Để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo thông tư sửa đổi, khách hàng phải có đề nghị và tổ chức tín dụng đánh giá khách có khả năng trả đúng hạn.
Giao dịch tại Vietcombank
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2021/ TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020. Theo đó, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí cho khách hàng được nới đến hết ngày 31.12.2021. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 17.5.
Cụ thể, về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoản nợ được cơ cấu lại phải bảo đảm các điều kiện. Đó là thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10.6.2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời gian từ ngày 23.1.2020 đến hết năm nay.
Mặt khác, khoản nợ được đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận do bị ảnh hưởng của dịch COVID -19…
Bên cạnh đó, khách hàng phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
Thêm nữa, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày được hưởng chính sách ưu đãi này.
Về miễn, giảm lãi suất và phí, trong thông tư, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng quyết định việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại thông tư này thực hiện đến hết năm nay.
Về giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, Ngân hàng nhà nước yêu cầu chỉ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 23.1.2020, thuộc diện được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày 29.3.2020.
Về trích lập dự phòng rủi ro, theo hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung được xác định là dương. Tổ chức tín dụng thực hiện trích bổ sung dự phòng cụ thể đến thời điểm 31.12.2021, tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung; đến thời điểm 31.12.2022, tối thiểu 60% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung; đến thời điểm 31.12.2023, 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.
Kể từ ngày 1.1.2024, tổ chức tín dụng căn cứ quy định của Ngân hàng Nhà nước về trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng để trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư.
Theo Vietnam+