Công dân trên đảo hàng ngày ươm những "mầm xanh", vun bồi sức sống giữa trập trùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiến sỹ đảo Đá Lớn, quần đảo Trường Sa chăm sóc vườn rau xanh trên đảo. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN
Ở các đảo trên quần đảo Trường Sa, thời tiết khắc nghiệt với nhiều nắng gió, mưa bão, sỏi đá, san hô và cát. Vậy mà, với tất cả tâm sức, tình yêu và tinh thần cống hiến, những công dân trên đảo vẫn hàng ngày ươm những "mầm xanh", vun bồi sức sống giữa trập trùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vườn rau trên đảo
Trưa 27.12.2019, đảo Cô Lin tổ chức bữa cơm mời đoàn công tác trên tàu 561 Hải quân sau khi đoàn đến thăm, chúc Tết và làm việc tại đảo.
Bữa cơm trưa hôm đó, ngoài các món ăn được chế biến từ thực phẩm cấp đông, cấp lạnh, còn có thêm một món ăn mà mọi thành viên của đoàn công tác cũng như lính đảo ai cũng mong, đó là những đĩa rau muống luộc.
Đĩa rau muống luộc tuy không đầy đặn, lá rau không xanh mướt, nước luộc không ngọt ngon như ở đất liền, nhưng cảm nhận của mọi người đều thấy thật ngon và ấm lòng, bởi trong mỗi cọng rau còn có cả vị mặn của biển, những giọt mồ hôi của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo…
Thượng úy Lương Văn Hợp, Chính trị viên đảo Cô Lin chia sẻ: Mặc dù điều kiện thời tiết sóng gió, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều có ý thức thi đua tăng gia sản xuất, trong đó có trồng rau xanh để cải thiện khẩu phần ăn, thêm phần chất dinh dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Trồng một vườn rau ở đất liền là việc không khó khi tất cả mọi thứ đã có sẵn từ đất, giống rau, phân bón… nhưng trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, để trồng được rau xanh, tất cả các thứ này đều phải đưa từ đất liền ra. Đặc biệt, việc trồng rau ở đảo nổi đã khó thì ở đảo chìm còn khó hơn rất nhiều, bởi diện tích ở đảo chìm chật hẹp nên mặt bằng để trồng rau gần như không có. Theo đó, cách trồng rau duy nhất ở đây là trồng trong chậu, thùng xốp, các loại thùng khác và có khi phải treo lên cao, thậm chí phải tận dụng cả hành lang, lối đi để đặt các thùng trồng rau.
Đại úy Hoàng Ngọc Anh, đảo Tốc Tan B, quần đảo Trường Sa cho biết đầu tiên phải xác định rõ vị trí có thể trồng được rau trên đảo, sau đó lấy đất, giống rau và các vật tư khác từ đất liền chuyển ra. Trong đó, vị trí để bố trí trồng rau phải là nơi ít chịu sự tác động của gió biển.
Trong khi đó, để tìm được vị trí trồng rau ở các đảo trên quần đảo Trường Sa là rất khó, vì phần lớn các đảo có diện tích không lớn, lại là nơi hàng ngày nhiều gió. Gió biển thổi vào đảo rất mạnh, đem theo vị mặn của biển dễ làm rau cháy lá, nhanh khô héo rồi chết dần và nếu có sống được cũng còi cọc.
Đại úy Phạm Văn Thao, Đảo trưởng đảo Cô Lin, quần đảo Trường Sa, cho biết việc trồng rau trên đảo khó khăn là do thời tiết ở Trường Sa mưa gió, nắng nóng nhiều. Do vậy, để khắc phục yếu tố thời tiết khi trồng rau nơi đây phải che chắn cẩn thận, giảm thiểu tối đa tác động của gió và nắng.
Ngoài ra, nguồn nước để tưới rau nơi đây cũng không đơn giản, bởi trồng rau không thể tưới bằng nước biển, mà phải tưới bằng nước ngọt. Do đó, để có đủ nước ngọt tưới rau, ngoài việc dùng nước tiết kiệm, phân bổ nước ngọt hợp lý trong ngày, trong tuần, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn phải tìm cách tái sản xuất nước ngọt, nghĩa là nước ngọt khi đã rửa rau, rửa thực phẩm chế biến món ăn hàng ngày, hoặc sau khi tắm giặt sẽ được tích trữ lại để đem tưới cho rau.
