Khao khát thành tích quá lớn của các đội tuyển Việt Nam khiến Đình Trọng và trước đó là Tuấn Anh phải tái xuất vội vã dù cái giá phải trả nhiều khi rất đắt.
Những ca chấn thương của Trần Đình Trọng, Nguyễn Tuấn Anh hay một số ngôi sao tuyển Việt Nam đều có vài điểm chung. Họ là trụ cột quan trọng, người có năng lực thay đổi thành tích của đội bóng, cái tên huấn luyện viên (HLV) muốn đưa vào sân ngay khi có thể.
Bởi thế, trong nhiều trường hợp, họ vẫn phải ra sân dù thể lực chưa đảm bảo, hay thậm chí chưa bình phục hoàn toàn chấn thương.
Đình Trọng phẫu thuật 3 lần trong một năm rưỡi
Khác với Tuấn Anh, Đình Trọng vốn không phải cầu thủ có tiền sử chấn thương phức tạp.
Lần phẫu thuật lớn đầu tiên của Đình Trọng mới đến hồi tháng 1.2019. Anh phẫu thuật gắp mảnh vỡ xương mu bàn chân tại Hàn Quốc. Đây là chấn thương cũ mà Trọng đã chịu đựng từ lâu. Tuy nhiên, anh cố thi đấu cùng tuyển Việt Nam tới hết AFF Cup. Bác sĩ dự đoán Đình Trọng chỉ phải nghỉ vài tháng.
Tháng 3.2019, anh buộc phải trở lại thi đấu khi chưa bình phục hoàn toàn vì U23 Việt Nam rơi vào bảng khó ở vòng loại U23 châu Á 2020. Anh ra sân cả ba trận, đặc biệt đá chính khi U23 Việt Nam thắng Thái Lan 4-0 tại Mỹ Đình.
Ca phẫu thuật thứ hai của Đình Trọng được thực hiện hồi tháng 6.2019 tại Singapore bởi bác sĩ Tan Jee Lim. Anh chấn thương ở trận Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội gặp Hoàng Anh Gia Lai tại vòng 12 V.League. Lần này, chấn thương của Trọng nặng hơn: đứt dây chằng chéo trước. Ông Tan cho rằng Trọng cần tối thiểu 9 tháng để bình phục. Tuy nhiên, bác sĩ Choi Ju-young của tuyển Việt Nam tin Trọng cần 4-6 tháng.
Đình Trọng chưa đạt trạng thái tốt nhất vẫn ra sân ở trận U23 Việt Nam thắng Thái Lan 4-0 tại Mỹ Đình tháng 3.2019 |
Liên tiếp trong 3 tháng cuối năm 2019, Đình Trọng phải đẩy nhanh tiến độ hồi phục để tham dự SEA Games 2019 và U23 châu Á. Tên anh được đưa vào và rút ra liên tục trong các danh sách sơ bộ. Cuối cùng, Trọng chỉ dự được U23 châu Á vào tháng 1.2020. Vài ngày trước trận, bác sĩ Choi vẫn đưa Trọng đi chụp MRI để kiểm tra chấn thương lần cuối. Tại giải đó, Đình Trọng đá cả 3 trận nhưng U23 Việt Nam vẫn bị loại sớm.
Tới tháng 3, khi tái khám ở Singapore, Đình Trọng bị các bác sĩ tại đây trách vì trở lại thi đấu quá sớm. Anh được yêu cầu nghỉ thêm 3 tháng nữa. Tháng 5 vừa qua, các chuyên gia tại PVF tiếp tục kết luận Trọng cần 3 tháng nghỉ.
Tuy nhiên, Đình Trọng vẫn chưa thể trở lại. Đầu tháng 8 vừa qua, sau khi trao đổi với các bác sĩ Singapore, CLB Hà Nội lặng lẽ phẫu thuật cho Đình Trọng ở TP Hồ Chí Minh. Đó là ca phẫu thuật thứ ba của anh sau hơn một năm rưỡi.
Lần này, chưa có thông tin về ngày trở lại của Đình Trọng.
Chấn thương của Đình Trọng có ba đặc điểm. Thứ nhất, ca sau luôn nặng hơn ca trước. Thứ hai, Trọng luôn phải đẩy nhanh tiến độ hồi phục để kịp thi đấu. Thứ ba, càng về sau, thời gian hồi phục càng khó xác định.
Những gì đang diễn ra với Đình Trọng không khác nhiều Tuấn Anh trong giai đoạn 2016-2018. Tuấn Anh liên tục phải chạy đua với thời gian để phục vụ U23, tuyển Việt Nam cùng Hoàng Anh Gia Lai. Điều đó khiến cơ thể của anh không kịp bình phục hoàn toàn và gần như vắng mặt trong 3 năm liền.
