Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ truyền thống oanh liệt của Xô viết Nghệ - Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ.
Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 là cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nguồn: TTXVN
Cách đây tròn 90 năm, không lâu sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, một cao trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Dù diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng phong trào đã chứng minh sức mạnh quần chúng có thể làm nên lịch sử.
Vùng lên như bão táp
Cuối thế kỷ XIX, nhân dân ta phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” dưới xiềng xích thực dân, phong kiến. Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử, mở ra con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân bùng lên mạnh mẽ từ đầu năm 1930 trên khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ Ngày Quốc tế lao động 1.5.1930, lần đầu tiên công nông và dân chúng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn, trên cả ba miền đất nước đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành thị uy. Cao trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Nghệ An - Hà Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất.
Ngày 1.8.1930, công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tổng bãi công. Cùng thời điểm đó, nông dân Nghệ An - Hà Tĩnh tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc và nhanh chóng lan rộng ra hầu khắp các huyện trong 2 tỉnh.
Tháng 9.1930, phong trào phát triển tới đỉnh cao. Quần chúng đã biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, ngày 12.9.1930, hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên đã đấu tranh phản đối chính sách khủng bố của thực dân Pháp và phong kiến tay sai.
Để đàn áp, quân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương. Trước sự đàn áp đẫm máu, phong trào đấu tranh của nhân dân không những không giảm mà càng vùng lên như bão táp khiến bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã.
Trước tình hình đó, các chi bộ Đảng và Nông hội đỏ ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết. Chính quyền ở đây đã tỏ rõ bản chất cách mạng, với việc ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích cho nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, chia lại ruộng đất cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý...
Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng công nông trong cả nước nổi dậy đấu tranh. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra ở Thái Bình, Hà Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi... không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết “chia lửa” cùng nhân dân Nghệ - Tĩnh mà còn minh chứng sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam chống lại sự nô dịch của thực dân và tay sai, đánh dấu tiến trình phát triển không ngừng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trước khí thế sục sôi của cao trào cách mạng và ngọn lửa Xô viết, thực dân Pháp và tay sai đã tiến hành khủng bố vô cùng tàn bạo. Nhiều cơ sở Đảng bị đàn áp, nhiều đảng viên và quần chúng bị bắt bớ, tù đày, chém giết. Do đó, phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh tạm thời lắng xuống vào cuối năm 1931.
Khơi dậy tinh thần tiến công cách mạng
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và còn sơ khai, nhưng phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đã hiện thực hóa hình ảnh về một nhà nước công nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử Việt Nam. Thành quả lớn nhất của Xô viết Nghệ - Tĩnh là khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ truyền thống oanh liệt của Xô viết Nghệ - Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ.
Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh cũng đã để lại nhiều bài học quý báu có giá trị lâu dài. Đó là bài học về kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường của dân tộc, quyết không chịu làm nô lệ; bảo đảm vai trò lãnh đạo cách mạng, tính chất giai cấp công nhân của Đảng, không ngừng xây dựng, chỉnh đốn để làm cho Đảng vững mạnh về cả 3 trụ cột: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Một trong những bài học sâu sắc nhất là về sức lôi cuốn, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân của Đảng thông qua đường lối, chủ trương đấu tranh đúng đắn, đáp ứng được khát vọng của nhân dân. Bao giờ nhân dân lao động cảm nhận được những lợi ích của mình trong các chủ trương, chính sách, việc làm cụ thể, thì họ sẽ tích cực, tự giác tham gia hưởng ứng.
Trên tinh thần đó, Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp để hình thành động lực phát huy sức mạnh tổng hợp, sức mạnh nhân dân. Gần 35 năm đổi mới với những thành tựu có ý nghĩa lịch sử đã chứng minh tính hiệu quả của việc vận dụng bài học này. 90 năm đã trôi qua nhưng khí phách và tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh vẫn hiện hữu và luôn đồng hành cùng Đảng ta, dân tộc ta; trở thành ngọn nguồn sức mạnh giúp nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức; vững vàng tiến bước trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế.
Kỷ niệm 90 năm Ngày Xô viết Nghệ - Tĩnh là dịp để chúng ta cùng khơi dậy mạnh mẽ ý chí, bản lĩnh, khát vọng vươn lên của cả dân tộc, nhất là tinh thần tiến công cách mạng, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng giàu mạnh trong giai đoạn mới.
Theo Hà Nội mới