Do tác động của dịch bệnh nên sức mua hàng hóa trên địa bàn tỉnh hơn 2 tháng qua giảm mạnh, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ gặp khó khăn.
Do dịch Covid-19, lượng khách đến siêu thị BRG Mart (TP Hải Dương) giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái
Hơn một năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các loại hình kinh doanh dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong 2 tháng vừa qua. Mặc dù đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng sức mua giảm mạnh, doanh thu không đủ bù chi phí làm người kinh doanh càng thêm khó khăn.
Siêu thị điêu đứng
Theo đánh giá của Sở Công thương, lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tổng cầu giảm, mất nhiều thời gian phục hồi. Sức mua hàng hóa trong hơn 2 tháng qua thấp hơn cùng kỳ năm ngoái do những ảnh hưởng chung từ dịch bệnh và tâm lý của người tiêu dùng.
Nhiều năm nay, chưa thời điểm nào tình hình kinh doanh hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích lại gặp nhiều khó khăn như giai đoạn vừa qua. Mặc dù là hàng thiết yếu và có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhưng sức mua vẫn giảm mạnh.
Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày siêu thị BRG Mart ở đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) đón từ 450 - 500 lượt khách, giảm 20% so với dịp cuối năm ngoái và giảm hơn 30% so với cùng kỳ. 2 tháng đầu năm nay, lượng hàng hóa tiêu thụ tại siêu thị giảm mạnh dẫn đến doanh thu giảm khoảng 20%. Siêu thị này liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi với mức giảm giá từ 10 - 30% nhưng sức mua của người dân trong hơn 2 tháng qua vẫn giảm mạnh.
2021 là năm đặc biệt khó khăn với hệ thống siêu thị LanChi Mart. Cả năm 2020, siêu thị này trông chờ vào tháng Tết Tân Sửu để đẩy mạnh doanh số bán hàng nhưng do nằm trong vùng phong tỏa TP Chí Linh nên tình hình kinh doanh gần như bị tê liệt. Từ ngày 26 tháng chạp năm Canh Tý, hệ thống siêu thị này phải chuyển hàng đi các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ. Dù chỉ để lại khoảng 30% lượng hàng Tết nhưng siêu thị cũng chỉ bán được khoảng 15%. Chị Nguyễn Thị Hồng Quảng, quản lý hệ thống siêu thị LanChi Mart tại Hải Dương cho biết mặc dù TP Chí Linh đã dỡ bỏ phong tỏa, tỉnh kết thúc giãn cách xã hội nhưng lượng khách đến mua sắm tại siêu thị từ đầu tháng 3 đến nay vẫn rất thưa vắng.
Mặc dù cửa hàng thời trang John Henry tại Vincom Chí Linh đã mở cửa trở lại nhưng lượng khách đến rất ít
Thời gian đóng cửa kéo dài
Cũng như nhiều đơn vị kinh doanh hàng may mặc khác, doanh số bán hàng của hãng thời trang nam John Henry (thuộc Công ty TNHH T.M.G) trong 2 tháng qua giảm mạnh. Công ty có 2 cửa hàng tại siêu thị Big C Hải Dương và Vincom Chí Linh. Từ đầu năm đến nay, do thời gian phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 kéo dài nên doanh thu của hãng này tại Hải Dương giảm khoảng 70%. Đến nay, cửa hàng tại Vincom Chí Linh đã hoạt động trở lại nhưng cửa hàng tại Big C Hải Dương vẫn tiếp tục đóng cửa để phòng dịch.
Ông Hoàng Văn Phú, quản lý vùng của hãng thời trang John Henry tại Hải Dương chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch nên sức mua giảm rất mạnh. Trong tháng 1.2021, trung bình mỗi ngày một cửa hàng tại Hải Dương đón từ 7-10 lượt khách; mỗi khách mua từ 1-2 sản phẩm, giảm khoảng 60% so với đầu năm 2020. Từ ngày 4.3, cửa hàng tại Vincom Chí Linh mở cửa hoạt động trở lại nhưng chỉ có vài khách đến mua. Hiện nay, tại Hải Dương, công ty còn hơn 4.000 sản phẩm tồn do những ngày trước Tết cửa hàng không được mở cửa kinh doanh”.
Hải Dương đã chuyển sang hoạt động trong trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ tiêu dùng vẫn lo lắng, không dám mở cửa trở lại, đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn lớn do người kinh doanh lo sợ càng kinh doanh càng thua lỗ.
Nhà hàng Nam Việt ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đã đóng cửa hơn 2 tháng nay. Dù không có doanh thu nhưng hằng tháng chủ cửa hàng vẫn phải chi hàng chục triệu đồng để duy trì bộ máy. Chủ cửa hàng này chia sẻ hằng năm, dịp giáp Tết là thời điểm vàng trong kinh doanh nhà hàng. Có những ngày khách đặt kín hơn 40 bàn ăn nhưng từ năm 2020 đến nay tình hình kinh doanh rất èo uột, nhà hàng thường xuyên phải bù lỗ. Những ngày tới, khi được hoạt động trở lại nhà hàng cũng chưa dám mở cửa ngay vì sợ không có khách, càng mở sớm lại càng lỗ nhiều hơn.
Theo một số doanh nghiệp và chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ tiêu dùng, trước thực tế hiện nay, việc phục hồi trở lại rất chậm do tác động của dịch tới tâm lý người dân. Thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân đã và đang thay đổi theo chiều hướng đơn giản, tiết kiệm hơn.
Theo Cục Thống kê tỉnh, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2.2021 đạt 585 tỷ đồng, giảm 31,7% so với tháng 1 và giảm 8,1% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, dịch vụ lưu trú đạt xấp xỉ 21 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 530 tỷ đồng, giảm 5,6%.
Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ đang từng bước phục hồi để tăng tốc, giảm thiểu thiệt hại do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Các đơn vị này đều mong muốn chính quyền các cấp có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu dùng. Cùng với đó, đề nghị ngành ngân hàng xem xét có thêm chính sách giãn nợ, giảm lãi suất để người kinh doanh có thời gian hồi phục, trả nợ.
PHAN ANH