Sinh ra ở các làng nghề truyền thống, nhiều người trẻ đã quyết tâm gìn giữ, phát triển nghề do ông cha để lại.
Làng nghề thêu ren Xuân Nẻo có khoảng 30-40 lao động làm nghề trong độ tuổi từ 30-40
Bám trụ với nghềNhững năm gần đây, nhiều làng nghề trên địa bàn Hải Dương gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, công lao động thấp khiến nhiều thanh niên không muốn gắn bó với nghề truyền thống. Tuy vậy cũng vẫn còn nhiều người trẻ muốn bám trụ với nghề của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Yến (sinh năm 1989, ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ) là một người như thế. Học hết THCS, chị Yến bắt đầu làm nghề thêu. Chị Yến là lao động trẻ nhất của cơ sở Thêu Hòa Nhượng ở thôn Xuân Nẻo. Cơ sở Hòa Nhượng chuyên nhận hàng thêu xuất khẩu, lao động tại đây đều là thợ thêu mẫu, có tay nghề cứng, hầu hết có tuổi nghề hàng chục năm mới có thể làm được. “Hầu hết những người tầm tuổi tôi ở làng không ai làm nghề thêu nữa vì thu nhập thấp. Thợ thêu cứng tay thu nhập cao nhất khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với nhiều công việc khác”, chị Yến tâm sự. Hiện nay ở thôn Xuân Nẻo có hàng trăm hộ nhận hàng về thêu, nhưng đây chỉ là công việc thời vụ. Số lao động coi nghề thêu là công việc chính chỉ khoảng 30-40 người, chủ yếu có độ tuổi từ 30-40.
Cũng như chị Yến, anh Vũ Đình Phú (sinh năm 1991, ở thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, Bình Giang) đã gắn bó với nghề chế tác vàng bạc 6 năm nay. Anh Phú đang làm thuê cho một cơ sở chạm bạc tại thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng. Hiện anh Phú đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm, sau này anh dự định sẽ mở một cơ sở sản xuất và cửa hàng kinh doanh vàng bạc của riêng mình.
Tìm lối đi riêngKhông chỉ quyết tâm theo đuổi nghề truyền thống, nhiều lao động trẻ đã tìm được lối đi riêng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Anh Nguyễn Công Đoàn (sinh năm 1983, ở khu dân cư số 8, thị trấn Gia Lộc) đang làm chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ.
Làng nghề mộc Đức Đại, thị trấn Gia Lộc thu hút nhiều lao động làm việc
Sau nhiều năm làm chung với gia đình, năm 2013, anh Đoàn vay ngân hàng 500 triệu đồng để mở xưởng gỗ cho riêng mình. Không sản xuất bàn, ghế, tủ… truyền thống, anh Đoàn chuyển sang sản xuất các mặt hàng nội thất như cầu thang, trần, vách, tủ bếp, khuôn bao… Do tìm trúng nhu cầu của thị trường, sản phẩm có chất lượng tốt nên xưởng gỗ của anh Đoàn rất nhiều việc. Chỉ sau hơn 3 năm, anh đã trả được hơn nửa số tiền vay ngân hàng, thuê thêm 2 thợ với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Làng nghề mộc Đức Đại ở thị trấn Gia Lộc hiện có hơn 100 hộ làm nghề sản xuất đồ gỗ, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động, trong đó chỉ có từ 40-50 lao động dưới 30 tuổi.
Giống anh Đoàn, anh Vũ Hữu Phước ở thôn Châu Khê đã trở thành chủ một cơ sở chế tác bạc có doanh thu hàng tỷ đồng nhờ tìm được hướng phát triển đúng đắn. Sau nhiều năm làm thợ phụ cho gia đình, năm 22 tuổi, anh Phước mở cơ sở sản xuất. Khi mới tách ra làm riêng, sản phẩm làm ra bán chậm vì khó cạnh tranh. Sau nhiều lần chào hàng thất bại, anh Phước quyết định tập trung sản xuất mặt hàng bông tai bạc. Mặt hàng này cần ít vốn, dễ tiêu thụ và quay vòng vốn nhanh hơn các mặt hàng dây chuyền, vòng, lắc…
Làng nghề vàng bạc Châu Khê có khoảng 360 lao động dưới 35 tuổi
Anh Phước cũng tích cực đi chào hàng tại các đại lý và cửa hàng vàng bạc trong và ngoài tỉnh. Nhờ chất lượng và giá bán hợp lý, sản phẩm của anh làm ra được bạn hàng đánh giá tốt. Từ 2 người làm lúc đầu, đến nay cơ sở sản xuất của anh Phước đã tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, mỗi tháng cung cấp cho thị trường 3.000 đôi bông tai bạc. Ở thôn Châu Khê có khoảng 200 hộ làm nghề kim hoàn, tạo việc làm cho 600 lao động, trong đó có khoảng 60% là lao động dưới 35 tuổi.
Tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 66 làng nghề, tạo việc làm cho hơn 33.300 lao động. Dù lực lượng lao động trẻ chiếm tỷ lệ thấp nhưng họ có nhiều cách làm sáng tạo, tích cực tìm kiếm thị trường mới, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương.
VIỆT QUỲNH
- Làng nghề mộc Đức Đại, thị trấn Gia Lộc thu hút nhiều lao động làm việc
- Làng nghề vàng bạc Châu Khê có khoảng 360 lao động dưới 35 tuổi
- Làng nghề thêu ren Xuân Nẻo có khoảng 30-40 lao động làm nghề trong độ tuổi từ 30-40