Muối chua là một trong những cách chế biến thực phẩm truyền thống của nhiều nước. trong đó có Việt Nam, vậy tác dụng của thực phẩm muối chua với sức khoẻ là gì?
Muối chua (ngâm chua) là phương pháp bảo quản thực phẩm trong môi trường axit. Muối chua là quy trình bảo quản thực phẩm bằng cách lên men yếm khí trong nước muối hoặc trong dấm. Thực phẩm được muối chua cũng rất phong phú, thường là rau, hoa quả, thịt, cá, trứng…
Theo bác sĩ CKI Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh muối chua là một trong những cách chế biến thực phẩm truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thực phẩm muối chua thích kích thích vị giác, tốt cho tiêu hoá, chống ngán nên được nhiều người Việt thích ăn.
Trong thực phẩm muối chua còn chứa nhiều vi khuẩn có lợi, được gọi là probiotics, quan trọng với sức khỏe đường ruột. Vì thế ăn thực phẩm muối chua giúp tăng cường sức khoẻ cho đường ruột, tăng cường miễn dịch, bổ sung các chất chống oxy hoá.
Dù thực phẩm muối chua nhiều lợi ích cho sức khoẻ nhưng chuyên gia khuyên nên ăn với lượng vừa phải, không ăn quá nhiều. Thực phẩm muối chua thường có độ mặn cao, không tốt cho sức khoẻ tim mạch, huyết áp, thận.
Chế biến thực phẩm để muối chua mà không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ rất dễ nhiễm phải các vi khuẩn gây độc, trong đó phải kể đến là độc tốt botulinum. Muối chua chưa đủ độ mặn, độ chua cũng là nguyên nhân vi khuẩn phát triển.
"Để đảm bảo an toàn khi muối chua, chúng ta cần che đậy kín thực phẩm, đảm bảo đủ độ chua, mặn vừa đủ. Nên muối chua thực phẩm trong hủ thủy tinh để hạn chế chất độc từ các loại hủ nhựa không đảm bảo chất lượng”, bác sĩ Mai nói.
Theo chuyên gia, để phòng tránh độc tố botulinum trong thực phẩm muối chua, các gia đình cần muối đúng cách, đảm bảo an toàn. Cụ thể phải đủ độ mặn (lượng muối 20% của tổng lượng nước) hoặc kết hợp chua/mặn (lượng muối 5% của tổng lượng nước và pH < 5). Đặc biệt, chúng ta cần lưu ý nguyên liệu muối chua phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tươi, ngon. Chỉ ăn thực phẩm khi đủ độ chua để đảm bảo an toàn.
Đối với thực phẩm đóng hộp, giảm nguy cơ ngộ độc botulinum bằng cách đun nóng thực phẩm ở nhiệt độ hơn 85 độ C trong hơn 5 phút. Độc tố sẽ bị phá huỷ bởi nhiệt độ. Đối với trường hợp ngộ độc botulinum ở trẻ do ăn mật ong có thể được ngăn ngừa bằng cách không cho trẻ nhũ nhi ăn mật ong.
Theo VTC