Đó là tên bài thơ của nhà báo Nguyễn Hữu Phách, nguyên phóng viên Báo Hải Dương mới (nay là Báo Hải Dương).
Nhà báo Nguyễn Hữu Phách (thứ hai từ trái sang) trong một lần gặp mặt cộng tác viên tiêu biểu của Báo Hải Dương tại Côn Sơn
Đó là tên bài thơ của nhà báo Nguyễn Hữu Phách, nguyên phóng viên Báo Hải Dương mới (nay là Báo Hải Dương). Bài thơ này là một trong hai bài được ông Phách gửi tham dự cuộc thi thơ năm 1969-1970 của báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), khi ông tròn 35 tuổi. Cả hai bài đều đoạt giải ba, chỉ đứng sau ba nhà thơ danh tiếng: Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Bế Kiến Quốc và để lại phía sau những tên tuổi khác trong cuộc thi ấy.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nay giữa những ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sôi nổi thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2018), đọc bài thơ “Suy nghĩ trong buổi đón Huy hiệu Bác Hồ” càng thấy nóng hổi tính tư tưởng của nó...
Từ sự việc một bà mẹ ở thôn quê miền Bắc làm nhiệm vụ trông nom các cháu nhỏ giữa những ngày tháng ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được nhận Huy hiệu Bác Hồ, nhà báo Nguyễn Hữu Phách với góc nhìn độc đáo, trực diện và tinh tế, đã mở đầu dòng xúc cảm của mình thông qua những từ ngữ miêu tả trang nghiêm mà rất sống động: “Huy hiệu Bác Hồ sáng rực/Cài lên ngực áo mẹ xong/Trăm bàn tay ran ran vỗ/Trăm cặp mắt nhìn ước mong”. Có thể nói, một sự sống động đặc biệt nằm trong khổ thơ này. Nếu như ở hai câu sau là âm thanh nổi, là hành động nổi thì hai câu trước lại khắc họa hành vi im lặng tuyệt đối - biểu hiện sự trân trọng trước việc người cán bộ cài Huy hiệu Bác Hồ lên ngực áo của bà mẹ. Phương pháp biểu cảm này gợi cho chúng ta hình dung có những sóng lừng, những luồng gió trong tim, trong óc, mãnh liệt và tràn ngập xúc động, chỉ chờ cơ hội là bùng lên. Cơ hội ở đây chính là giây phút bà mẹ nông dân đeo Huy hiệu Bác Hồ trên ngực áo.
Như một phản ứng dây chuyền tự nhiên, Huy hiệu Bác Hồ - kỷ vật thiêng liêng hàm chứa nội lực phi thường, khi nó lung linh trên ngực áo của bà mẹ thôn quê, đã ngay lập tức lay chuyển ý thức, hành động của dân làng. Một không khí thi đua sôi nổi bừng lên, không phô trương hình thức, không lớn tiếng hô hào, chỉ như chuyện tâm tình của những người nông dân trên “Cánh đồng 5 tấn” hồi ấy: “Các cụ nhớ vườn ươm nhỏ/“Bác dạy toàn dân gắng trồng”/Các cháu vẫy nhau giao hẹn/“Chăn trâu phải sạch ve mòng” (con ve, con mòng chuyên hút máu trâu bò)/Bác lực điền hơi ân hận/“Mình còn để lỏi sá trong” (sá cày ở giữa luống)/Mấy cô khúc kha khúc khích/ “Cấy dày nhích lại hàng sông” (hàng sông - khoảng trống giữa hai hàng lúa). Việc “điểm danh” các thành phần lao động sản xuất ở làng đã phản ánh đúng thực trạng nông thôn miền Bắc ngày ấy. Người mẹ trong bài thơ đang hòa cùng “phụ - lão - ấu” ở hậu phương, thi đua làm việc bằng hai; làm tốt, làm giỏi để bù ngày công cho thanh niên trai trẻ của quê hương đang làm nhiệm vụ nơi chiến trường.
Khổ thơ tiếp theo phản ánh: Lòng yêu nước trong từng con người đã được góp lại, trở thành sức mạnh chung khi có sự khích lệ, “hợp lửa từ các con tim” của người lãnh đạo: “Đồng chí bí thư hỏi lớn/“Bà con thi với mẹ không?”/Mắt mẹ gặp trăm cặp mắt/ Mắt nào cũng sáng như gương/ Trăm bàn tay ran ran vỗ/Trăm tay kia đều có công”. Thủ pháp thơ “rất đời”: Một người mẹ, một nhân tố tiêu biểu được nhận Huy hiệu Bác Hồ trở thành nguồn sức mạnh tinh thần cho tập thể, để “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”, trong đó cả người lãnh đạo ở cương vị mình cũng thi đua cùng bà con nông dân.
Suốt từ đầu cuộc đón Huy hiệu, bà mẹ chưa nói câu nào. Trong mẹ chỉ có niềm xúc động hòa cùng sự trân trọng tột đỉnh. Mẹ tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, ngày ngày tích cực trông trẻ nhỏ để bố mẹ các cháu toàn tâm toàn ý thi đua lao động sản xuất, vì miền Nam ruột thịt, bảo vệ, xây dựng miền Bắc hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến diệt thù… Vậy nhưng mẹ không tự ngắm mình, không để ý đến công lao của mình. Đến khi “Ngực mẹ lung linh huy hiệu” thì “Mẹ nghĩ: "Mình chăm cháu nhỏ/ Thấm đâu bà con ngoài đồng”. Suy nghĩ chân thành, chất phác ấy khiến tác giả bài thơ cũng phải đồng tình với mẹ: “Không, đây là phần thưởng chung”.
“Suy nghĩ trong buổi đón Huy hiệu Bác Hồ”. Tên bài thơ rất giản dị, trong sáng, cũng giống như các tình tiết thơ, chân thật, gần gũi, lấy ra từ cuộc sống thực rồi được phản ánh qua “lăng kính thơ” Nguyễn Hữu Phách. Vì thế, bài thơ tạo nên hiệu ứng xã hội không nhỏ, làm sáng thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong lao động, học tập và chiến đấu trên khắp mọi miền Tổ quốc và ngay tại Hải Dương - quê hương thân yêu của tác giả.
PHẠM XƯỞNG
Suy nghĩ trong buổi đón Huy hiệu Bác Hồ Huy hiệu Bác Hồ sáng rựcCài lên ngực áo mẹ xong Trăm bàn tay ran ran vỗ Trăm cặp mắt nhìn ước mong. Các cụ nhớ vườn ươm nhỏ “Bác dạy toàn dân gắng trồng” Các cháu vẫy nhau giao hẹn “Chăn trâu phải sạch ve mòng” Bác lực điền hơi ân hận “Mình còn để lỏi sá trong” Mấy cô khúc kha khúc khích “Cấy dày nhích lại hàng sông” Đồng chí bí thư hỏi lớn “Bà con thi với mẹ không?” Mắt mẹ gặp trăm cặp mắt Mắt nào cũng sáng như gương Trăm bàn tay ran ran vỗ Trăm tay kia đều có công Mẹ nghĩ: “Mình chăm cháu nhỏ Thấm đâu bà con ngoài đồng” Ngực mẹ lung linh huy hiệu Không, đây là phần thưởng chung. NGUYỄN HỮU PHÁCH |