Sự phát triển mạnh mẽ của xã hội khiến con người phải đối mặt với nhiều vấn đề khó giải quyết trong cuộc sống, dẫn đến lo âu, mất ngủ, buồn chán...
Lượng bệnh nhân mắc chứng bệnh tâm căn suy nhược phải đến khám và điều trị
tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương ngày càng tăng
Ðây là những triệu chứng của bệnh tâm căn suy nhược (suy nhược thần kinh) xuất hiện ngày càng nhiều ở các đối tượng khác nhau.
Xuất hiện ngày càng nhiềuĐể tìm hiểu về căn bệnh này, chúng tôi tới Bệnh viện Tâm thần Hải Dương. Ngoài hành lang phòng khám của bệnh viện có nhiều người ngồi đợi. Bệnh nhân ở đây rất ít nói chuyện. Nhiều người còn đeo khẩu trang, đội mũ vì sợ ánh mắt soi mói của người khác. Đôi mắt sâu hoắm, thâm quầng sau nhiều đêm mất ngủ, chị Hoàng Thị H. ở xã Lê Lợi (Gia Lộc) ngồi thu mình một góc. Sau một hồi chúng tôi cố gắng chuyện trò, chị H. mới tiết lộ chút thông tin về mình. Chị vốn là công nhân may ở TP Hải Dương nhiều năm nay. Hằng ngày tiếp xúc với máy móc, tiếng ồn công nghiệp nên chị liên tục đau đầu và mất ngủ. Gần đây chồng chị thường xuyên vắng nhà, bỏ bê việc chăm sóc con cái. Áp lực công việc, gia đình, cộng với việc phải lo gồng gánh kinh tế nuôi hai con nhỏ làm chị H. mất ngủ triền miên, bỏ ăn, hay cáu gắt, tâm trạng bất an. Quá mệt mỏi, chị H. đến Bệnh viện Tâm thần Hải Dương khám. Sau khi khám, chị được kết luận mắc bệnh tâm căn suy nhược.
Cũng như chị H., anh Vũ Văn Th. ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) được người nhà đưa vào khám với khuôn mặt đờ đẫn, mệt mỏi. Người nhà anh Th. cho biết vợ chồng anh có 2 cô con gái, cháu lớn đang học tại Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, cháu thứ hai học THCS. Ngoài mấy sào ruộng, hai vợ chồng không có nghề phụ nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm 2016, với mong muốn có thêm thu nhập, anh Th. đã vay mượn để mua một chiếc xe tải cũ về chở vật liệu xây dựng thuê. Làm chưa được lâu thì xe liên tục bị hỏng, ít người thuê mướn. Không trả được nợ, anh hoảng loạn tinh thần, mất ngủ, mấy lần định tự sát. Khi gia đình đưa tới bệnh viện anh Th. một mực không vào khám vì nghĩ mình không bị thần kinh. Các bác sĩ ở đây phải tư vấn, động viên mãi anh mới chịu hợp tác.
Không riêng gì chị H. hay anh Th., nhiều bệnh nhân khi đi khám đều cho rằng mình không bị tâm thần nên rất e ngại khi phải tới bệnh viện này. “Nghe bệnh liên quan đến tâm thần ai cũng mặc cảm. Chúng tôi phải giải thích cặn kẽ, tư vấn thêm nhiều người bệnh mới hiểu đúng về bệnh của mình và hợp tác điều trị”, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc ở Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần Hải Dương cho biết.
"Nghe bệnh liên quan đến tâm thần ai cũng mặc cảm. Chúng tôi phải giải thích cặn kẽ, tư vấn thêm nhiều người bệnh mới hiểu đúng về bệnh của mình."
|
|
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Việt Hòa, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, bệnh tâm căn suy nhược xuất hiện ngày càng nhiều. Cả năm 2016, bệnh viện tiếp nhận 1.398 bệnh nhân mắc bệnh vào điều trị nội trú. Nhưng riêng 3 tháng đầu năm 2017 đã có tới gần 800 người vào điều trị nội trú, chưa kể tới hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh thể nhẹ, điều trị ngoại trú. Cũng theo bác sĩ Hòa, nguyên nhân dẫn tới chứng bệnh này là do con người phải đối mặt với nhiều vấn đề khó giải quyết trong cuộc sống như thất bại trong công việc và đời sống, mâu thuẫn và bất hòa với tập thể, bị nghi ngờ oan uổng, mâu thuẫn trong đời sống cá nhân và gia đình, con cái hư hỏng, mất người thân... dẫn đến suy nghĩ, lo âu, mất ngủ, buồn chán, sinh ra suy nhược thần kinh. Bệnh thường xuất hiện từ từ sau một thời gian sang chấn tâm lý. Biểu hiện bệnh sẽ rõ hơn khi gặp thêm một nhân tố thúc đẩy như lao động trí óc quá mức, quá mệt mỏi, cuộc sống quá căng thẳng, nơi sống và nơi làm việc có nhiều tiếng ồn, thiếu ngủ lâu ngày...
Cần điều trị kịp thờiCuối năm 2016, sau khi sinh con đầu lòng, chị Nguyễn Thị Phương H. ở phố Tuệ Tĩnh, nhân viên một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Hải Dương trở lại làm việc. Ngay sau khi đi làm chị được điều chuyển từ bộ phận dịch vụ sang tín dụng. Áp lực công việc với những chỉ tiêu tín dụng quá cao khiến chị không hoàn thành. Tâm lý sau sinh cùng với áp lực công việc khiến chị lo âu, buồn chán, đau đầu, không muốn ăn, thường xuyên cáu gắt. Gia đình đã đưa chị tới Bệnh viện Tâm thần khám. Sau một thời gian điều trị thuốc cùng với các liệu pháp tâm lý, sức khỏe của chị H. đã ổn định và trở lại bình thường.
Trường hợp của anh Nguyễn Văn Đ. ở Ninh Giang là một ví dụ khác. Năm 2015, làm ăn thua lỗ, tài sản mất sạch sau nhiều năm làm lụng tích cóp, anh Đ. bị sốc nặng, tinh thần luôn hoảng loạn, sợ tiếp xúc với nhiều người. Được người nhà tới bệnh viện, sau hơn 4 tuần điều trị tích cực, anh Đ. đã ổn định trở lại...
Theo một số bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, phần lớn người mắc chứng bệnh tâm căn suy nhược không muốn người khác biết nên ngại nói về tình trạng sức khỏe của mình. Điều này rất nguy hiểm bởi nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời tình trạng bệnh sẽ càng nặng thêm. "Để phòng tránh căn bệnh này, mọi người phải biết cân bằng cuộc sống, có lối sống và suy nghĩ tích cực; có phong cách làm việc, học tập khoa học để không bị quá sức. Tránh để xảy ra tình trạng trầm cảm, lo lắng thái quá, mất ăn, mất ngủ liên miên...", bác sĩ Nguyễn Việt Hòa khuyến cáo.
TRƯƠNG HÀ