Sức sống phong trào thi đua ái quốc

11/06/2023 06:00

Sức sống của phong trào thi đua ái quốc đã nhân lên những việc làm tốt, làm lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến trong cộng đồng.


Sắc lệnh số 195-SL ngày 1.6.1948 về việc thành lập “Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương”, do Hồ Chủ tịch ký (ảnh tư liệu)

Sau chiến thắng thu - đông năm 1947, quân đội Việt Nam càng lớn mạnh và phát triển, giặc Pháp thất bại nặng nề không còn ảo tưởng đánh nhanh thắng nhanh như chúng từng tuyên bố. Biết rằng cuộc kháng chiến còn nhiều gian khổ, cần có sự chuẩn bị tốt về tinh thần, vật chất lâu dài nên ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. 

Với khoảng 400 từ, lời văn súc tích dễ hiểu, mở đầu Hồ Chủ tịch đặt câu hỏi: "Mục đích thi đua ái quốc là gì?", rồi Người trả lời ngay: "Diệt giặc đói. Diệt giặc dốt. Diệt giặc ngoại xâm…”.

Thời điểm tháng 6.1948, nước Việt Nam giành được độc lập mới có 3 năm, cũng là sau một năm rưỡi dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến, cơ quan đầu não Trung ương đã rút lên Việt Bắc, những thành phố lớn, đô thị còn nằm trong vùng tạm chiếm của giặc.

Là vị chỉ huy tối cao, Hồ Chủ tịch nhận thấy rằng lúc này đời sống nhân dân các vùng giải phóng còn nghèo khổ. Người dân cơm chưa no, áo chưa ấm, thì sao có đủ lương thực nuôi quân đánh giặc. Vì thế, Người đã đưa việc diệt giặc đói lên hàng đầu, sau đó là diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Quan niệm của Người là: "Một dân tộc dốt nát sẽ là một dân tộc yếu", "Thực túc, binh cường, quân ăn no đủ, mới có sức chiến đấu giết giặc".

Người nêu ra biện pháp thi đua: "Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Thực hiện một khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến,/Toàn diện kháng chiến./Trong cuộc Thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến,/Vừa kiến quốc".

Là vị Chủ tịch nước, nhưng Người không ra mệnh lệnh mà là một lời kêu gọi chí tình, tha thiết của một người dân với đất nước. Người dùng chữ "tôi xin" nghe thật gần gũi và xúc động: "Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin: Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc;/Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn;/Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp;/Đồng bào công nông thi đua sản xuất;/Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh;/Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân;/ Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng./Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, cả nước đã dấy lên phong trào thi đua ái quốc rộng khắp và toàn diện. Khắp nơi đã xuất hiện nhiều gương điển hình.  

Nơi trận tuyến, có nhiều gương chiến đấu hy sinh anh dũng, tiết kiệm đạn dược, cướp súng giặc lập công. Nhiều anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quân đã được tôn vinh, được Hồ Chủ tịch khen thưởng. Ở hậu phương, vùng giải phóng, nhân dân tăng gia sản xuất, giành thóc tốt đóng thuế nuôi quân… Các nhà khoa học, bác sĩ, kĩ sư, văn nghệ sĩ cũng mang tài năng, trí tuệ phụng sự kháng chiến. Tiêu biểu như kĩ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, anh hùng đánh xe tăng Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Phan Đình Giót… được truyền tụng trên các vùng quê. Tất cả đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chấn động địa cầu.


Hồ Chủ tịch với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, năm 1952 (ảnh tư liệu) 

Hoà bình, ở miền Bắc đã rầm rộ nhiều phong trào thi đua “Ba nhất” (trong quân đội), “Sóng Duyên hải” (trong công nghiệp), “Gió Đại phong” (trong nông nghiệp), phong trào thi đua “Hai tốt” (trong giáo dục)… Khi chiến tranh leo thang của Mỹ ra miền Bắc có phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang”,  “Cánh đồng 5 tấn", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”...

Sau ngày thống nhất Tổ quốc, phong trào thi đua ái quốc vẫn được duy trì và sáng tạo. Kinh tế nhiều thành phần bung ra, trí tuệ được phát huy, sức sản xuất được giải phóng. Từng tấc đất, từng mét vuông hồ ao được triệt để khai thác làm giàu. 

Đất nước vào thời kỳ đổi mới, phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều nét mới. Nhiều đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới đang xuất hiện trên mọi ngành nghề, địa phương. Cả nước thi đua học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp…

Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Đảng và Nhà nước ban hành, bổ sung, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. 

Trong những năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Dương đã có nhiều phong trào thi đua thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Các phong trào góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương; củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh và lan tỏa, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến trong cộng đồng. 

Ngày 30.9.2020, Hải Dương tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, biểu dương và tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc đại diện cho các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân. Đã có hàng trăm cá nhân, tập thể trong tỉnh được tặng huân chương các hạng của Nhà nước và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đã phong tặng, truy tặng các danh hiệu cao quý cho 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 908 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 456 Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh bảo vệ Tổ quốc… Gần  đây nhất, Hải Dương có 5 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tôn vinh tại triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý".

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Sức sống phong trào thi đua ái quốc