Tác nghiệp ở tâm dịch

30/11/2021 06:30

Tác nghiệp ở nơi tuyến đầu chống dịch giúp chúng tôi thêm hiểu biết, tích lũy thêm kỹ năng chuyên môn và có những kỷ niệm đặc biệt, khó quên.


Phóng viên Báo Hải Dương tác nghiệp tại điểm cách ly tập trung Trường Mầm non Thanh Bình (TP Hải Dương)

8 ngày ở Tiêu Sơn

“A lô. Tiến Mạnh dậy chưa. Anh trao đổi với em một việc quan trọng. Tỉnh ta đã xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Đêm qua hai phóng viên của Phòng Kinh tế là Đỗ Quyết và Hà Kiên đã xuống trước để đưa tin về các hoạt động ban đầu. Do tính chất công việc đột xuất lại đòi hỏi phải thông tin nhanh, đa dạng, kịp thời nên anh đã tham mưu với Ban Biên tập cử em xuống phối hợp với Quyết và Kiên để nằm vùng dưới đó. Em lên đường càng sớm càng tốt nhé”. Đây là nội dung cuộc điện thoại mà nhà báo Trọng Tuân (lúc ấy là Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội) gọi cho tôi lúc hơn 5 giờ sáng 19.3.2020 - thời điểm chỉ vài tiếng sau khi Bộ Y tế công bố ca bệnh Covid-19 số 73 của Việt Nam. Bệnh nhân là một cháu bé từ Anh về thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện).

Nghe xong cuộc điện thoại, tôi ngẩn người mất mấy phút. Không phải vì tôi ngái ngủ mà vì có đôi chút  lo lắng khi nghe quê mình đã có ca mắc Covid-19 đầu tiên. Hôm ấy trời mưa tầm tã, tôi gọi một chiếc xe taxi về Thanh Miện. Trong tâm trạng rối bời, lo vì không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu. Suốt chặng đường đến tâm dịch Tiêu Sơn, tôi liên tục trao đổi công việc với trưởng phòng qua điện thoại để nắm định hướng chỉ đạo tuyên truyền của Ban Biên tập, liên lạc với hai đồng nghiệp đã đến trước để thống nhất một số nội dung.

Nhóm phóng viên chúng tôi gặp nhau vỏn vẹn 5phút trao đổi nhanh công việc. Tôi làm đầu mối tổng hợp, chuyển tin, bài, video, ảnh về tòa soạn. “Đội đặc nhiệm diệt Covid” là tên nhóm Zalo chúng tôi lập để tiện trao đổi thông tin. Phóng viên Đỗ Quyết cùng tôi về tâm dịch Tiêu Sơn, còn phóng viên Hà Kiên ở lại để tham dự cuộc họp của huyện, phản ánh hoạt động tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, khu cách ly…

Trời Tiêu Sơn hôm ấy âm u, mưa ướt nhẹp, mọi nẻo đường vắng tanh, chỉ có hơn chục đồng chí trực tại chốt kiểm soát dịch và các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đang phun khử khuẩn khắp đường làng, ngõ xóm. Đỗ Quyết nhanh nhẹn đi xin được 2 bộ đồ bảo hộ và chúng tôi bắt đầu phản ánh các hoạt động chống dịch tại đây. Ban đầu có đôi chút bỡ ngỡ nhưng rồi công việc cứ vậy thuận lợi. Mọi thông tin, hình ảnh, video được tôi tổng hợp, gửi về tòa soạn.

Hơn 1 giờ chiều hôm ấy, cả ba anh em mới được nghỉ ngơi, ăn trưa. Hà Kiên vì lý do đặc biệt mà phải về gấp, chỉ còn lại tôi và Đỗ Quyết ở lại. Trưởng phòng gọi điện hỏi han và nhắc: “Hai người vào tâm dịch phải hết sức cẩn thận. Để bảo đảm an toàn, lãnh đạo cơ quan yêu cầu các chú ở dưới đó đến khi tình hình dịch được kiểm soát, không về cơ quan hay về nhà, cần gì thì anh em sẽ chuyển xuống”. Chúng tôi được huyện bố trí chỗ ở nhưng dụng cụ tác nghiệp thì chẳng có gì ngoài hai chiếc điện thoại thông minh và hai cục pin dự phòng. Hàng quán ở thị trấn Thanh Miện gần như đóng cửa, chỉ còn một vài quán hàng hoạt động. Cả 8 ngày ở đây, sáng nào chúng tôi cũng ăn bún lòng - quán ăn duy nhất còn mở ở thị trấn. Trời mưa khiến quần áo giặt không thể khô, tối đến anh em lấy máy sấy tóc ngồi cả tiếng hong khô quần áo. Công việc bận rộn nên chúng tôi ít khi được ăn đúng giờ, có hôm 3 giờ chiều mới được ăn bữa trưa… Vất vả, thiếu thốn là vậy nhưng 8 ngày ở tâm dịch Tiêu Sơn, “Đội đặc nhiệm diệt Covid” chúng tôi sản xuất được gần 90 tin, bài, kịp thời thông tin những vấn đề bạn đọc quan tâm.

Độc lập "tác chiến"

Kể từ ca bệnh ở Tiêu Sơn đã gần 2 năm, đến nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp tại Hải Dương. Yêu cầu tuyên truyền về dịch ngày càng cao, vì thế phóng viên Báo Hải Dương cũng vất vả hơn. Cũng như các lực lượng chức năng khác, kể cả đêm hôm hay mưa gió, phóng viên Báo Hải Dương luôn có mặt tại những “điểm nóng” để thông tin về công tác phòng chống dịch, định hướng dư luận…

Cuối tháng 1.2021, đợt dịch thứ ba bùng phát tại TP Chí Linh, sau đó lan rộng ra nhiều huyện với hàng chục ca mắc mỗi ngày. Do lực lượng mỏng nên các phóng viên phải chia ra để độc lập "tác chiến". 

Tôi được cử vào tâm dịch Chí Linh. Với kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, sau gần 60 ngày kiên trì bám trụ địa bàn, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Phóng viên Thành Chung nhiều lần một mình vác theo máy quay, máy ảnh, dụng cụ tác nghiệp nặng gần bằng trọng lượng cơ thể của anh vào các khu cách ly, khu phong tỏa để đưa những thước phim, hình ảnh sống động, chân thực nhất đến với bạn đọc. Các phóng viên Thế Anh, Danh Trung nhiều ngày “ăn dầm nằm dề” tại các huyện Nam Sách, Gia Lộc, cơm ăn không đúng bữa, làm việc đến tận khuya… Không chỉ phóng viên nam mà các phóng viên nữ của Báo Hải Dương cũng hăng hái đi vào tâm dịch. Phóng viên Ngọc Thủy bám sát địa bàn Kinh Môn kể cả cuối tuần hay tối muộn để kịp thời có tin, bài chuyển tải đến công chúng…

Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa có hồi kết. Với kinh nghiệm, bản lĩnh, trách nhiệm của mình, các phóng viên Báo Hải Dương đã, đang và sẽ không ngại khó khăn để xông pha nơi tuyến đầu chống dịch.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác nghiệp ở tâm dịch