Ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” đã tiếp thêm sức mạnh không gì ngăn cản nổi cho những người lính chúng tôi trên chiến hào biên giới chặn bước quân xâm lược.
40 năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc (1979-2019) nhưng trong ký ức người lính chúng tôi, những trận chiến đấu ác liệt ở biên cương vẫn còn in đậm với những tên đất, tên người và những kỷ niệm, những cảm xúc mãnh liệt. Trong số đó, tôi và đồng đội đặc biệt xúc động bởi ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ca khúc đã tiếp thêm sức mạnh không gì ngăn cản nổi cho những người lính chúng tôi trên chiến hào biên giới chặn bước quân xâm lược.
Tháng 7.1978, đơn vị của chúng tôi – Sư đoàn 3 “Sao Vàng” được lệnh hành quân lên biên giới Lạng Sơn, khi tình hình biên giới có dấu hiệu căng thẳng. Thời gian chuẩn bị chiến địa của chúng tôi rất khẩn trương, gian khổ. Đồng thời chúng tôi cùng quân và dân địa phương còn có nhiệm vụ đấu tranh với phía Trung Quốc khi họ dùng mọi thủ đoạn lấn chiếm đất của ta, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc và sự bình yên cho nhân dân.
Khoảng hơn 4 giờ sáng 17.2.1979, chúng tôi bị đánh thức bởi một cú điện thoại của cấp trên thông báo về tình hình chiến sự và nhắc chúng tôi sẵn sàng chiến đấu. Chưa đầy 30 phút sau, những loạt đạn pháo của địch đã đồng loạt bắn bao trùm lên trận địa của chúng tôi. Cuộc chiến đấu ác liệt bắt đầu.
Những ngày sau đó, ngày nào cũng vậy, chiến sự diễn ra rất ác liệt. Vào một buổi sáng trước lúc chiến sự trong ngày nổ ra, trên trận địa, chúng tôi mở đài nghe tin tức buổi sáng. Khoảng 5 giờ, cuộc chiến bắt đầu. Sau hơn hai giờ chiến đấu căng thẳng, ác liệt trên cao điểm 417, đồi Chậu Cảnh, bất chợt chúng tôi nghe thấy ca khúc hào hùng phát ra từ chiếc đài véc 206 mà chúng tôi mở nghe tin tức buổi sớm. Tiếng hát át cả tiếng súng, tiếng đạn, pháo nổ: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới, quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất tiền phương…”.
Chúng tôi ngừng bắn trong vài chục giây và hỏi nhau “Có nghe thấy gì không?”. Tất cả đều đồng thanh “Có”. “Tiếng súng đã vang…gọi toàn dân ta… Đất nước của ngàn chiến công vẫn sục sôi khí thế hào hùng những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!…” Máu trong người tôi và những đồng đội như sôi lên, tiếp cho chúng tôi một sức mạnh kỳ diệu. Cảm giác hào hùng và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã có sẵn trong dòng máu Lạc Việt từ cả ngàn năm nay trỗi dậy, chúng tôi tiếp tục lao vào cuộc chiến với một tinh thần và sức mạnh mới. Trước chiến thuật biển người của địch tiến công liên tiếp lên trận địa của ta, trận địa của chúng tôi tiếp tục được giữ vững trong nhiều ngày, chặn đứng bước tiến của quân thù.
Sau này tìm hiểu tôi mới biết nhạc sĩ Phạm Tuyên khi ấy đang phụ trách âm nhạc cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước đó, ông đã đi thực tế để viết bài hát “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đinh Chinh” nói về tấm gương hy sinh của người liệt sĩ đầu tiên ngã xuống ở cửa khẩu Hữu Nghị qua biên giới tỉnh Lạng Sơn. Tối 17.2.1979, người nhạc sĩ ngồi lặng đi khi nghe tin quân xâm lược đã tràn qua biên giới. Đó là sự căm phẫn và đó cũng là cảm giác hào hùng, mấy ngàn năm nay đất Việt đâu cũng có Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, đã tạo cảm hứng sáng tác cho ông. Nhạc sĩ nói rằng: “Tôi viết rất nhanh ngay trong đêm 17.2.1979. Trong ngày 18, bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” với câu mở đầu “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh. Ngày 20.2.1979, tức là 4 ngày kể từ khi quân xâm lược thêm một lần nữa giày xéo mảnh đất này, bài hát được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.”
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại cái “cảm giác phát khóc” khi những người dân, những cán bộ, những người lính ở Tây Nguyên, ở khu 5 nhắn với ông rằng họ ước sao có đôi cánh để bay ngay ra biên giới phía Bắc chống quân xâm lược. Quả thực, ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” ban đầu được viết dưới dạng hành khúc, do vậy đã tạo khí thế hào hùng, sự thôi thúc mạnh mẽ tinh thần chống giặc ngoại xâm bất khuất với những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa có trong ca từ. Có thể thấy rằng trong chiến tranh, sức mạnh tinh thần là cực kỳ quan trọng. Lênin đã từng khẳng định “Suy cho cùng, việc thành bại của chiến tranh phụ thuộc vào tâm trạng của người lính trên chiến trường quyết định”. Rõ ràng, trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã khích lệ tinh thần của cả dân tộc. Đặc biệt, những người chiến sĩ chiến đấu trên chiến trường luôn được khích lệ tinh thần bởi những ca khúc bất hủ đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, trong đó có ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do”.
Câu kết của ca khúc: “Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc lập – Tự do”, nhạc sĩ đã dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vì độc lập, tự do cũng là khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt. 40 năm qua, âm hưởng “những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa” vẫn luôn vang vọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc để khích lệ tinh thần, khơi dậy lòng yêu nước nhằm thực hiện những mục tiêu xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Những ca khúc bất hủ như vậy sẽ đi cùng năm tháng với các thế hệ người Việt Nam.
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (Cựu chiến binh Đoàn Sao Vàng)