Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, bồi đắp nền tảng đạo đức văn hóa.
|
Quang cảnh lễ trao giải cuộc thi
|
Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vừa khép lại với nhiều ý nghĩa. Gần 300 tác phẩm dự thi thuộc 6 thể loại văn xuôi, thơ, âm nhạc, mỹ thuật, báo viết và truyền hình được thể hiện phong phú của đông đảo tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong toàn tỉnh. Dư âm cuộc thi để lại không chỉ đơn thuần là những giải thưởng đã được trao mà còn khẳng định ý nghĩa thiết thực trong việc tuyên truyền về tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ kính yêu.
Để có được những kết quả đó, cuộc thi được tổ chức bài bản, phát động rộng rãi. Các thành viên ban giám khảo đều là những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ… có trình độ chuyên môn và làm công tác tư tưởng, văn hóa của tỉnh. Sau gần hai năm phát động, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả. Theo đánh giá của ban tổ chức, các tác phẩm đều bám sát chủ đề về Cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phản ánh trên nhiều khía cạnh và loại hình khác nhau.
Trong lĩnh vực văn học, thể loại thơ có số lượng tác phẩm tham dự nhiều nhất, với hơn 100 tác phẩm. Các tác giả đã chú ý khai thác những tư liệu và kỷ niệm về Bác để khơi nguồn cảm hứng, khắc họa chân dung, phong cách, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Từ các tác phẩm đều toát lên tình cảm của tác giả đối với Bác Hồ, như tác phẩm “Cảm xúc Pác Bó” của tác giả Nguyễn Hữu Phách hay “Vườn cây lưu niệm Bác” của tác giả Nguyễn Thế Trường. Hình thức thể hiện tác phẩm cũng rất đa dạng, có cả những thể thơ Đường luật chặt chẽ, những câu lục bát mộc mạc, gần gũi. Tuy nhiên, thể thơ tự do phù hợp với lối tự sự, bộc bạch cảm xúc được các tác giả sử dụng nhiều hơn cả. Nhiều tác giả gửi đến cuộc thi những chùm thơ gồm 2 hoặc 3 bài. Không nhiều so với thể loại thơ, thể loại văn xuôi cũng ghi lại những kỷ niệm được gặp Bác, phục vụ Bác, phác họa hình ảnh của những tập thể, cá nhân làm theo lời Bác và hưởng ứng CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, như tác phẩm “Kỷ vật chiến trường” của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga, “Bó hoa ly” của tác giả Khúc Kim Tính… Qua những câu chuyện sống động, các tác giả thể hiện lòng kính trọng, biết ơn và ngợi ca tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác cũng như tâm tư nguyện vọng của mình làm thế nào cho xứng đáng với công lao to lớn của Bác. Tuy nhiên, chất lượng của các tác phẩm văn xuôi chưa vượt trội nên không có tác phẩm nào đoạt giải nhất. Lĩnh vực văn học giành được 13 giải, trong đó thể loại văn xuôi có 8 giải, thơ 5 giải.
Trong lĩnh vực báo chí, gồm hai thể loại báo viết và truyền hình được thể hiện rất đặc thù. Nội dung các tác phẩm hướng vào tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tác dụng của CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các tác phẩm cũng phác họa chân dung những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị một cách trung thực, sinh động với những việc làm cụ thể, thiết thực như: đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; tích cực thi đua lao động sản xuất, học tập; tinh thần vượt khó, tính kiên trì, bền bỉ, sự quan tâm, gắn bó với nhân dân, chăm lo nhân dân từ những việc nhỏ nhất… Mỗi tác phẩm báo chí là một sự gia công, săn tìm công phu và tâm huyết. Với sự cố gắng đó, thể loại báo chí đã giành được 9 giải với 2 giải ba thuộc về các tác phẩm báo hình; báo viết có 7 giải gồm 1 giải nhì, 2 giải ba và 4 giải khuyến khích.
Lĩnh vực nghệ thuật với hai thể loại mỹ thuật và âm nhạc không có nhiều tác phẩm dự thi. Các tác phẩm mỹ thuật đều khắc họa trực tiếp hình ảnh Bác gắn bó với nhân dân trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Một số tác phẩm đã chuyển tải được tư tưởng của Bác đến với người xem như: “Tấm gương Bác ngàn năm soi sáng; Đức vì dân muôn thuở vững bền” của tác giả Hà Huy Chương. Tuy nhiên, các tác phẩm mỹ thuật còn nặng về hình thức tranh cổ động. Thể loại âm nhạc có các tác phẩm dự thi bằng cả hình thức văn bản (bản nhạc) và băng, đĩa nhạc. Một số tác giả còn gửi kèm bài phát biểu cảm tưởng khi sáng tác tác phẩm, thể hiện sự say mê, tâm huyết với cuộc thi. Dù của tác giả chuyên nghiệp hay không chuyên, các tác phẩm đều chứa đựng tình cảm thiết tha, xúc động khi Bác về thăm Hải Dương như tác phẩm “Bác về quê ta”, “Hải Dương nhớ Bác”, “Nhớ Bác về thăm”… Tất cả đều thể hiện tình yêu, niềm tự hào, sự kính trọng và lòng biết ơn đối với vị Cha già của dân tộc. Lĩnh vực nghệ thuật đón nhận 10 giải với 3 giải mỹ thuật và 7 giải âm nhạc.
Cuộc thi dù đã khép lại nhưng mỗi người làm công tác tổ chức hay những tác giả tham dự cuộc thi đều cảm thấy ý nghĩa tốt đẹp mà cuộc thi mang lại đối với bản thân và toàn xã hội. Tác giả Nguyễn Thị Việt Nga, người đoạt hai giải (giải nhì văn xuôi, giải ba báo viết), tâm sự: “Cuộc thi mang ý nghĩa rất lớn. Hy vọng, đề tài về tấm gương cao đẹp của Bác luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người cầm bút”.
Tại lễ trao giải, hàng trăm sinh viên của Trường Cao đẳng Hải Dương đã đến tham dự. Bạn Nguyễn Thị Lụa, sinh viên năm thứ 3 Khoa Thông tin thư viện cho biết: “Trước đây, em chỉ được hiểu biết về sự nghiệp vĩ đại và đạo đức cao đẹp của Bác qua các môn học, nay qua cuộc thi này em cảm nhận được những điều đó qua những câu chuyện, bài thơ, bài báo sinh động và hấp dẫn hơn”.
Với những kết quả đã đạt được, cuộc thi đã góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, bồi đắp nền tảng đạo đức văn hóa trong toàn Đảng, toàn xã hội. Đồng thời, làm cho công chúng hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn về CVĐ, dành sự quan tâm, theo dõi nhiều hơn các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí sáng tác về chủ đề này, đóng góp tích cực vào thành công của CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng ta phát động.
MINH HẠNH