Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc diễn ra ở New York (Mỹ) từ 22/9 đến 26/9 vừa qua, Đoàn cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đã có bài phát biểu thu hút sự quan tâm đặc biệt tại phiên họp toàn thể và được nhiều báo chí và phương tiện truyền thông quốc tế phát đi toàn văn.
Điểm mấu chốt của bài phát biểu này là người lãnh đạo cao nhất của nước ta đã trình bày Tầm nhìn Việt Nam về các vấn đề thời sự đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới đe dọa mạng sống, sự tồn tại con người ở nhiều châu lục.
Đó là chiến tranh, thiên tai, dịch họa... đang cướp đi sinh mạng sống của hàng triệu người vô tội. Khó khăn chồng lên khó khăn, Việt Nam cũng đang chịu tổn thất to lớn về người và của từ biến đổi khí hậu, nhất là cơn bão số 03 Yagivừa qua. Nhưng cái tưởng như không thể vượt qua đã trở thành cái có thể vượt qua khi mà dân tộc Việt Nam đã kề vai sát cánh, phát huy cao nhất truyền thống văn hóa nhân văn, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Ở tầm vĩ mô thế giới, bài học rút ra là, nếu các quốc gia, dân tộc chung tay đoàn kết hiệp đồng, đề cao trách nhiệm trước vận mệnh nhân loại với ý thức bằng mọi giá giữ gìn hòa bình, sự ổn định và hợp tác giải quyết các bất đồng, ngăn chặn và đẩy lùi các cuộc xung đột vũ trang, mở rộng giao lưu hợp tác làm ăn trên tinh thần các bên cùng có lợi, thì đó là những nhân tố tạo nên cái “có thể”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định rằng, theo hướng đó, Việt Nam đang hành động hết sức mình, thể hiện rõ vai trò là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu cao nhất cho mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Với tầm nhìn đó, Việt Nam đang vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình để hướng tới mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm 2045, đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển, người dân có thu nhập cao, sánh vai với các cường quốc tiên tiến trên thế giới.
Thông điệp nói trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đã nhận được nhiều hồi âm tích cực của các chuyên gia có uy tín trên thế giới. Ngày 30/9, trang asia.nikkei.com (Nhật Bản) đăng bài viết của ông Sam Korsmoe, nhà văn người Mỹ đã sống và làm việc tại Việt Nam gần 20 năm và là đồng tác giả cuốnsách “Việt Nam: Ngôi sao đang lên châu Á”, trong đó nhận định rằng, dù còn những trở ngại nào đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế bất chấp những biến động chính trị.
Theo bài viết, chỉ trong vòng vài tháng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã làm nổi bật chiến lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là bạn với tất cả các nước để xây dựng một đất nước hùng mạnh và ổn định.
Đáng chú ý, chuyến công du này rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của Việt Nam với Mỹ. Theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 6 vào Mỹ và là thị trường lớn thứ 28 cho hàng xuất khẩu của Mỹ - ông dẫn chứng.
Ông đặt câu hỏi và tự trả lời: Liệu xu hướng này có được duy trì trong giai đoạn tới hay không? “Rõ ràng, Việt Nam đang là “con hổ kinh tế” với tương lai tươi sáng. Việt Nam có các tài sản hữu hình cần thiết để tăng trưởng và phát triển như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, hai trong số những “con hổ kinh tế” từ những năm 1980. Việt Nam có những thứ để có thể trở nên giàu có (tức là thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia có thu nhập cao) vào năm 2045, giống như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã làm vào năm 2000. Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sức tăng trưởng hiện tại thông qua sản xuất phục vụ xuất khẩu, thương mại tự do và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”.
Ông phân tích có 3 nhân tố làm nên sức mạnh của Việt Nam - đó là văn hóa, chính sách và hành động.
Theo ông, văn hóa dựa trên đặc điểm gọi là “ý chí thực dụng”. Người Việt có đặc điểm đáng quý là làm việc chăm chỉ, đảm bảo sự ổn định, chịu trách nhiệm và kiên trì theo đuổi mục tiêu khi mục tiêu đó có lợi cho đất nước.
Về mặt chính sách, có rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất là Việt Nam ủng hộ thương mại tự do. Kể từ khi ký kết hiệp định thương mại song phương với Mỹ vào năm 2001, Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (năm 2007) và ký thêm 15 Hiệp định thương mại song phương. Thương mại tự do là tấm vé đưa Việt Nam đến cánh cửa thịnh vượng. Việt Nam đã tham gia Hiệp định Thương mại tự do trong 25 năm qua và sẽ tiếp tục tham gia.
