâm (Báo Hải Dương) đã thực hiện được
bài ghi chép "Theo chân một chuyến hàng biên". Ảnh: Đức Tâm

Thêm "tai mắt"

Facebook và Zalo hiện đang là công cụ kết nối phổ rộng, chia sẻ thông tin nhanh nhạy trong cộng đồng. Chính tính năng ưu việt này đã giúp ích rất nhiều cho các phóng viên Báo Hải Dương trong quá trình tác nghiệp.

Anh Đức Tâm, phóng viên Phòng Văn hóa - Xã hội là cây bút có nhiều bài phóng sự, ghi chép. Anh Tâm “bật mí”, việc duy trì thói quen lướt Facebook và truy cập Zalo đã giúp anh có được nhiều thông tin về các góc khuất của đời sống xã hội, từ đó hình thành ý tưởng và cho ra đời các phóng sự hấp dẫn bạn đọc như “Phận bướm đêm”, “Thế giới ngầm của cái bang”, “Đèn mờ đom đóm giăng đêm”, “Vỡ mộng vì đa cấp”, “Khốn khổ vì Vietlott”… “Facebook và Zalo giúp tôi có thêm "tai, mắt"để thâu tóm, tìm hiểu thông tin. Có khoảng 40% đề tài phóng sự, bài phản ánh và tin tức của tôi được khởi nguồn từ những thông tin trên các mạng xã hội này”, anh Tâm nói.

Trước đây, thường xảy ra việc phóng viên bỏ sót sự kiện tại địa phương, đơn vị mình được phân công theo dõi. Kể từ khi Facebook và Zalo ra đời, việc sót lọt thông tin đã giảm đáng kể. Bằng cách “kết bạn” với những người đang công tác ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo dõi, phóng viên dễ dàng nắm được nhiều thông tin về những sự kiện liên quan dựa theo các bức ảnh hoặc dòng trạng thái mà họ đăng trên Facebook, Zalo. Cái hay của 2 ứng dụng này là có thể gọi điện và nhắn tin miễn phí. Khi phóng viên cần thêm thông tin chỉ cần gọi điện, nhắn tin trò chuyện hoặc bình luận ngay trên Facebook, Zalo của người đăng để hỏi trực tiếp. Phóng viên cũng có thể nhờ người khác gửi ảnh minh họa hoặc văn bản cho mình qua Facebook và Zalo. “Một lần, tôi đi hỏi một số cơ quan chức năng của tỉnh để tìm hiểu thông tin về giá vải quả Thanh Hà bên thị trường Úc nhưng không ai nắm được. Còn loay hoay chưa biết làm thế nào thì một người bạn đang làm Tham tán Thương mại Việt Nam tại Úc đã đăng tải thông tin tôi cần trên Facebook. Vậy là chỉ thêm vài câu bình luận trên Facebook tôi đã có được thông tin mình cần”, chị Lan Anh, phóng viên Phòng Kinh tế (Báo Hải Dương) nói.

Việc chủ động tham gia làm thành viên của các nhóm, hội trên Facebook, Zalo giúp phóng viên có góc nhìn đa chiều về các mảng của đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm báo chí đã ra đời từ việc khai thác thông tin của các nhóm, hội này. Facebook, Zalo trở thành kênh thông tin tiềm năng của không ít phóng viên, giúp họ giải quyết được khó khăn trong khâu xây dựng đề tài tuyên truyền, nhất là cho những số báo đặc biệt. Cuối năm 2016, trong lúc đang loay hoay chưa biết viết bài gì cho số báo Tết Đinh Dậu 2017, nhà báo Trung Thu,  Phó Trưởng Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính (Báo Hải Dương) đã nảy ra ý tưởng tìm đề tài trên Facebook. Vào nhóm “Thiện nguyện Thành Đông” của người Hải Dương ở Cộng hòa Séc và chat với các thành viên, chị đã có những thông tin rất hay để cho ra đời tác phẩm “Thơm thảo tấm lòng người Hải Dương xa quê”.

Hiểu được lợi ích của Facebook, Zalo mang lại, không ít cơ quan báo chí đã khuyến khích phóng viên chủ động tham gia để nắm bắt thông tin phục vụ công việc. Báo Hải Dương đã có lần mời hẳn nhà báo có uy tín ở Trung ương về tập huấn nghiệp vụ “Làm báo thời Facebook” cho cán bộ, phóng viên.

Cần cẩn trọng


Những lợi ích mà Facebook và Zalo mang lại cho phóng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cái gì cũng có  hai mặt của nó. Không ít người đã sử dụng các mạng xã hội trên, đặc biệt là Facebook để đăng tải những thông tin lừa bịp, lệch lạc hoặc không đúng sự thật nhằm mục đích “câu like” hoặc gây sự chú ý để bán hàng quần áo, giầy dép, túi xách, điện thoại... Đọc một số tin đăng trên các báo điện tử Dân Trí, Thanh Niên, Tiền Phong mới thấy có rất nhiều chủ tài khoản Facebook ở Đà Nẵng, Hà Nội, Biên Hòa… đã bị công an triệu hồi xử lý sau khi đăng tải thông tin bịa đặt về các vụ bắt cóc trẻ em, khủng bố. Với những thông tin như thế này, nếu phóng viên không tìm hiểu, xác minh mà cứ chủ quan lấy thông tin trên Facebook đăng để viết tin, bài thì sẽ rất nguy hiểm, dễ bị sai sự thật. Phóng viên Lan Anh chia sẻ: “Một lần đọc trên Facebook thấy có thông tin ở chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) xảy ra cháy lớn, tôi vội vàng ra đó để nắm tình hình nhưng đến nơi thì chả thấy vụ cháy nào. Đó chỉ là thông tin bịa đặt nhằm gây sự chú ý của mọi người”.

Báo chí đang phát triển theo xu hướng truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng nên yêu cầu về thông tin nhanh nhạy, hấp dẫn, kịp thời, chính xác càng được chú trọng. Sự cạnh tranh thông tin giữa phóng viên các cơ quan báo chí cũng vì thế sẽ trở nên rõ ràng hơn. Để đáp ứng được nhu cầu của báo chí thời truyền thông đa phương tiện, Facebook, Zalo được coi là công cụ hữu ích để phóng viên nắm bắt thông tin. Song mỗi phóng viên cần cảnh giác, thận trọng với những thông tin trên Facebook và Zalo. Khi khai thác thông tin trên mạng xã hội, một nguyên tắc tối thượng mà phóng viên cần nhớ là chỉ coi đó là nguồn tin ban đầu, phải thẩm tra, xác minh nguồn tin.

TIẾN MẠNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác nghiệp thời Facebook, Zalo