Màu rau xanh đã có mặt trên các đảo ở Trường Sa với nhiều loại rau thơm, bầu ngọt, mồng tơi, bí, mướp… Đây là sự cố gắng rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa…
Những người thầy đặc biệt trên đảo Sinh Tồn
Không chỉ những vườn rau xanh được nâng niu, chăm chút từng ngày, trên đảo còn có ngôi trường đặc biệt với những người thầy đang ngày đêm bám trụ giữa mênh mông sóng gió.
Con đường từ khu dân cư trên đảo đến Trường Tiểu học Sinh Tồn, đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, được láng xi măng, với những hàng cây bàng vuông và dừa biển dọc hai bên đường. Hàng ngày, các em học sinh và những người thầy đặc biệt đi trên con đường này đến lớp học.
Nói đặc biệt là vì điều kiện dạy học trên đảo không giống trong đất liền, bởi ở đây không tiếng trống trường, không có những chiếc xe... Đặc biệt, vào ngày khai giảng, không có nhiều cờ hoa, những lời chúc mừng… Mọi việc từ gọi, đưa các em đến trường, đến việc định hình giờ giấc cho các em ra chơi sau mỗi tiết học, giờ kết thúc buổi học… đều do những người thầy trên đảo đảm nhận.
Thầy Nguyễn Công Quang (sinh năm 1994), trước đây dạy học ở Trường Tiểu học Vĩnh Hải, TP Nha Trang (Khánh Hòa), chia sẻ: Dạy học ở đảo Sinh Tồn, xa đồng nghiệp, xa đất liền, việc cập nhật kiến thức và phương pháp dạy học mới cũng không được thường xuyên. Theo đó, trước lúc nhận công tác ra đảo, thầy Quang và các giáo viên đều chuẩn bị sẵn tài liệu dạy học nhằm khi rảnh rỗi sẽ đem ra đọc, vì trên đảo có muốn mua sách cũng không biết tìm đâu để mua.
Thầy Phạm Xuân Diệu, cũng từ TP Nha Trang được điều ra đảo Sinh Tồn dạy học, cho biết: Đặc thù của dạy cấp một, nhất là lớp một, ngoài kiến thức, trách nhiệm, bản thân mỗi người thầy trên đảo phải có tình thương yêu các em. Do đó, thầy và các đồng nghiệp không quản giờ giấc, khó khăn để uốn nắn cho các cháu cẩn thận, từ nét chữ đến việc tiếp thu kiến thức.
Được dạy học trên đảo Sinh Tồn, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm cho thầy Quang, thầy Diệu và các đồng nghiệp. Vinh dự vì hàng ngày các thầy được sống trên đảo, nơi rất gần với những cán bộ, chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trách nhiệm là vì việc dạy học sẽ không trực tiếp cầm súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhưng đó là việc làm rất ý nghĩa, cao cả, thiêng liêng, bởi được gián tiếp giúp những người mẹ, người bố đang sống trên đảo yên tâm lao động, sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Duyên có hai con học mẫu giáo và lớp 2 cho biết những ngày đầu con chị đi học mẫu giáo chưa quen thầy, quen lớp... Do đó, để các cháu quen với lớp, với trường và yêu thích việc học, các giáo viên của Trường Tiểu học Sinh Tồn đã rất nhiệt tình, nỗ lực vừa dạy vừa dỗ các cháu.
Chị Lữ Kim Cúc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ đảo Sinh Tồn cho hay: Các giáo viên ở đây dạy các cháu rất tốt, rất tận tình, không quản giờ giấc, ngày mưa cũng như ngày nắng.
Mỗi khi đi qua ngôi trường này, thấy hình ảnh học sinh học bài, thầy giáo dạy học, hay vô tình gặp các em rảo bước trên đường đi học về, cán bộ, chiến sỹ trên đảo đều cảm nhận quê hương, đất liền như gần hơn.
Đảo Sinh Tồn nằm cách bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, 315 hải lý. Đảo nằm sừng sững giữa biển cả bao la như một bức thành đồng trong hệ thống phòng thủ giữa Biển Đông, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cũng như các đảo khác ở Biển Đông, trên đảo Sinh Tồn, những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm lao động, sản xuất, canh giữ đảo cho đất mẹ bình yên. Ở đó còn có những người thầy đang lặng thầm vun trồng những "mầm xanh" cho đất nước, để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo yên tâm lao động sản xuất, vững tay súng ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo TTXVN
---------------
Bài 4: Những cột mốc trên ngư trường Trường Sa