Minh chứng rõ nét nhất là Việt Nam tự định vị bản thân là điểm đến ưa chuộng trong chiến lược “Trung Quốc+1” của các nhà sản xuất toàn cầu. Các nhà sản xuất đang rời khỏi Trung Quốc và chuyển hoạt động sang Việt Nam. Vì thế ngoại giao của Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, có nghĩa là các doanh nghiệp Mỹ có vị thế tốt để trở thành một phần của xu hướng này.
Ông cho rằng, “trong 25 năm qua, Việt Nam đã phát triển kinh tế và xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ra thế giới. Thật phi lý khi cho rằng xu hướng này sẽ chấm dứt vì ban lãnh đạo thay đổi.
Chuyến thăm của ông Tô Lâm đến Mỹ và có các cuộc gặp với những nhân vật và tập đoàn quan trọng diễn ra rất đúng thời điểm - điều ấy đã nói lên thực lực bên trong của Việt Nam, từ đó tạo nên vị thế quốc tế. Đây là chỉ dấu tích cực cho những gì sắp xảy ra. Điều này sẽ thúc đẩy niềm tin của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp khác cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hành trình và cố gắng hết sức để tiếp tục phát triển nền kinh tế trong 25 năm nữa”.
Người viết bài này xin được lưu ý rằng, khi nhắc đến các cuộc gặp với các nhân vật có tiếng nói quan trọng tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, cần chú ý một chi tiết đặc biệt đã thu hút phiên họp toàn thể của Liên hợp quốc - đó là mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điểm lại sự nghiệp chính trị bền bỉ của mình, từ chỗ lần đầu được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 1972 - thời điểm Mỹ còn tham chiến tại Việt Nam.
Tổng thống Mỹ chia sẻ: “Khi đó chúng ta sống trong một bước ngoặt lịch sử, qua thời điểm của căng thẳng và sự không chắc chắn. Mỹ tham chiến tại Việt Nam, cuộc chiến dài nhất lịch sử đất nước vào thời điểm ấy…”.
Theo ông Biden, nội bộ nước Mỹ khi ấy chia rẽ và tức giận xung quanh nhiều vấn đề khác nhau. Dù đã vượt qua giai đoạn đó, bao gồm kết thúc việc tham chiến ở Việt Nam, nhưng mọi việc không hề dễ dàng, đơn giản với nước Mỹ. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực, Việt Nam và Mỹ đã vượt qua những khác biệt và xây dựng quan hệ đối tác bền chặt.
Ông khẳng định, “ngày nay, Mỹ và Việt Nam là đối tác, bạn bè. Quan hệ Việt Nam - Mỹ là minh chứng rằng sự kinh hoàng của chiến tranh luôn có con đường hướng về phía trước. Mọi điều đều có thể trở nên tốt hơn. Chúng ta không được quên điều đó”.
Một sự kiện cũng được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, đó là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ, diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa đánh dấu một năm thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong cuộc gặp này, Tổng thống Joe Biden gửi lời chia buồn với Việt Nam trước những thiệt hại do siêu bão Yagi gây ra vừa qua, đồng thời khẳng định Chính phủ Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phục hồi sau cơn bão.
Một lần nữa chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới, Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ coi Việt Nam “là đối tác có tầm quan trọng hàng đầu tại khu vực”. Theo nhà nghiên cứu Lưu Khánh Bân (Trung Quốc), “một đánh giá như vậy đối với một quốc gia Đông Nam Á không phải là đồng minh của Mỹ thực sự là rất hiếm”.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, “Mỹ ủng hộ Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong khu vực và quốc tế; mong muốn phối hợp chặt chẽ cùng Việt Nam trong duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, đề cao luật pháp quốc tế, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, chống biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề chung của khu vực và quốc tế”.
Trong các cuộc gặp với nhiều nguyên thủ quốc gia và các tổ chức quốc tế, các tập đoàn doanh nghiệp lớn bên lề Hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng nhận được những đánh giá cao về thành tựu và sự khẳng định tiếp tục ủng hộ và hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Là những người duy vật, chúng ta không đơn thuần lạc quan ở những lời ngợi ca ấy, mà một mặt, chúng ta cảm ơn sự ủng hộ của bầu bạn quốc tế dành cho Việt Nam; mặt khác, nhận thức sâu sắc rằng, ý chí tự lực, tự cường xây dựng thực lực mạnh mẽ từ bên trong, là nhân tố quyết định, sự ủng hộ bên ngoài là quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế vừa qua với những thành tựu to lớn và toàn diện, là nền tảng cho phép chúng ta vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên Việt Nam vươn mình - như thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định ở trong nước và quốc tế.
PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH