Người đàn ông 40 tuổi tự mua sản phẩm bổ sung testosterone với mong muốn nhanh có con hơn. Sau một năm, đi khám và được chẩn đoán lượng tinh trùng ít.
Sau khi sinh con đầu lòng ở tuổi 33, vợ chồng anh H.A (Hà Nội) quyết định "kế hoạch" một vài năm để ổn định cuộc sống, nuôi con. Khi ở tuổi 40, anh chị muốn có thêm con nhưng chờ mãi không có tin vui.
Tự thấy bản thân gầy gò, "chuyện ấy" không còn sung sức như trước, anh tự mày mò tìm mua các loại sản phẩm bổ sung testosterone, mong cải thiện khả năng tình dục và nhanh có con hơn.
Dùng liên tục một năm vẫn chưa có kết quả, anh đi khám thì bất ngờ nhận được chẩn đoán vì lượng tinh trùng còn rất ít và yếu. Nhận định về trường hợp này, bác sỹ Nguyễn Bá Hưng, Hội Y học giới tính Việt Nam cho biết việc tự ý bổ sung testosterone là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Vai trò của testosterone
Không chỉ riêng bệnh nhân này, bác sỹ Hưng cũng từng gặp nhiều người tự bổ sung testosterone để cải thiện đời sống chăn gối nhưng khó có con vì số lượng và chất lượng tinh trùng suy giảm.
Chuyên gia này cho biết với nam giới testosterone là nội tiết tố quan trọng. Nó không chỉ là chất giúp duy trì khả năng tình dục, tăng ham muốn, hưng phấn khoái cảm tình dục mà còn giúp tăng cường khả năng sinh tinh, trưởng thành của tinh trùng.
Tuy nhiên, theo bác sỹ, điều này không có nghĩa cứ muốn tinh trùng khỏe mạnh hơn, sức khỏe tình dục cải thiện là có thể bổ sung testosterone tùy ý.
Theo bác sỹ Hưng, Tổ chức Y tế thế giới và các hiệp hội chuyên ngành đã nhiều lần khuyến cáo "không sử dụng testosterone cho đàn ông ở cặp vợ chồng vô sinh hay những người còn mong muốn có con". Đáng nói, không chỉ với quý ông mà chính các thầy thuốc (không trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản) cũng hiểu nhầm.
Cách đây không lâu, bác sỹ Hưng từng thăm khám cho cặp vợ chồng hiếm muộn ở Hà Nội. Sau thời gian dài được một bác sĩ kê bổ sung testosterone, người chồng đi khám, bất ngờ vì tình trạng tinh trùng càng suy giảm nghiêm trọng, mong muốn có con càng khó khăn hơn.
Tác dụng ngược vì bổ sung sai cách
Testosterone được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn, chỉ có một lượng nhỏ do vỏ ngoài của tuyến thượng thận tạo nên. Để xác định với một trường hợp có nên bổ sung testosterone hay không, các bác sĩ sẽ phải đánh giá nồng độ chất này có trong cơ thể.
"Nếu nồng độ thấp, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp làm tăng testosterone theo cơ chế nội sinh, tức kích thích tinh hoàn tạo ra testosterone để sinh tinh và giúp tinh trùng khỏe mạnh hơn", bác sỹ Hưng chia sẻ với phóng viên
Việc bổ sung từ bên ngoài (gọi là ngoại sinh) có thể làm tăng lượng testosterone trong máu nhưng lại không làm tăng được testosterone trong tinh hoàn nên không sinh tinh. Thậm chí, nó còn gây ra tác dụng ngược, khiến tinh hoàn "lười làm việc", dẫn tới ức chế, suy giảm khả năng sinh tinh. Đặc biệt, bổ sung testosterone liều cao và kéo dài có thể sẽ làm ngừng sinh tinh.
Bác sỹ Hưng cảnh báo nam giới không nên tự ý bổ sung testosterone vì có thể để lại hậu quả nặng nề tới khả năng sinh sản. Sử dụng testosterone sau một vài tháng đã có thể khiến lượng tinh trùng suy giảm rõ rệt.
Không chỉ vậy, sử dụng testosterone liều cao có thể gây tác hại nguy hiểm tới sức khỏe như tăng hồng cầu, rối loạn đông máu. Một số trường hợp hiếm gặp do sử dụng liều cao có thể dẫn tới hội chứng “quá kích” như phù da bìu, phù da bao quy đầu, tràn dịch màng tinh hoàn… Nếu gặp bất cứ vấn đề sức khỏe tình dục nào, người dân cần được thăm khám và điều trị bởi bác sỹ chuyên khoa.
Theo Vietnamnet