Đó là trường hợp của học sinh N.L.H.M., 11 tuổi, bị đa chấn thương và gãy 1/3 trên xương cánh tay phải, đồng thời gãy bung khớp cùng chậu bên trái.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Anh Mậu, Phó trưởng Khoa Bỏng - chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2, cháu N.L.H.M. là trường hợp đa chấn thương nặng, có nhiều tổn thương kết hợp nên đã được ưu tiên phẫu thuật đầu tiên. Ca mổ đã kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ với sự phối hợp của các bác sĩ liên bệnh viện gồm Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh.
Các bác sĩ đã mở khớp cùng chậu bên trái, tiến hành cố định lại khớp với 2 vis lớn, loại đặc biệt dưới hướng dẫn của máy X-quang tại chỗ, sau đó tiến hành mổ và xuyên cố định xương cánh tay cho bệnh nhi với đinh dẻo.
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Quang Đình Nam, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, người trực tiếp tham gia cuộc mổ cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong sáng 27.5, cho biết khó khăn của ca mổ này là xác định chính xác vị trí vis sẽ xuyên vào sao cho ít gây tổn thương các cơ quan lân cận mà vẫn đảm bảo cố định vững chắc khớp hông cho bé. Vì vậy, ca mổ được tiến hành rất cẩn trọng, tốn nhiều thời gian hơn các loại gãy xương chậu thông thường khác.
Ca thứ 2 là học sinh T.K.H., 12 tuổi, đã được các bác sĩ đóng kín và kết hợp xương đùi vững chắc bằng đinh dẻo dưới hướng dẫn của máy X-quang tại chỗ. Cháu H. bị gãy 1/3 dưới xương đùi trái.
Hiện tại, cả 2 bệnh nhi đều đã tỉnh và ăn uống lại được và chờ kết quả X-quang kiểm tra.
Trưa 28.5, cũng theo Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh, bệnh viện đang làm thủ tục cho 2 học sinh chỉ bị xây xát phần mềm để xuất viện.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, khi được đưa vào bệnh viện, những học sinh này đều bị hoảng loạn tinh thần do cơ thể bị đau vì cây đè, đặc biệt hốt hoảng khi nghe tin bạn học mất, do vậy cũng ảnh hưởng đến sinh hiệu của cơ thể. Hiện các cháu vẫn còn hoảng loạn và buồn rầu. Các bác sĩ, điều dưỡng đã thực hiện các biện pháp giảm đau, nâng đỡ tinh thần cho các cháu, đồng thời cho người nhà vào chăm sóc, vỗ về…
Trước đó, lúc 7 giờ 30 ngày 26.5, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận 8 học sinh, trong đó có 4 học sinh nói trên do Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển đến, 4 học sinh còn lại nhẹ hơn, sinh hiệu ổn, tỉnh táo nên đã được khám và điều trị ngoại trú.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Tâm, giám đốc Bệnh viện Quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn (Sài Gòn ITO), cho biết 3 học sinh đang nằm điều trị tại Bệnh viện Sài Gòn ITO sức khỏe đều ổn định. Trước đó, bệnh viện đã cho một học sinh được xuất viện do chỉ bị xây xát.
Trong 3 học sinh đang nằm điều trị, có một học sinh có vết thương vùng mặt, bị rách vành tai trái, trật khớp xương đòn, một học sinh bị gãy hai xương cẳng chân trái, một cháu bị gãy hai xương cẳng chân trái, kèm gãy xương chậu, gãy xương cổ chân, chấn thương đầu.
Cả 3 học sinh đều đã được phẫu thuật trong ngày 26.5 và sức khỏe hiện đã ổn định. Dự kiến, các cháu sẽ nằm viện điều trị trong khoảng một tuần nữa, sau đó sẽ được xuất viện.
Như vậy, trong 13 học sinh bị thương trong vụ cây đổ, đã có 1 học sinh tử vong, nếu tính cả hai học sinh được xuất viện trong chiều này sẽ có 7 học sinh được xuất viện, còn 5 học sinh đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Sài Gòn ITO.
Theo Tuổi trẻ