Trong cả hai trường hợp, nhận định của đội tuyển và CLB về thời gian chấn thương của Tuấn Anh, Đình Trọng đều khác nhau. Với Tuấn Anh, các bác sĩ đội tuyển từng tin anh có thể ra sân ngay tại AFF Cup 2016 và kiên quyết tiến hành điều trị cho anh theo hướng đó. Kết quả, Tuấn Anh không bình phục nổi trước giải Đông Nam Á. Anh nghỉ thi đấu thêm nửa năm và chỉ trở lại vào tháng 4.2017.Áp lực thành tích là nguyên nhân?
Điều tương tự cũng đến với Đình Trọng. Bộ phận y tế kỳ vọng Trọng kịp bình phục cho SEA Games hồi 11.2019 nhưng khi tới U23 châu Á tháng 1.2020, Trọng vẫn chưa đạt 100% thể trạng.
Điều gì dẫn tới những sự vội vã ấy?
Đó rõ ràng là áp lực thành tích. Cả Tuấn Anh và Đình Trọng đều là ngôi sao lớn, có khả năng thay đổi cục diện trận đấu. Màn trình diễn của Tuấn Anh tại Hoàng Anh Gia Lai và tuyển Việt Nam một năm qua, những phút rực sáng của Đình Trọng tại U23 châu Á là lý do các HLV luôn muốn tung họ vào sân ngay khi có thể. Có họ, đội bóng tới gần chiến thắng hơn. Họ vào sân, áp lực thành tích đè nặng lên các đội tuyển có thể được rũ bỏ.
Nhiều người chỉ trích HLV Park Hang-seo và ban huấn luyện U23 Việt Nam vì trường hợp Đình Trọng. Tuy nhiên, thầy Park cũng phải chịu áp lực thành tích từ bóng đá Việt Nam. Hồi đầu năm ngoái, ông Park từng đề nghị bỏ U22 Việt Nam và SEA Games để tập trung cho vòng loại World Cup cùng U23 châu Á. Đề nghị ấy đã không được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chấp nhận. Hợp đồng mới của ông Park cũng mang tới thách thức tương tự: bảo vệ ngôi vương AFF Cup và SEA Games, vào vòng loại cuối World Cup.
Tuấn Anh thể hiện phong độ đỉnh cao sau khi bình phục hoàn toàn chấn thương hồi năm ngoái |
Ông Park phải đạt thành tích cao nhất có thể trong mọi giải đấu. Muốn làm được điều đó, ông phải có lực lượng tốt nhất, mà Đình Trọng chắc chắn là một trong số đó. Đặt giả thiết ông Park thất bại, chính những người hôm qua kêu gọi ông không dùng Đình Trọng có thể là người đầu tiên chỉ trích ông.
Khát khao thành tích quá lớn của bóng đá Việt Nam khiến các đội tuyển không có một phút ngơi nghỉ. Ở cấp độ CLB, tình hình không khác nhiều. Đội lớn có mục tiêu lớn, đội nhỏ có mục tiêu nhỏ. Đạt được mục tiêu, các đội bóng mới có tiền thưởng, mới có thành tích để “báo cáo”. Đấy là lý do Quang Hải từng nói anh biết chấn thương là điều sớm muộn phải tới ở SEA Games 2019. Áp lực thành tích buộc các đội tuyển và CLB phải vắt kiệt sức cầu thủ. Cầu thủ càng giỏi thì càng được tận dụng. Phan Văn Đức, người vừa trở lại sau nửa năm chấn thương tại SLNA, đã ra sân đủ 11 lần, không nghỉ trận nào ở V.League từ đầu mùa.
Cựu HLV thể lực Pablo Sawicki từng chia sẻ với phóng viên: “Tôi biết bóng đá là việc hái ra tiền và HLV luôn muốn cầu thủ trở lại nhanh chóng. Cả CLB lẫn ban huấn luyện đều phải lên kế hoạch kỹ càng cho những trường hợp này. Nếu cầu thủ trở lại quá sớm, anh ta có thể tái phát chấn thương và đội bóng sẽ có kết quả không tốt”.
Không một ai đủ can đảm từ bỏ thành tích, nên Văn Đức, Đình Trọng và trước đấy là Tuấn Anh vẫn phải cắn răng vào sân, vẫn phải chạy đua từng ngày để hồi phục. Nếu dịch Covid-19 không khiến V.League tạm dừng hai lần, một nửa đội hình chính của thế hệ Thường Châu có lẽ vẫn nằm trong bệnh viện.
Và Đình Trọng có thể chưa phải người cuối cùng.
Theo Zing