Trong suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
75 năm qua, quân đội đã luôn xứng đáng là công cụ bạo lực cách mạng sắc bén, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân
Đó là kết quả tổng hợp được tạo nên từ nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt
Ngày 22.12.1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (nay là Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời xuất phát từ yêu cầu của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam là tất yếu khách quan, là thực hiện sứ mệnh của giai cấp công nhân giao cho Đảng.
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của quân đội, từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Thực tiễn 75 năm qua, từ khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời đến nay đã khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Cụ thể, Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ thể lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Quyền lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là tuyệt đối và mọi mặt, bao gồm: tất cả các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng và tổ chức; trên mọi nhiệm vụ: chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, lao động sản xuất; trên các mặt công tác: quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
- Đảng xác định đường lối, quan điểm quân sự, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tính nhuệ, từng bước hiện đại.
- Đảng chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội.
- Đảng lãnh đạo việc xây dựng lực lượng quân đội với quy mô cơ cấu, biên chế, tổ chức các quân chủng, binh chủng, quân đoàn, binh đoàn, các cơ quan, đơn vị, nhà trường… cân đối, hợp lý; đảm bảo cho quân đội luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng, giao phó.
- Đảng lãnh đạo việc xây dựng và phát triển nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm cơ sở để huấn luyện, chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống.
- Đảng lãnh đạo đảm bảo vũ khí, trang bị và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
- Đảng lãnh đạo tiến hành đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Nhân tố quyết định mọi thắng lợi và sự trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam
Quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân và trong mọi giai đoạn xây dựng, phát triển của quân đội đều được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn cách mạng, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội có sự thay đổi cho phù hợp.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định từ rất sớm và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Trong Nghị quyết đội tự vệ (năm 1935), Đảng xác định: “Luôn luôn phải giữ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong tự vệ thường trực”. Đầu năm 1944, trước yêu cầu thành lập đội quân chủ lực quốc gia, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”... Sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng các đơn vị Cứu quốc quân, các đội du kích, cùng nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội có sự phát triển nhanh về lực lượng. Để giữ vững sự lãnh đạo, Đảng tiếp tục nghiên cứu xác lập, triển khai cơ chế lãnh đạo quân đội: Thành lập Trung ương Quân ủy (tháng 1.1946); thành lập các cấp ủy từ quân khu đến chi ủy; đặt chế độ hai thủ trưởng (quân sự, chính trị) để chỉ huy đơn vị từ cấp khu đến trung đội; lập chế độ chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách trong quân đội (tháng 10.1948). Từ thực tiễn tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội trong kháng chiến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã ban hành Nghị quyết 7 ngày 20-5.1952, về thực hiện chế độ tập thể Đảng ủy lãnh đạo toàn diện, thủ trưởng quân sự, thủ trưởng chính trị phân công thực hiện theo chức trách, nhằm thực hiện sự lãnh đạo tập thể, thống nhất của Đảng về mọi mặt công tác. Trải qua chín năm kháng chiến (1945-1954), quân đội ta đã quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã lập nên những chiến công vang dội, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội luôn được giữ vững, tăng cường, qua đó phát huy được sức mạnh chiến đấu "càng đánh, càng mạnh, càng thắng lợi". Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân đội ta đã cùng toàn dân đánh bại các chiến lược của đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thế kỷ XX.
Từ năm 1975 đến nay, Đảng ta đã có ba lần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đặc biệt, ngày 4.7.1985, Bộ Chính trị (khóa V) đã ra Nghị quyết 27 về việc “Tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng”. Sau gần 20 năm thực hiện (1985-2005), Nghị quyết 27 đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, quân đội ta đã tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh. Cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tham mưu với Đảng và Nhà nước đề ra đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm ổn định chính trị-xã hội.
Trước yêu cầu giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong thời kỳ mới, ngày 20.7.2005, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 51 về "Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam." Nghị quyết chỉ rõ : "Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng xây dựng quân đội... bảo đảm cho quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống".
Trên cơ sở đó, trong điều kiện cách mạng mới, trước tình hình thế giới, khu vực và trong nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng có nhiều diễn biến phức tạp, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Quân đội ta đã duy trì và thực hiện tốt sẵn sàng chiến đấu; kiên quyết đấu tranh phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch. Trong thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đã đạt được những thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn...
Như vậy, suốt 75 năm qua, nhờ không ngừng bổ sung, hoàn thiện phương thức, cơ chế lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giữ vững vai trò lãnh đạo đối với quân đội trong mọi tình huống, mọi giai đoạn lịch sử. Đó cũng là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta. 75 năm qua, quân đội đã luôn xứng đáng là công cụ bạo lực cách mạng sắc bén, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân; giữ vững bản chất giai cấp công nhân, là quân đội của dân, do dân, vì dân; viết nên truyền thống quyết chiến, quyết thắng với nhiều chiến công hiển hách, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, xứng đáng là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng.
Theo TTXVN